26/06/2017 19:19 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Cách đầy gần 100 năm, trong tác phẩm Tiếng cười trong bóng tối, đại văn hào Vladimir Nabokov đã mơ về một ý tưởng hoang đường: Làm một bộ phim hoạt hình mà cảnh và nhân vật bước ra từ chính những bức họa nổi tiếng. Cách đây ít ngày, hoang đường đó đã hóa thành hiện thực.
“Sự thật là, chúng ta không thể nói gì nhiều hơn chính những bức tranh của mình” - Vincent van Gogh viết trong bức thư cuối cùng.
Dự án vì tình yêu với Van Gogh
“… Hay nhất là dung một bức thuộc trường phái Hà Lan, hoàn hảo để tái sinh trên màn ảnh bởi màu sắc rực rỡ và rồi thổi vào đó sự sống - những chuyển động, cử chỉ được triển khai sinh động một cách hài hòa trọn vẹn với trạng thái tĩnh của chúng trong bức tranh, như một quán rượu với những hình người nhỏ bé đang say sưa uống quanh những chiếc bàn gỗ và hình ảnh thoáng qua của một mảnh sân ngập nắng với đàn ngựa thắng yên.
Tất cả bỗng như hồi sinh khi người đàn ông nhỏ bé mặc áo đỏ nọ đặt chiếc vại bia xuống, cô gái đang bê chiếc khay kia vặn mình để thoát ra, và một con gà mái bắt đầu mổ lên ngưỡng cửa…” - Nabokov dường như đoán được tương lai khi viết những dòng trên vì đây chính xác là cách Loving Vincent được tạo ra, cũng từ đúng những bức tranh của một bậc thầy Hà Lan: Vincent Van Gogh.
Có điều, thuở đó, Nabokov tin rằng đây chỉ điều hoang đường. Mà ngay cả bây giờ, vẫn nhiều người ngỡ đó chỉ là giấc mơ. Chỉ có duy nhất một sức mạnh mới có thể biến nó thành hiện thực: tình yêu chân chính, cháy bỏng với nghệ thuật nói chung và với họa sĩ gây ám ảnh Van Gogh nói riêng.
Cách đây bảy năm, hai đạo diễn Dorata Kobiela và Hugh Welchman đã bắt tay vào dự án tưởng niệm này. Cũng chính bởi những lời cuối cùng của Van Gogh, họ nhất quyết sử dụng tranh của ông làm phân cảnh và dựng phim hoàn toàn bằng tranh sơn dầu. Thế nhưng, phải hơn ba năm sau, khi gặp nhà sản xuất Sean Bobbitt, dự án mới tạo được sự chú ý lớn từ các quỹ và giới nghệ sĩ.
Các quỹ phim và văn hóa đã tài trợ 5,5 triệu USD để làm Loving Vincent và hơn 8.000 họa sĩ đã kéo về xưởng phim với mong muốn được đóng góp sức mình cho dự án đầy ý nghĩa này.
Từ 50 theo kế hoạch ban đầu, đã tăng lên 115 họa sĩ được chọn. Họ là những người rất tài năng, sẵn sàng gác cái tôi để vẽ theo phong cách của Van Gogh, sẵn sàng bỏ ra ba tháng vẽ liên tiếp chỉ để tạo ra ba giây trên phim. Ròng rã như vậy hơn ba năm.
Để có hơn 80 phút phim, 65.000 bức tranh sơn dầu vẽ trên vải đã được tạo ra, kết hợp cùng 120 kiệt tác của chính Van Gogh.
Nếu không phải vì tình yêu, chẳng gì có thể tạo ra một bộ phim như vậy.
Đi tìm nguyên nhân cái chết của danh họa bậc thầy
Ngày 27/7/1890, Vincent Van Gogh đi vào cánh đồng lúa mì phía sau lâu đài Auvers, cách Paris vài dặm, rồi cầm súng bắn vào ngực mình. Hỏa lực yếu khiến viên đạn không chạm được vào tim ông. Khi bóng tối buông dần xuống chiều Chủ nhật buồn đó, ông loạng choạng tỉnh dậy, không thấy súng nên đã lê về phòng trọ và qua đời sau đó hai ngày.
Tại xưởng phim ở Ba Lan, cái chết của ông trở thành một vụ “giết người” bí ẩn.
Một thanh niên tên Armand Roulin, trong chiếc áo vàng rực rỡ bước ra từ tranh của Van Gogh trở thành thám tử và người kể chuyện.
Theo yêu cầu của cha, Roulin đi từ Arles tới Auvers để mang theo bức thư của cuối của đại danh họa tới cho người em trai tên là Theo. Khi ngược lên miền bắc, anh nghe tin Theo cũng đã qua đời do ảnh hưởng của bệnh giang mai và do hoàn toàn suy sụp trước cái chết của anh trai.
Nhưng mang trong mình nỗi ám ảnh về Van Gogh rằng: “Làm sao một người đàn ông đang từ hoàn toàn điềm tĩnh lại tự sát chỉ sau sáu tuần?”, Roulin quyết định ở lại thành phố để tìm hiểu về cái chết. Anh hỏi bất cứ ai có thể để hiểu sâu hơn về sự ra đi của Van Gogh. Và thế là, các nhân vật tưởng tượng từ trong tranh bước ra và nêu ý kiến của mình về người họa sĩ, tạo ra bức chân dung phức tạp của một người đàn ông có nhiều hành vi không thể giải thích.
Bản thân hai đạo diễn cũng không có ý định giải thích tại sao Van Gogh lại cảm thấy đời mình là một thất bại khi các kiệt tác đang đua nhau ra đời. Họ đã làm theo di nguyện của Van Gogh: để các bức tranh của chính ông tự truyền thông điệp tới khán giả.
“Chúng tôi hi vọng qua bộ phim sẽ khuyến khích được mọi người xem tranh và đọc thư của Vincent” là ước muốn giản dị của một người yêu nghệ thuật như đạo diễn Kobiela.
Loving Vincent mới được khởi chiếu trong lễ hội Annecy và dự kiến sẽ công chiếu tại Pháp vào ngày 11/10 rồi phân phối tới khoảng 135 quốc gia. Trong lần đầu ra mắt, khi bộ phim khép lại, khán giả đã đứng dậy vỗ tay suốt chục phút và rơi những giọt nước mắt vì tình yêu với Van Gogh. |
Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất