Nghi án đạo phim vẫn dự giải Cánh diều

02/03/2011 15:28 GMT+7 | Phim


"Nhà sản xuất và tác giả Giao lộ định mệnh thiếu lòng tự trọng? Người mời Giao lộ định mệnh dự giải không đếm xỉa gì đến dư luận, không tôn trọng giải..." - nhà biên kịch, nhà báo Đoàn Minh Tuấn thẳng thắn phân tích.

Liên quan đến dư luận rất nóng gần đây về việc bộ phim Giao lộ định mệnh bị báo chí phát giác là "hàng nhái" một bộ phim Mỹ sản xuất năm 1991 vẫn tham dự giải Cánh diều 2011, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với nhà biên kịch, nhà báo Đoàn Minh Tuấn, Phó TBT tạp chí Thế giới Điện ảnh. Ông là thành viên Ban giám khảo công trình nghiên cứu - lý luận - phê bình của giải Cánh diều năm nay.

Đạo diễn đừng lòe người Việt

- Chắc chắn ông có nghe dư luận trên báo chí và các diễn đàn mạng gần đây cho rằng “Giao lộ định mệnh” là bản sao của phim “Shattered” nhưng vẫn tham dự giải thưởng điện ảnh Cánh diều. Ông nhìn nhận sự kiện này thế nào?

Đây là một sự kiện mà chỉ ở Việt Nam mới có. Nó phản ánh một thứ văn hóa, nói như nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến, là "văn hóa bờm xơm". Chữ "bờm xơm" dính dáng đến người tổ chức, người dự giải và nhiều người khác nữa. Nó phản ánh mặt bằng văn hóa nói chung ở nước ta lúc này.


Siêu mẫu Vũ Thu Phương trong một cảnh phim

-  Là nhà phê bình phim, cũng là nhà báo, chắc ông đã xem cả “Shattered” và “Giao lộ định mệnh”? Một cách khách quan, ông có nhận xét gì về hai bộ phim này? Về sự giống nhau đến... tê người của nó như chính lời của đạo diễn Victor Vũ?

Tôi nghĩ, Victor Vũ nói riêng và phần lớn các đạo diễn Việt kiều nói chung, khi về nước làm phim, đều mang ý định lấy một chút gì đó của Mỹ để lòe người Việt (cốt truyện, bối cảnh, tính cách nhân vật...). Song họ nên biết một điều là khán giả điện ảnh Việt Nam trong thời toàn cầu hóa không đến nỗi nhẹ dạ như họ nghĩ.

- Theo ông, có thể nào tồn tại hai bộ phim có ý tưởng và cách thể hiện y chang như nhau mà không có chuyện người sau đã tham khảo, hay chính xác hơn là "xào" phim của người làm trước?

Trong thế giới điện ảnh trước đây cũng như hiện nay, có nhiều bộ phim được nhà sản xuất mua ý tưởng, cốt truyện... để làm lại (remake). Chẳng hạn người Mỹ từng mua Và thượng đế đã tạo ra đàn bà của Pháp, Vô gian đạo của Hồng Kông, Old boy của Hàn Quốc... Tại sao họ mua lại? Họ làm lại cho phù hợp với điện ảnh Mỹ, phong cách Mỹ, tính cách người Mỹ... Đương nhiên bản quyền được tôn trọng. Và việc mua bán này được công khai cho dư luận biết. Còn chuyện "xào" phim mà bạn nhắc thì đó là một sự thật rất đau đớn của người Việt chúng ta, dù đó là người Mỹ gốc Việt như anh Vũ.

Có câu "Mặt trơ trán bóng" chỉ trường hợp này

- Với tư cách là một nhà biên kịch, một khán giả, ông có thái độ thế nào với những người làm phim thiếu tự trọng và lười biếng đến mức phải đi copy một bộ phim có sẵn?

Nghệ thuật là một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo. Công việc này bắt buộc người nghệ sĩ phải luôn làm ra cái mới. Nếu anh không có khả năng này thì không nên làm nghệ thuật. Nếu bị phát hiện "đạo" và "cóp" tác phẩm người khác thì cả một đời không ngẩng đầu lên được.

- Việc lấy cắp ý tưởng từ một bộ phim khác không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn là điều tối kỵ với một người làm phim - công việc đòi hỏi sự sáng tạo độc lập. Đặt địa vị ông là đạo diễn và tác giả kịch bản của bộ phim bị phát giác là "hàng nhái", ông có dám gửi phim đi tham dự giải thưởng nghề nghiệp hay không?


Hứa Vỹ Văn trong phim

Người Việt chúng ta có câu "mặt trơ trán bóng" để chỉ trường hợp này. Bạn đừng nghĩ làm điện ảnh toàn người tử tế. Ông Trương Nghệ Mưu đã chỉ rõ, con thuyền điện ảnh gồm cả người lương thiện lẫn bọn đạo tặc.

-  Khi sự việc đã đi đến mức này, ông có nghĩ là nhà sản xuất của "Giao lộ định mệnh" nên lên tiếng và rút khỏi danh sách tranh giải khi BGK còn chưa chính thức làm việc?

Tôi nghĩ, nhà sản xuất và tác giả Giao lộ định mệnh thiếu lòng tự trọng. Người mời Giao lộ định mệnh dự giải cũng không đếm xỉa gì đến dư luận, không tôn trọng giải của chính mình. Nếu tôi có phim dự thi, tôi sẽ xin rút vì cảm thấy mình bị xúc phạm. Bạn có cảm giác đi chơi với thằng ăn cắp bao giờ chưa?

Khổ thân, vừa mới đến đã bị... mời về

- Đặt giả thiết "Giao lộ định mệnh" hơn hẳn nhiều phim khác, đạt khung điểm để giành Cánh diều Vàng hay Bạc thì ông có nghĩ nên trao giải cho phim này không?

Chẳng có lý gì mà không trao giải. Bởi rõ ràng là sự dàn dựng, cấu trúc câu chuyện của Giao lộ định mệnh hơn hẳn nhiều phim khác dự giải đợt này.

- Nhiều người cho rằng Hội Điện ảnh, đáng lẽ với vai trò cầm trịch phải tiến thành thẩm định một bộ phim dính vào nghi án đạo phim như "Giao lộ định mệnh" trước khi đưa vào danh sách trao giải chính thức. Ông có nghĩ vậy không?

Bạn đừng khoác cho Hội những nguyên tắc làm việc cao sang như vậy. Hội hè ở nước mình là những gương mặt rất trừu tượng. Triển lãm Hội Mỹ thuật mấy năm vừa rồi cũng đầy tác phẩm đạo. Giải thưởng Hội Nhà văn vừa rồi cũng đầy khiếm khuyết. Hội Điện ảnh mời Giao lộ định mệnh dự giải, vì phim này có bị ai thưa ra tòa án nào đâu. Hơn nữa, không cơ quan nào kết luận về sự việc cả. Mà giải Cánh diều nếu có "yếu tố nước ngoài" tham dự thì cũng "sang trọng" chứ sao?


Đạo diễn Victor Vũ đang chỉ đạo diễn xuất

- Khi còn chưa quá muộn, ông có nghĩ rằng Hội Điện ảnh nên họp lại để tìm giải pháp, làm rõ và tỏ thái độ với "Giao lộ định mệnh" (nếu phim này được xác định là giống y chang "Shattered") bằng cách loại nó ra khỏi danh sách tranh giải, vừa là "làm gương" cho những bộ phim mắc những lỗi tương tự sau này và cũng là thể hiện chính kiến của hội, uy tín của giải?

Tôi là một hội viên bình thường nên câu hỏi xin được chuyển đến Ban thường vụ và Ban chấp hành  Hội. Nếu như ý của bạn thì, tôi nghĩ, cũng khổ thân cho Victor Vũ. Được người ta mời đến dự hội, vừa mới đến đã bị mời về. Hỏi có đau không?  

Theo VietNamNet

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm