Nhà văn Bích Ngân: Cảm xúc về chủ quyền đất nước kết nối triệu người

14/05/2014 13:10 GMT+7 | Đọc - Xem


(giaidauscholar.com) - Có thể nói, bài thơ Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa của nhà văn Bích Ngân là một trong những bài thơ được bạn đọc dành nhiều tình cảm đặc biệt. Bài thơ được nhạc sĩ Trương Truyết Mai tiếp nối cảm xúc thành ca khúc Khúc ca bài thơ sơn hà.

Nhà văn Bích Ngân đã chia sẻ với TT&VH khi sáng tác bài thơ này.

- Bất cứ ai được đặt chân lên tàu hải quân để đến với Trường Sa ắt hẳn nhen lên ít nhiều cảm xúc. Riêng đối với người sáng tác thì vùng cảm xúc còn nhạy hơn, lan tỏa hơn. Suốt chuyến hành trình mười ngày đêm đến với các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ ở nhiều đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa, tôi có lẽ cũng không khác các anh chị em đoàn văn nghệ sĩ TP.HCM cùng chuyến đi, đều dâng lên cảm xúc là muốn làm được chút gì đó trong khả năng của mình. Ca sĩ thì hát, họa sĩ thì vẽ, thi sĩ làm thơ, nhà văn thì viết ký, viết truyện…

Anh chị em đã làm nên nhiều tác phẩm hay, sau chuyến đi đã tổ chức nhiều buổi văn nghệ với nhiều tác phẩm xúc động về Trường Sa đã được trình làng, rồi được chọn in trong quyển sách Trường Sa, biển hát. Riêng, bài thơ Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa (lúc đầu lấy tên là Bài thơ thần khắc trên vách đá) tôi viết sau khi đến đảo Đá Tây. Tôi vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc xúc động khó diễn tả hết bằng lời khi nhìn thấy bài thơ thần: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư” được khắc trên bệ đá đặt trong một am thờ với bát nhang tỏa khói. Lúc rời đảo lên tàu, vào cabin, leo lên chiếc giường ở tầng sát trần, nằm xấp trên giường, tôi gõ vào bàn phím bằng nhịp tim dồn dập: “Giữa trùng trùng ngọn sóng/ bài thơ thần Nam quốc sơn hà…”

* Được biết, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã phổ nhạc bài thơ này của chị. Theo chị, đây có phải là một sự cộng hưởng cảm xúc của những nghệ sĩ với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc?

Khi bài báo này lên khuôn, chiều 13/5, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai gọi cho nhà văn Bích Ngân, cho biết, vừa gửi Khúc ca bài thơ sơn hà cho Đài tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam. Nhạc sĩ nói với nhà văn: “Chị già rồi, nhưng tình yêu Tổ quốc vẫn luôn trẻ”.
- Khi Bài thơ thần khắc trên vách đá được in trang trọng trên trang nhất báo Tuổi trẻ TP. HCM, bạn Ngô Mạnh Hùng, một doanh nhân tại TP.HCM, một bạn đọc lần đầu tiên tôi biết qua điện thoại, đã xin được phổ nhạc cho bài thơ và đề nghị lấy tên bài hát là Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa, và trong bối cảnh Trường Sa đang nổi sóng, tôi xin được lấy tên bài hát mà bạn Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt làm tên chính thức.

Ít ngày sau nhạc sĩ Trương Tuyết Mai hoàn tất việc phổ nhạc cho bài Bài thơ thần khắc trên vách đá.Tôi đã rất bất ngờ khi nhận được điện thoại và nghe nhạc sĩ nói: “Em giữ máy nghe chị hát đây!”. Chị vừa đệm đàn, vừa hát, vừa nghẹn ngào xúc động. Ca khúc Khúc ca bài thơ sơn hà sau đó được dàn dựng và biểu diễn trên Đài truyền hình TP.HCM trong chương trình văn nghệ sĩ sáng tác về Trường Sa. Ca khúc này, cũng là tiết mục kết lại đêm nhạc kỷ niệm nửa thế kỷ sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai vào tháng Tư vừa qua.

* Ngoài thơ, biển đảo quê hương chắc chắn sẽ cho chị cảm hứng để viết các tác phẩm khác, ví như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch...? Và khi nào thì bạn đọc nhận được những sáng tác này, thưa chị?

- Sau chuyến đi Trường Sa khoảng hai tháng, tôi hoàn tất truyện ngắn dài… hơn 5.000 chữ. Truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu Trường Sa mà nhân vật từ nguyên mẫu là người đàn bà cùng đi ra Trường Sa với tôi. Truyện ngắn đã được đăng trên báo Văn nghệ số Xuân 2013 và đã được đọc trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam. Tôi đang ấp ủ viết một truyện ngắn, trong đó có hình ảnh một vị tướng từng xông pha trận mạc trở lại thăm các chiến sĩ Trường Sa.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm