Sáng tác từ năm 1956, "Chiếc khăn Piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho đã được các thế hệ đón nhận bằng cả tình yêu và sự trân trọng. Với tài năng cảm thụ âm nhạc tuyệt vời, ca sĩ Tùng Dương đã mang "Chiếc khăn Piêu” hòa cùng nhịp sống đương đại ngày hôm nay, giúp tác phẩm của hơn nửa thế kỉ trước được vinh danh, đoạt giải Bài hát yêu thích tháng 11-2012.1. Gặp nhạc sĩ Doãn Nho sau khi "Chiếc khăn Piêu” giành được giải thưởng Bài hát yêu thích của tháng 11, suốt cuộc trò chuyện gương mặt ông rạng ngời với niềm hạnh phúc ấy…Nhạc sĩ chia sẻ, tôi đã từng nhận nhiều giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam rồi, mỗi lần nhận giải là mỗi lần có những cảm xúc khác nhau. Nhưng với "Chiếc khăn piêu” thì lại khác, không có gì là quá khi tôi nói rằng tôi rất hạnh phúc, bởi một bài hát có tuổi đời 56 năm với một nhạc sĩ đã 80 tuổi như tôi mà vẫn được khán giả hôm nay mến mộ thì đáng vui mừng lắm chứ. Ông cũng cảm ơn ca sĩ Tùng Dương, bằng sợi dây vô hình là nghệ thuật đã gắn kết thế hệ trẻ cách đây hơn nửa thế kỉ với thế hệ trẻ của ngày hôm nay.
Đã 56 năm trôi qua, nhưng nhạc sĩ Doãn Nho vẫn nhớ khoảnh khắc khi ông viết ca khúc Chiếc khăn rơi (tên gọi ban đầu của Chiếc khăn Piêu). Khi ấy, ông chừng ngoài hai mươi tuổi, lại là bộ đội, còn rất trẻ, vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh ở miền Bắc, và đang tiếp tục cùng các đồng chí của mình bước vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời ấy, cảm xúc, lý tưởng của những người trẻ tuổi như nhạc sĩ Doãn Nho được thể hiện rất rõ qua những bài hát, qua âm nhạc. Đó là khao khát tình yêu - Tình yêu đất nước, tình yêu lứa đôi…Đó cũng chính là sợi dây vô hình kết nối qua bao nhiêu thế hệ. Có lẽ chính vì thế mà nhiều bạn trẻ đã ủng hộ "Chiếc khăn piêu”, bình chọn cho ca khúc có tuổi đời hơn nửa thế kỉ, với 380 phiếu bầu.
2. Với nhạc phẩm "Chiếc khăn Piêu”, Tùng Dương đã tìm được cách thể hiện khác hẳn so với các ca sĩ trước đó, những ca sĩ "gạo cội’ qua các thời như NSND Trần Chất, nghệ sĩ Trung Đức, Hoàng Chè, ca sĩ Anh Thơ… Mỗi ca sĩ có một cách thể hiện bài hát sáng tạo khác nhau và đều thành công. Tuy nhiên, ở Tùng Dương có điểm khác biệt. Anh sáng tạo một cách khéo léo các ca khúc mình thể hiện sao cho phù hợp với thị hiếu người nghe nhạc nhất, sao cho phù hợp với tâm lý và thẩm mỹ của công chúng trẻ hiện nay. Bên cạnh đó còn có sự giúp sức của nhiều yếu tố, như sự cộng hưởng giữa nhạc điện tử, nhạc dân gian và hiện đại; có bản phối hay của nhạc sĩ quốc tế gốc Việt Nguyên Lê, và đặc biệt là chất "phiêu” của Tùng Dương khi thể hiện ca khúc.
Nhạc sĩ Doãn Nho cũng cho biết, Tùng Dương hát có đôi chút khác so với bản cũ của ông, có nhiều chỗ đảo khúc, thêm thắt. Đoạn lời "Astri ơi tới đây nhặt lấy chiếc khăn đẹp này…” nó phải trầm hẳn xuống để đoạn sau hát vút lên cao. Nhưng Tùng Dương hát không hề có giọng trầm. Tuy nhiên cách sáng tạo của anh lại làm nên chất "phiêu” bay bổng. Với cách nhả chữ ấn tượng, Tùng Dương cũng được nhạc sĩ Doãn Nho khen là "đẹp” và rất "thẩm mỹ”!
3. Chiếc khăn Piêu thôi thúc tôi sáng tác- đó là lời tâm sự của nhạc sĩ Doãn Nho khi được hỏi về các sáng tác hiện giờ. Mặc dù trước đó ông cũng đã sáng tác nhiều ca khúc mới. Tuy nhiên giải thưởng lần này có thể coi như một món quà lớn cho người nhạc sĩ đã bước sang tuổi xế chiều. Ông sẽ lại có thêm hào hứng để viết tiếp những trang sáng tác nóng hổi, góp vào kho tàng ca khúc vô giá của mình. Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, thời gian này ông đang viết một tác phẩm lớn sẽ cho ra đời vào năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ (1954 – 2014). Tác phẩm có tên "Bài ca tình yêu”, nói về những người lính, những anh bộ đội, những người nông dân mặc áo lính.
Đó là một tình yêu đích thực, tình yêu say đắm của người lính, với những nguyên mẫu lấy từ trong cuộc đời, từ những người sống quanh mình, rồi những đồng đội mà ông từng gặp họ trong các trận chiến…
Theo Đại đoàn kết