02/10/2016 14:10 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) – Với chất giọng mịn như lụa, tiếng Anh hoàn hảo, "Hanoi Hannah" cố gắng thuyết phục lính Mỹ rằng họ đang tham gia một cuộc chiến phi nghĩa và nước Mỹ đã quay lưng lại với họ, tờ Los Angeles Time viết về phát thanh viên huyền thoại của VOV Trịnh Thị Ngọ.
Nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của VOV, bà Trịnh Thị Ngọ vừa qua đời sáng 30/9/2016 tại TP HCM, thọ 87 tuổi. Bà không chỉ là bậc tiền bối đáng ngưỡng mộ trong giới phát thanh Việt Nam mà còn trong huyền thoại trong lòng các cựu binh Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam.
Bí danh Thu Hương là cái tên đầu tiên bà sử dụng khi làm phát thanh viên tiếng Anh những năm 1950 bởi nó dễ phát âm hơn đối với những thính giả không biết tiếng Việt của bà, tờ New York Times mở đầu bài viết về bà Ngọ năm 1994.
“Ít âm tiết hơn”, bà nói rõ ràng, với ngữ điệu tiếng Anh chuẩn mực đã khiến bà trở thành huyền thoại. Dù vậy, đó không phải cái tên mà hàng triệu lính Mỹ nhớ tới.
Đối với thế hệ lính Mỹ tham gia chiến tranh ở Đông Dương, bà Ngọ là Hanoi Hannah - phát thanh viên với giọng mượt như nhung trên đài phát thanh Bắc Việt, Đài Tiếng nói Việt Nam – người đã thuyết phục lính Mỹ rằng họ đang tham gia một cuộc chiến phi nghĩa và rằng họ nên hạ vũ khí và trở về nhà.
Bà Trịnh Thị Ngọ thời trẻ
“Công việc của tôi là giúp lính Mỹ hiểu rằng không có lý gì để họ tham gia vào cuộc chiến này”, bà chia sẻ. “Tôi nói với họ về truyền thống chống xâm lược của người Việt Nam. Tôi muốn họ biết sự thật về cuộc chiến này và để họ nản lòng mà từ bỏ cuộc chiến”.
Các lính Mỹ đã đặt biệt danh cho bà là Hanoi Hannah, giống như Tokyo Rose của Nhật Bản.
“Về sau tôi mới biết tới tên này”, bà Ngọc cho biết. “Hanoi bắt đầu bằng âm tiết H, Hannah cũng bắt đầu bằng âm tiếng H. Những người Mỹ thích đặt biệt danh”.
Trong vòng 8 năm, những lính Mỹ đã chỉnh sóng để được nghe giọng bà, tại những đồn bốt hoang vắng dọc Việt Nam.
Khi phóng viên Los Angeles Time nói về sự nổi tiếng của bà, bà Ngọ cười: “Ồ, tôi không phải người nổi tiếng. Tôi yêu quãng thời gian ở Hà Nội, tôi đơn giản là một công dân bình thường đang cố gắng đóng góp chút gì cho đất nước của tôi”.“Tôi đã cố gắng để thân thiện và có sức thuyết phục. Tôi không muốn quá chói tai hay hung hãn. Ví dụ, tôi gọi là người Mỹ là đối phương. Tôi không bao giờ gọi họ là kẻ thù”, bà nói thêm rằng khi Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972, bà đã vô cùng tức giận nhưng vẫn giữ bình tĩnh khi lên sóng phát thanh.
Chương trình 30 phút mỗi kỳ của bà Ngọ kết thúc vào năm 1973 khi phần lớn quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam. Sau năm 1975, bà chuyển vào TP HCM sống cùng chồng, một kỹ sư. Dù đã nhiều năm sau chiến tranh, những lính Mỹ thuở xưa vẫn luôn nhớ về bà với hình ảnh một phụ nữ Việt Nam dịu dàng mà quyết liệt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất