21/04/2014 09:29 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Khi được nghệ sĩ pop-art Andy Warhol tung ra vào năm 1964, loạt tranh chân dung mô tả Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy đầy đau đớn sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy, đã trở thành tâm điểm bình luận của các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhân kỷ niệm 50 năm các bức tranh ra mắt công chúng, lần đầu tiên Phòng trưng bày Blain Di Donna ở New York đã tổ chức triển lãm hơn 20 bức chân dung trong loạt tranh nói trên.
Sự kiện mang tính bước ngoặt
Cuối năm 1963, Andy Warhol vẫn đang trong quá trình biến đổi mình, từ một họa sĩ thương mại thành công trở thành nghệ sĩ pop-art nổi tiếng thế giới. Trong thập kỷ trước đó, Warhol đã sống khá thoải mái với số tiền kiếm được từ việc vẽ thiết kế cho các tạp chí và quảng cáo.
Tuy nhiên năm 1960, ông đã thay đổi hướng sáng tạo, hòa mình vào nền văn hóa đại chúng, với hy vọng tạo dựng được danh tiếng là một nghệ sĩ đích thực.
Warhol vẽ tranh về Người Dơi, Popeye và Siêu nhân trước khi bắt đầu vẽ loạt tranh Campbell’s Soup Cans (Những hộp súp của công ty Campbell). Năm 1962, Warhol phát hiện ra ông có thể khai thác kỹ thuật in lụa để tạo nên các bức tranh và ông đã vận dụng kỹ thuật này để vẽ các chân dung của huyền thoại điện ảnh Marilyn Monroe, sau khi bà qua đời mùa Hè năm đó. Năm 1963, ông mua một chiếc máy ghi hình dùng phim 16mm và quay bộ phim đầu tiên của mình là Sleep.
Phải đến mùa Đông năm 1963, sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy vào ngày 22/11 ở Dallas, Texas, Warhol mới đạt tới độ trưởng thành của một nghệ sỹ pop-art. Sự kiện này đã kích thích các hoạt động sáng tạo của ông. Giống như phần lớn người dân Mỹ, Warhol chăm chú theo dõi những thông tin về vụ ám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông quyết định sẽ ghi lại sự kiện này bằng nghệ thuật của mình.
Cùng với trợ lý là Gerard Malanga, Warhol bắt đầu tìm các hình ảnh về vụ ám sát trên báo chí. Khi thu thập dữ liệu cho một loạt bức tranh mới, họ đã để mắt tới một nhân vật nổi bật, chính là vợ của Kennedy, bà Jackie Kennedy.
Cuối cùng, Warhol chú tâm tới 8 bức ảnh chụp bà Jackie được cắt ra từ một số tờ báo và tạp chí Life. Trong đó, 2 bức ảnh chụp bà Jackie đang cười, đội chiếc mũ nhỏ màu hồng khi vừa cùng chồng tới Dallas; 2 bức ảnh được chụp vào ngày sau khi Tổng thống Kennedy qua đời, trông bà thất thần khi chứng kiến lời tuyên thệ nhận chức tổng thống của ông Lyndon B Johnson trên máy bay Không lực 1; 4 bức ảnh chụp Jackie đeo mạng che mặt tại đám tang chồng ở Washington, 3 ngày sau khi ông Kennedy bị ám sát.
Tạo nên sự thay đổi lớn về khái niệm
Đầu năm 1964, Warhol bắt đầu in lụa những bức ảnh này. Từ tháng 5 đến tháng 11, ông đã cho ra đời hơn 300 bức tranh về bà Jackie, phần lớn mỗi bức tranh có kích cỡ 51cm x 41cm. Giờ đây, chúng có giá từ 1,2 triệu USD đến hàng chục triệu USD.
“Loạt tranh chân dung Jackie của Warhol cũng được thần tượng hóa như loạt tranh chân dung huyền thoại điện ảnh Marilyn Monroe. Jackie không phải là một ngôi sao điện ảnh, song bà là một thành viên trong gia đình cố Tổng thống Kennedy. Trẻ trung, lộng lẫy, bà là đệ nhất phu nhân nổi tiếng. Là một trong những thần tượng thời trang lớn nhất thế giới, Jackie đã tạo ảnh hưởng cho cả một thế hệ phụ nữ Mỹ.
Khi tập trung mô tả gương mặt của Jackie, nghệ sĩ Warhol chú trọng tới vẻ đẹp, sự can đảm, vẻ duyên dáng và sự tổn thương của bà trong sự kiện đầy bi kịch này. Hình ảnh đầy sức mạnh của Jackie không chỉ thể hiện nỗi đau đớn của riêng bà, mà của cả nước Mỹ. Loạt chân dung Jackie có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên Warhol tạo nên tranh chân dung dựa vào các hình ảnh cắt từ báo và tạp chí. Warhol đã lấy tin tức làm đề tài cho loạt tranh chân dung này” - Emmanuel Di Donna, Giám đốc Phòng trưng bày Blain Di Donna, cho biết.
Bắt đầu với loạt tranh, Warhol đã tạo nên một sự thay đổi lớn về khái niệm làm nghệ thuật. Ông mô tả chân dung Jackie theo đúng hình ảnh bà xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với nhà sưu tập kiêm nhà buôn nghệ thuật Anh, Anthony d’Offay, loạt tranh chân dung Jackie còn thể hiện một trong những mối lo lắng lớn của nghệ sĩ: cái chết. “Warhol thường bị ám ảnh với cái chết. Ông đã suýt chết trên bàn mổ sau khi bị nhà văn Valerie Solanas bắn trong studio của mình hồi năm 1968 và sau đó cái chết đã len lỏi vào rất nhiều tác phẩm của ông”.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất