Triển lãm Nguyễn Du: Nỗi buồn đến từ người xem

17/11/2015 13:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) – Sáng 17/11, khai mạc Tuần triển lãm Nguyễn Du nhằm kỷ niệm 250 năm sinh của đại thi hào tại Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM (69 Lý Tự Trọng, quận 1) đã không có nổi 250 người đến xem, quả là điều đáng buồn.

Đây là ước tính của chúng tôi từ lúc diễn ra sự kiện văn nghệ (8h30) cho đến khi cắt băng khai mạc để khán giả vào xem (khoảng 10h30) và ra về.

Trong khi đó, tại không gian trưng bày có rất nhiều thứ đáng xem. Ví dụ đây là dịp rất hiếm hoi để chiêm ngưỡng bản Nôm chép tay Kim Vân Kiều thích chú do Duy Minh thị trùng san năm Kỷ Mão 1879, thuộc sưu tập của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.

Hoặc như bản chép tay Đoạn trường tân thanh của Tiểu Tô Lâm Nọa Phu, Tự Đức năm Canh Ngọ 1870, thuộc sưu tập của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân; bản Nôm gốc Kim Vân Kiều tân tập, Thành Thái năm Bính Ngọ 1906, thuộc sưu tập Trần Văn Chung…

Ngay cả các bản chữ quốc ngữ cũng rất hiếm gặp, như Kim Vân Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký in năm 1911; Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim năm 1927; Kiều truyện dẫn giải của Hồ Đắc Hàm năm 1929; Truyện Thúy Kiều của Ngô Tử Cống năm 1934; Khảo luận về Kim Vân Kiều của Đào Duy Anh năm 1943...

Người xem cũng gặp lại quyển Kiều do học giả Nguyễn Văn Vĩnh phiên âm, với thủ bút của nhà văn hóa Hoàng Xuân Hãn, sách đề tặng phái đoàn Việt Nam khi sang công tác tại Paris, Pháp ngày 16/7/1954.

Hơn nữa, việc cùng lúc chiêm ngưỡng các sưu tập về Nguyễn Du của Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Hữu Triết, Trần Đình Sơn, Vũ Hà Tuệ, Trần Kim Chung, Phạm Hoàng Quân… quả là điều khó gặp và thú vị.

Bên cạnh việc trưng bày ấn phẩm còn có 20 bức thư pháp chữ Nôm trong Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh… do chi hội thư pháp của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP.HCM thực hiện.

Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM đưa ra 249 nhan đề, cùng với Truyện Thúy Kiều mà Nhã Nam vừa tái bản, xem như tròn 250 cuốn, tượng trưng cho 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du.

Còn nhớ, trong bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, Nguyễn Du cảm thán: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (tạm hiểu: Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ còn ai khóc Tố Như không?). Nay mới 250 năm ngày sinh mà không có nổi 250 người đến dự khai mạc, quả là đáng buồn, dù trước đó sự kiện chất lượng này đã được quảng bá khá nhiều trên báo chí.

Sự kiện do Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM và Nhã Nam phối hợp tổ chức, kéo dài đến hết ngày 25/11 tại khuôn viên thư viện.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm