22/11/2012 06:15 GMT+7 | Âm nhạc
(giaidauscholar.com) - Trở về Việt Nam sau một thời gian sinh sống tại Phần Lan, nghệ sĩ đàn tranh Thanh Thủy vừa có cuộc trình diễn “gây sốc”: 3 nghệ sĩ biểu diễn đàn tranh, đàn bầu và đàn tì bà… trong tủ kính. Chương trình diễn ra trong hai ngày 8 và 9/11 tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội, trước khi lên đường sang châu Âu trong khuôn khổ một dự án âm nhạc đa quốc gia. Bên trong Bên ngoài, tên cuộc trình diễn, mong muốn mang lại cho khán giả những trạng thái trải nghiệm khác nhau: sự hòa trộn thanh âm của ba nhạc cụ theo phong cách điện tử đi cùng với âm nhạc của từng nhạc cụ được thưởng thức bằng tai nghe. Và có những thứ nghe vậy, nhìn vậy mà không phải như vậy…
“Tranh cãi” như liều thuốc… kích thích
* Từng tham gia dự án Đại - Lâm - Linh, chị biết đấy, những thể nghiệm mang tính phá cách hiện giờ vẫn chưa được khán giả và kể cả giới làm nghề đón nhận, thậm chí gây tranh cãi. Vì sao chị vẫn kiên trì theo đuổi những thể nghiệm mới mẻ với âm nhạc truyền thống?
- Có lẽ chúng ta, những người làm nghệ thuật và những người làm phê bình nghệ thuật nên trao đổi với nhau thế nào là “cách” và thế nào là “phá cách”. Nếu tiêu chí của những người làm nghệ thuật là sáng tạo thì một phần nào đó đã luôn có sự “phá cách” trong mọi tác phẩm nghệ thuật rồi.
Trong các chương trình mà tôi tham gia như là một thành viên trong nhóm, hay là chương trình của riêng mình, tôi luôn nhận được nhiều luồng phản hồi từ cả khán giả và giới chuyên môn. Theo tôi, đó là dấu hiệu rất tốt. Một môi trường văn hóa, nghệ thuật hay giải trí lành mạnh nên có sự phong phú, đa dạng, và những phản hồi khác nhau, thậm chí trái ngược từ khán giả. Theo tôi, đó cũng là dấu hiệu rất tự nhiên. Bản thân tôi sẽ cảm thấy không tự nhiên nếu một trăm phần trăm khán giả đi xem một chương trình có cùng một suy nghĩ, cùng một cảm nhận hay đánh giá về tác phẩm.
Cũng như thế, tôi cho rằng một tác phẩm “gây tranh cãi” không phải là dấu hiệu không tốt. Tôi tin chắc không có người làm nghệ thuật nào từ bỏ công việc của mình đang làm chỉ vì công việc đó “gây tranh cãi”. Ngược lại, đó sẽ là một yếu tố kích thích người sáng tạo nghệ thuật tiếp tục dấn thân.
Rất nhiều công việc tôi làm bắt đầu từ những mâu thuẫn, những tranh cãi trong chính bản thân tôi, của chính tôi, và tôi tin nhiều nghệ sĩ khác cũng có những khoảnh khắc như thế. Và nếu những câu hỏi của nghệ sĩ, những vấn đề mà nghệ sĩ nêu lên trong tác phẩm của mình trở thành những câu hỏi, những vấn đề khán giả băn khoăn, quan tâm, tranh cãi, tiếp tục muốn tìm hiểu, bàn luận, thì tôi cho đó là một điểm thành công.
* Điểm chung của rất nhiều sự thử nghiệm là đề cao tính ngẫu hứng và cảm thụ bản năng của nghệ sĩ. Tuy nhiên, câu hỏi là liệu ngẫu hứng có phải là “muốn làm gì thì làm”? Nghệ sĩ có cơ sở lý luận nào không hay chỉ đang thực hiện bản năng của mình? Chị nghĩ sao trước những băn khoăn nói trên?
- Tôi không cho rằng nhiều công việc thử nghiệm hiện nay đề cao tính ngẫu hứng. Về cá nhân tôi, thời gian qua, tôi đàn nhiều trong các chương trình ngẫu hứng vì tôi có tham gia một dự án quốc tế về ngẫu hứng mang tên Re-thinking Improvisation/Suy nghĩ lại về sự ngẫu hứng.
Trả lời câu hỏi của bạn: ngẫu hứng có phải là muốn làm gì thì làm không, tôi xin trả lời hoàn toàn không phải vậy. Một đầu bếp giỏi có thể ngẫu hứng nấu món ăn không có trong sách vở nhưng đó hoàn toàn không phải là muốn làm gì thì làm, và chắc chắn món ăn đó sẽ rất khác một món ngẫu hứng của một người không biết nấu nướng. Trên thực tế, những tài liệu về trình diễn ngẫu hứng cũng có hàng thư viện, chỉ cần biết tiếng Anh là có thể đọc được những công trình nghiên cứu để thấy lịch sử lâu dài của ngẫu hứng.
Trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, ngẫu hứng là một phần rất quan trọng. Bài bản của âm nhạc truyền thống Việt Nam chỉ tồn tại dưới dạng lòng bản, một kiểu ký âm sơ lược, hoàn toàn phụ thuộc rất nhiều vào tài nghệ của người chơi đàn để tạo ra những bản đàn hay, và mỗi lần trình diễn nghệ sĩ lại ngẫu hứng tại chỗ, tạo ra một dị bản mới, dựa trên lòng bản đó.
Không chỉ trong âm nhạc truyền thống, trong nghệ thuật sân khấu dân tộc, chẳng hạn tuồng cũng có thể có loại tuồng cương, tức là ngẫu hứng ngay tại chỗ, ngay lúc diễn có khán giả. Ngẫu hứng cũng có một vị trí quan trọng và lịch sử lâu dài trong nhiều thể loại âm nhạc khác nhau trên thế giới, chẳng hạn như jazz…
* Ở Việt Nam hiện nay, nghệ thuật thể nghiệm vẫn bị cho là... lập dị, quái đản…
- Tôi không quan tâm tới ý kiến này cũng như là những người đưa ra ý kiến. Từ điển hiện nay không định nghĩa từ “thể nghiệm” như vậy.
Bên trong và bên ngoài của mỗi hiện tượng
* Dự án "Bên trong Bên ngoài" được hình thành như thế nào?
- Ý tưởng về Bên trong Bên ngoài đến với tôi cụ thể hơn từ một năm trước. Nhưng thực ra, từ trước đó, tôi vẫn thỉnh thoảng tự hỏi tại sao gần đây các chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc trên truyền hình hoặc trên các sân khấu lớn, các nghệ sĩ nữ thường chiếm số lượng đông hơn các nghệ sĩ nam. Trong khi gần một thế kỷ trước, đa phần nghệ sĩ chơi đàn hay trình diễn đều là nam giới.
Tôi muốn nhìn sâu vào sự thay đổi đó trong âm nhạc và trong cả xã hội. Đâu là cái đẹp, cái tích cực trong những gì chúng ta đang nhìn thấy? Cái gì là bên trong hay bên ngoài của mỗi hiện tượng. Hiện nay, tôi làm việc trong một dự án quốc tế mang tên Music in Movement/Âm nhạc trong chuyển động. Đó là lý do vì sao tôi đã mời biên đạo múa Mari Fahlin, cũng làm việc cùng tôi trong dự án trên cùng nhau xây dựng nên sắp đặt trình diễn Bên trong Bên ngoài, sử dụng cả chuyển động hình thể. Để tạo được hiệu quả sắp đặt âm thanh, sự không trùng khớp giữa âm thanh khán giả có thể nghe thấy và hình ảnh khán giả nhìn thấy, tôi đã mời nghệ sĩ nhạc điện tử Matt Wright tham gia. Anh Matt Wright thu ngay tại chỗ những âm thanh chúng tôi đàn trong tủ kính, sắp xếp lại, hoặc đôi khi phát nguyên xi, nhưng vào một thời điểm khác nhau trong lúc trình diễn, tạo ra rất nhiều tầng âm thanh. Tại mỗi tủ kính, chúng tôi chuẩn bị tai nghe trong đó chỉ có riêng âm thanh của một nhạc cụ dân tộc trong tủ kính đó được phát ra.
* Vì sao trong các dự án của mình, chị luôn chọn “đối tác” là người nước ngoài? Phải chăng nghệ sĩ Việt chưa ngẫu hứng đủ độ “ép phê”?
- Việc tôi cộng tác với các nghệ sĩ nước ngoài có nhiều lý do. Có thể nhiều dự án là do nghệ sĩ nước ngoài chọn và mời tôi làm việc cùng. Một lý do khác là các quỹ tài trợ cho nghệ thuật thử nghiệm ở Việt Nam không nhiều, phần lớn là các quỹ của nước ngoài, và một trong những ưu tiên của các quỹ đó là dành cho nghệ sĩ nước đó. Chính vì vậy, dự án cộng tác giữa nghệ sĩ Việt và nghệ sĩ ngoại luôn được khuyến khích.
Hơn nữa, khi thực hiện những dự án như vậy, các quỹ hỗ trợ đều rất quan tâm tới khâu tổ chức, quảng bá cho chương trình, nên thông tin tới với khán giả nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng tôi không làm việc nhiều với các nghệ sĩ Việt Nam mà chỉ vì các khán giả ít nhận được những thông tin đó mà thôi.
* Sau các buổi trình diễn tại Việt Nam, kế hoạch tiếp theo của "Bên trong Bên ngoài" là gì?
- Chúng tôi đã có kế hoạch trình diễn dự án này tại Anh, Phần Lan và một số nước khác.
Sâu róm cũng… đẹp như những con bướm
* Được biết, hiện tại chị sống ở nước ngoài. Ở đó, sinh hoạt nghệ thuật của chị có thay đổi?
- Vâng, đó là một sự thay đổi lớn. Chính vì vậy một phần trong nghiên cứu của tôi là tìm hiểu những thay đổi này tác động tới việc trình diễn nghệ thuật của chính tôi ra sao.
* Khán giả nước ngoài đón nhận âm nhạc truyền thống Việt Nam như thế nào?
- Họ tôn trọng và thán phục vẻ đẹp riêng biệt của âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng như bất kỳ một nền âm nhạc truyền thống nào khác trên thế giới.
* Âm nhạc truyền thống Việt Nam đẹp chính là ở cái nét truyền thống của nó, theo chị, những sự phá cách có phải là ứng xử hợp lý với kho tàng này?
- Theo tôi, truyền thống là truyền thống và đẹp là đẹp. Một chiếc bình cổ có thể vô cùng đắt giá nhờ giá trị lịch sử của nó, nhưng không phải mọi chiếc bình cổ đều đẹp. Cũng như khái niệm về đẹp thay đổi rất nhanh theo thời gian. Và truyền thống là một dòng chảy. Thử nghĩ xem, con cháu chúng ta sau 50 hay 100 năm nữa sẽ gọi những công việc chúng ta đang làm hiện nay là gì? Một trong những suy nghĩ của tôi khi thực hiện Bên trong Bên ngoài là phải chăng âm nhạc truyền thống đang được xếp vào… bảo tàng, được mọi người nhìn ngắm và cất giữ trong tủ kính. Làm sao để âm nhạc truyền thống thực sự sống trong đời sống, sống trong dòng chảy của nó.
* Tiền hay con người là yếu tố quyết định số phận gia tài âm nhạc này của chúng ta?
- Theo tôi thì cả hai yếu tố trên đều quan trọng như nhau trong việc này.
* Theo chị, hai khái niệm bảo tồn và phát triển nền âm nhạc truyền thống Việt nên được “hiện thực hóa” thế nào?
- Để làm được điều đó thì trước tiên, phải tách rời hai khái niệm đó. Bởi đó là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Có thể cùng tồn tại chứ không phải là cái này phủ định cái kia. Sâu róm biến thành bướm nhưng như thế không có nghĩa là không còn sâu róm trên đời nữa. Tôi yêu một vườn hoa có cả bướm và sâu róm. Với tôi, con sâu róm cũng đẹp như những con bướm.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
Hà Chi (thực hiện); Ảnh: Đặng Hào
Thể thao & văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất