07/10/2015 05:51 GMT+7 | Phim
(giaidauscholar.com) - Ngày 4/10/2015, Hiệp hội Phổ biến và Phát hành phim Việt Nam đã chính thức ra đời, sau 3 ngày đại hội tại Trường quay Cổ Loa (từ 2/10 đến 4/10/2015). Như vậy, các đơn vị sản xuất, phát hành phim tại Việt Nam đã quyết định liên kết lại.
Hiệp hội ra đời vào thời điểm khá “nóng” của điện ảnh, khi Việt Nam đã trở thành một thị trường điện ảnh sắp chạm ngưỡng doanh thu 100 triệu USD. Tuy nhiên, doanh thu này phần lớn đến từ các phim nhập khẩu ở nước ngoài, và chủ yếu rơi vào túi các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó điện ảnh trong nước đang trên đà tăng trưởng mạnh, nhưng lại gặp nhiều khó khăn do Việt Nam chưa có chính sách bảo hộ điện ảnh nội địa.
Thua toàn tập trên sân nhà
Ở một số nền điện ảnh phát triển, những đơn vị nhập khẩu phim phải trích lại một phần lợi nhuận cho Quỹ điện ảnh của nước đó. Số tiền đó lại được đầu tư lại cho các nền điện ảnh nội địa.
Hiện nay, dù có doanh thu sắp đạt ngưỡng 100 triệu USD, nhưng Việt Nam không thu lại được gì ngoài thuế. Mặt khác phim nội địa đang chịu sức ép rất lớn từ phim ngoại nhập.
Phó Chủ tịch Hiệp hội, ông Lưu Phước Sang (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Giải trí Phước Sang) cho biết: Để sản xuất một bộ phim Việt Nam kinh phí 10 tỉ đồng (khoảng 500 nghìn USD), nhiều nhà sản xuất nội địa “trày da tróc vảy”, có thể sạt nghiệp như chơi vì biết đâu không bán được vé. Trong khi đó một bộ phim bom tấn nhập về Việt Nam chỉ mất khoảng 100 nghìn đến 200 nghìn USD. Khi ra rạp, “bom tấn” hơn phim Việt về mọi mặt. Vậy mà cả hai đều chịu thuế 5%, ra rạp giá vé ngang nhau.
Ngoài ra rạp chiếu phim cũng là vấn đề lớn khi phần lớn hệ thống này nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài.
Phó Chủ tịch Hiệp hội, bà Ngô Thị Bích Hạnh (Phó Giám đốc Công ty BHD), cho biết: “Khi doanh nghiệp nước ngoài thay đổi chính sách, như yêu cầu tỷ lệ ăn chia cao hơn, xếp suất chiếu thuận tiện hơn, giờ tốt hơn cho phim Mỹ và Hàn Quốc cũng như các phim khác họ phát hành thì phim Việt sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều nay gây bất bình cho các thành viên Hiệp hội vì trên chính đất nước mình, mà phim Việt đang chịu cạnh tranh với điều kiện thua kém hơn phim của nước ngoài... Hiệp hội vẫn đang làm việc với các hội viên tập hợp kiến nghị và tìm giải pháp giải quyết vấn đề này”.
Các thành viên Hiệp hội chia sẻ họ cũng đang rất trăn trở việc đưa phim Việt tới đông đảo khán giả ở các tỉnh thành còn lại trên đất nước.
Thực tế phim Việt hiện nay sau vài tháng ra rạp tại các thành phố lớn thì cũng chỉ nằm trong kho nhà sản xuất, đó là điều rất đáng tiếc. Do điều kiện chiếu bóng của các địa phương, thiết bị lạc hậu, và không đảm bảo về bản quyền phim cho các nhà sản xuất cũng là lý do họ khó tiếp cận với nguồn phim. Hiệp hội cũng đang tính toán để làm sao cung và cầu gặp được nhau.
Hiệp hội sẽ làm gì?
Về nguyên tắc, Hiệp hội hoạt động với mục tiêu tập hợp, đoàn kết các tổ chức, công dân Việt Nam làm công tác phát hành và phổ biến phim của Việt Nam để truyền tải, phổ biến rộng rãi các tác phẩm điện ảnh có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.
Đồng thời, Hiệp hội phối hợp thực hiện các hoạt động kinh doanh phát hành, phổ biến phim trên thị trường trong và ngoài nước; bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; đấu tranh chống những hành vi độc quyền, tranh chấp thị trường, xâm phạm lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam; góp phần nâng cao nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Hiện Hiệp hội đã có 50 thành viên và đang tiếp tục quảng bá để kêu gọi các nhà phát hành phim và chiếu bóng Việt Nam khác tham gia.
Được biết, Hiệp hội đã làm kiến nghị tới Quốc hội với hy vọng nhà nước sớm tìm ra những biện pháp giúp đỡ và bảo vệ cho nền điện ảnh nội địa.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất