Nhà thơ Nguyễn Duy với cuộc chơi của bạn tâm giao tại Sài Gòn

23/10/2016 07:37 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Chương trình Tiếng thơ - cõi nhạc, nơi hát thơ Nguyễn Duy theo âm nhạc và sân khấu truyền thống diễn ra tối 22/10 tại Trường Soul Academy (214 - 216 Pasteur, quận 1, TP.HCM). Sau một số đêm tại Hà Nội, đây là lần đầu hát thơ Nguyễn Duy tại Sài Gòn.

Nguyễn Duy được xem là một trong số ít cây bút kế thừa thành công thể thơ lục bát, cứ ngỡ như vậy thì ông sẽ thuộc tiếp người khư khư với cái cũ. Nhưng không, bên cạnh những bài thơ phá cách như Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa... Tổ quốc!, Kim mộc thủy hỏa thổ… Nguyễn Duy còn tiên phong trong việc sắp đặt thơ, triển lãm ảnh thơ in trên giấy dó, làm lịch thơ, đưa làn điệu cổ như xẩm, tuồng, chèo, ca trù, chầu văn, hát ví… vào thơ.

Thơ và ca cổ với cuộc chơi của bạn tâm giao

Chương trình Tiếng thơ - Cõi nhạc đến từ cuộc chơi thơ ngẫu hứng của nhóm Đông Kinh cổ nhạc, bắc nhịp cầu khá tự nhiên giữa âm nhạc truyền thống và thơ đương đại. Nguyễn Duy cho biết dù khác nhau về phong cách sáng tạo, nhưng thơ ông vẫn “ăn xăm” với nhạc từ tuồng, chèo, ca trù, chầu văn, hát xẩm… đó có lẽ do đồng điệu mà hòa điệu.

Dấu ấn của việc hát thơ này, bất ngờ nhất có lẽ là từ đêm hát thơ Xẩm ngọng - Lời ru - Tre xanh tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), hồi 24/10/2015. Lần đó có mặt những nghệ sĩ gạo cội của nhạc truyền thống như NSND Thanh Hoài, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Bình, NSND Minh Gái, lần này cũng vậy.


Nhà thơ Nguyễn Duy (phải), NSND Minh Gái, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSƯT Thanh Bình trên sàn tập hát thơ. Ảnh tư liệu của Dũng Nguyễn

Chương trình lần này gồm ngâm thơ và hát chèo các bài Khúc dân ca, Thật thà do Thanh Hoài thể hiện, hát chầu văn bài Nhớ mẹ ta xưa do Xuân Hoạch và bài Mỗi do Thanh Bình trình diễn. Thanh Bình còn hát ca trù bài Thơ tặng người xa xứ. Minh Gái hát trích đoạn thơ theo kiểu hát tuồng, Xuân Hoạch hát xẩm bài Xẩm ngọng…

Theo Nguyễn Duy, chính nghệ sĩ Thanh Hoài là người đầu tiên hát Khúc dân ca, một trong 9 khúc ca mà ông viết lời cho tác phẩm múa đương đại Hạn hán và cơn mưa của Ea Sola. Tác phẩm múa này đã mang thơ Nguyễn Duy đi từ Hà Nội, Sài Gòn ra châu Á, châu Âu, châu Mỹ… cuối thập niên 1990.

Hơn nửa thế kỷ ca hát, nay Thanh Hoài đem kỹ thuật hát chèo, ngâm thơ cổ và nhiều thể dân gian để hát thơ lục bát Nguyễn Duy. Bà từng ra album Ta hát bằng lời của ta, hát các bài thơ của Nguyễn Duy như Tre Việt Nam, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Lời ru mùa Thu, Thật thà…

Bên cạnh đó, nữ nghệ sĩ Thanh Bình từng cùng Xuân Hoạch phát hành album Tiếng thơ trong cõi nhạc, gồm 12 bài thơ lục bát của Nguyễn Duy. Nên có thể nói cuộc chơi lần này là của những người bạn tâm giao, vốn rất hiểu nhau.

“Tôi thích vẫn là những cái nhỏ nhỏ”

Nguyễn Duy sinh năm 1948 tại Thanh Hóa, là tác giả của gần 15 tập thơ cá nhân, và một số tập văn xuôi. Tại sao thơ ông “tương phùng” dễ dàng với âm nhạc truyền thống, có lẽ như lời ông từng tâm sự dưới đây.

“Những bài thơ mà tôi thích nhất vẫn là những bài lục bát. Còn những bài thơ mà tôi gọi là thơ hạng nặng, thực ra nó được nhiều người quan tâm bởi vì nó đi thẳng vào những chuyện của ngày hôm nay, tâm tình của thời cuộc, mối quan tâm, mối liên hệ rộng với rất nhiều người, liên hệ sâu với nhiều lĩnh vực xã hội. Thật ra, nếu nói riêng về thơ thì những bài thơ đó không phải là những bài tôi thích. Tôi thích vẫn là những cái nhỏ nhỏ”.

Nhà thơ Nguyễn Duy: Vẫn giã từ thơ dù nhận giải quốc tế

Nhà thơ Nguyễn Duy: Vẫn giã từ thơ dù nhận giải quốc tế

Hội Nhà văn VN và Đại sứ quán Romania tại VN vừa tổ chức lễ trao giải thưởng lớn về thơ năm 2010 của Romania cho nhà thơ Nguyễn Duy tại Hà Nội. Đây lần đầu tiên có một nhà thơ VN vinh dự đạt giải thường này.


Ông nói thêm: “Có nhiều người nói một cách khoác lác là nhà thơ là người sáng tạo ra ngôn ngữ, nhưng tôi làm thơ mấy chục năm rồi và cũng nghiên cứu rất nhiều nhà thơ khác, thì tôi thấy là không phải như vậy. Nhà thơ chính là một nô lệ của ngôn ngữ. Gom nhặt ngôn ngữ trong đời sống, mài dũa, lựa chọn và nâng cao nó lên, truyền bá rộng ra. Trong cái thời đại mới này cũng có nhiều từ mới được nhân dân sản xuất ra rồi nhà thơ nhặt lấy, ứng dụng vào trong tác phẩm của mình”.

Về phía Trường Soul Academy, họ xem những hoạt động như thế này lá cách thể nghiệm trực tiếp khảo sát sự cảm nhận, sự tiếp biến văn hóa xưa nay. Hy vọng Tiếng thơ - Cõi nhạc còn lan tỏa đến vài địa chỉ khác tại Sài Gòn, vì đây cũng thêm một cách để giới thiệu một số nét văn hóa, nghệ thuật lâu đời của miền Bắc.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm