26/12/2016 11:05 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Có thể thấy năm 2016 làng nhạc đại chúng Việt có một sự tăng đột biến về các sản phẩm âm nhạc cũng như các chương trình ca nhạc so với năm 2015. Nhưng sự tăng ấy lại không kéo theo chất lượng đi lên và thiếu những dấu ấn nổi bật.
Album vật lý trở lại?
Một trong những tín hiệu khả quan nhất trong năm qua là những album vật lý đã bắt đầu trở lại. Nếu như năm 2015, tính ở bình diện phổ thông, những album vật lý chỉ tròm trèm ở mức 12 album thì năm nay, con số đó là hơn 20, đó còn chưa kể những album hải ngoại được tái phát hành tại thị trường trong nước.
Đây là một con số khá khiếm tốn so với nhiều năm trước nhưng nếu như biết rằng con số CD vật lý ngày càng teo tóp trên thị trường âm nhạc bởi sự lớn mạnh của nhạc số thì sẽ thấy đây là một cố gắng không nhỏ.
Bìa album “Bản nguyên” của Hà Trần phát hành năm 2016
Ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng từng không giấu giếm rằng cá nhân anh rất thích cho ra đời một album dạng CD vật lý “bởi nó là lý lịch âm nhạc quan trọng cho bất cứ một nghệ sĩ nào” nhưng đến giờ Sơn Tùng vẫn chưa thể thực hiện được bởi thị trường nhạc số đang quyết định vận mệnh của những sản phẩm âm nhạc. “Tôi sẽ thực hiện nhưng chưa phải lúc này” - Sơn Tùng cho biết.
Những ca sĩ trẻ như Bùi Anh Tuấn, Hương Tràm, Maya, Đinh Hương, Lệ Quyên trong năm qua rất chú trọng đến sản phẩm album vật lý của mình. Bùi Anh Tuấn cho biết: “Đối với tôi, chiếc CD vẫn là một giấc mơ thuở bé bởi nó cho thấy tất cả sự cố gắng mà tôi muốn chuyển tải một cách thống nhất. Điều này sẽ luôn khác khi bạn nghe nhạc số”.
Những tên tuổi nổi tiếng trên thị trường âm nhạc như Trần Thu Hà, Thu Phương, Đức Tuấn, Phương Thanh dù phát hành khá nhiều single online trong năm qua nhưng sản phẩm âm nhạc mà họ chú trọng nhất vẫn là những album vật lý. Thậm chí như Trần Thu Hà, dự án Bản nguyên của cô còn được quảng bá khá rầm rộ với nhiều cách thức mới để công chúng tiếp cận gần hơn với sản phẩm của cô và cũng là cách để Trần Thu Hà “đo” nồng độ yêu thích của công chúng qua việc tiêu thụ CD của mình.
Nhưng việc tăng đột biến các số lượng album vật lý trong năm 2016 có dự báo xu thế CD sẽ lại tiếp tục tăng trong năm sau? Điều này rất khó đoán bởi ở thị trường quốc tế, sản lượng CD vẫn đang tiếp tục tụt dốc và ngạc nhiên là phân khúc đĩa nhựa và cassette lại tăng đột biến chứ không phải là nhạc số. Điều này cũng bắt đầu gây ảnh hưởng ở thị trường Việt Nam tuy nhiên vẫn còn khá mơ hồ.
MV tiếp tục thống trị
Xu hướng MV chưa có dấu hiệu giảm nhiệt mà tiếp tục tăng dần theo từng năm. Theo con số tạm thống kê của Thể thao & Văn hóa, số lượng MV tính theo mức độ nổi tiếng của nghệ sĩ thì năm nay có khoảng hơn 80 MV. Đó là chưa tính ở mặt bằng nhỏ hơn với những nghệ sĩ chưa có nhiều tên tuổi.
Một trong những lý do tạo nên sự giảm nhiệt của thị trường CD vật lý là các nghệ sĩ tìm thấy một địa hạt mới để quảng bá sản phẩm của mình, đó chính là thị trường MV. Tên tuổi của ca sĩ trẻ Soobin Hoàng Sơn trong năm qua lên khá cao nhờ MV Phía sau một cô gái, một hiện tượng của YouTube 2016, trong khi anh chưa có một album nào.
Hari Won cũng trở thành giọng ca hot nhờ MV Anh cứ đi đi thu hút hàng chục triệu lượt view trong khi cô chưa có những sản phẩm âm nhạc cụ thể.
Sự thống trị của xu hướng MV đang quyết định sự lựa chọn của nghệ sĩ và với xu hướng này, tình hình cũng sẽ không giảm nhiệt trong những năm tới. Tuy nhiên, năm qua chưa có một MV nào gây đột biến thật sự về mặt thị trường như Thật bất ngờ đã làm được vào năm ngoái.
Hari Won cũng trở thành giọng ca hot nhờ MV Anh cứ đi đi thu hút hàng chục triệu lượt view
Nghi án đạo nhạc nở rộ
Một trong những điểm đáng chú ý nhất chính là tình trạng đạo nhạc đang trở thành bóng mây che lấp những cố gắng của nhạc Việt trong năm 2016. Dù chưa có một cơ sở kết luận chính thức nào nhưng năm qua hàng loạt ca khúc “hot” trên thị trường đều dính nghi án đạo nhạc và tạo nên sự hoang mang trong công chúng.
Nổi tiếng nhất vẫn là Chúng ta không thuộc về nhaucủa Sơn Tùng M-TP khi dính hàng loạt những tố cáo đạo nhạc, đạo flow (đọc rap) trong những tác phẩm của Charlie Puth (Mỹ) hay BTS (Hàn Quốc)… Và từ nghi án này mà hồ sơ đạo nhạc năm nay cũng được mở thêm với nhiều trường hợp của Châu Đăng Khoa, Vũ Cát Tường, Tronie, Maya, Đông Nhi…
Đáng nói hơn sự cố đạo nhạc ấy còn gây nên những nghi ngờ rằng nghệ sĩ Việt đang tìm cách “miên theo làn gió” để tạo tên tuổi. Nhiều người cho rằng Chúng ta không thuộc về nhau là một kiểu “đạo nhạc tinh vi” để không đủ cơ sở buộc tội nhưng đủ sức để gây nên những tranh luận và làm cho ca khúc của mình được nhiều người nhớ tới.
Một trường hợp khác là vụ bài hát Tự sự tuổi 25 của ca sĩ Trương Thảo Nhi vướng vào nghi vấn “đạo nhạc” ca khúc Ngựa hoang biết bay của Dương Khỏa Nhi (Trung Quốc). Thật sự thì cả hai bài hát này không giống nhau nhưng có thể cách “hướng” dư luận vào một nghi án đạo nhạc sẽ làm tăng mức độ nổi tiếng của các bên.
Liveshow bùng nổ
Nếu như 2015 thị trường liveshow khá ảm đạm với gần 10 chương trình (không tính những chương trình theo mùa) thì năm nay con số đó là khoảng 22 và chia đều cho cả 2 thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Sự bùng nổ của các chương trình ca nhạc khá đa dạng, từ những tên tuổi lớn cho đến cả nghệ sĩ mới vào nghề (Hoàng Rob). Thị trường TP.HCM 3 tháng cuối năm đột phá với rất nhiều liveshow của Đàm Vĩnh Hưng, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Khánh Ly, Lê Cát Trọng Lý… Nhưng đây vẫn chưa hẳn là một tín hiệu vui khi biết rằng có khá nhiều liveshow đến từ các nhãn hàng và điều này chưa hẳn là một liveshow mang dấu ấn riêng của mỗi nghệ sĩ.
Các liveshow năm nay tuy nhiều nhưng về mặt chất lượng vẫn còn khá bình thường. Thiếu hẳn những show gây sửng sốt như đã từng có trước đây. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua với các show truyền hình thì đây hoàn toàn là một thực tế khả quan và hy vọng sẽ vẫn giữ được nhịp độ vào những năm tới.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất