Tủ sách Hoàng Châu Ký & câu chuyện một ‘đời tuồng’

25/05/2014 16:17 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Ngoài các công trình nghiên cứu đã được công bố, những năm cuối đời, ông vẫn không ngừng nghỉ lao động, để lại nhiều tài liệu chép tay và bản thảo đang viết dở. Một tủ sách nhỏ với gần 300 đầu sách tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), tuy chưa phải là tất cả, nhưng cũng đủ để kể một câu chuyện về niềm đam mê với nghề của cố Giáo sư Hoàng Châu Ký- “bậc thầy của nghệ thuật tuồng” Việt Nam (chữ dùng của Nguyễn Phước Tương).


Cố Giáo sư Hoàng Châu Ký

1. Hẳn nhiều người gặp Giáo sư Hoàng Châu Ký có ấn tượng ngay từ đầu bởi vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, luôn nở nụ cười và gần gũi với mọi người. NSND Trần Ngọc Tuấn- Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh gặp Giáo sư lần đầu tiên vào năm 1980 tại trường Nghiệp vụ văn hóa thông tin Quảng Nam- Đà Nẵng (nay là trường Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng). Khi ấy, anh Tuấn mới chỉ là cậu thanh niên 17 tuổi còn Giáo sư đã bước vào tuổi 59. Nhưng cảm nhận đầu tiên về người thầy này, không phải là một ông giáo già khó tính, không có kiểu học giả uyên bác xa lạ của một Giáo sư, mà chính là cảm giác “thầy không già bao giờ”.

Giáo sư Hoàng Châu Ký thường về các vùng nông thôn, nói chuyện về nghệ thuật tuồng với bà con. NSND Trần Ngọc Tuấn còn nhớ như in: “Hôm ấy về Duy Xuyên, ông hỏng xe nên đến muộn một chút và mình phải lên nói chuyện. Sau khi nói xong, mình mời Giáo sư lên nói chuyện tiếp, lúc ấy bà con mới ngỡ ngàng là có một ông Giáo sư ngồi với mình từ nãy đến giờ, cứ như một lão nông thực thụ”


Tủ sách nhỏ là cả một câu chuyện dài về niềm đam mê nghệ thuật tuồng của Giáo sư

2. Trong số gần 300 đầu sách, gia đình cố Giáo sư Hoàng Châu Ký tặng Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, có nhiều đầu sách thuộc loại đặc biệt quý giá, nhiều tư liệu về nghệ thuật sân khấu, có cả những bài viết, công trình nghiên cứu chưa được công bố: Một tập thơ chép tay dài 16 trang, Ngọn lửa Hồng Sơn là tư liệu sưu tầm nhưng có chỉnh sửa, dài 37 trang, Nghệ thuật biểu diễn tuồng chép tay 10 trang, Nghệ thuật biểu diễn tuồng đánh máy 27 trang… Không chỉ là những công trình do Giáo sư viết, mà còn có nhiều đầu sách được ông sưu tầm trong nhiều lần đi công tác nước ngoài.

Điều đặc biệt, Giáo sư Hoàng Châu Ký luôn không hài lòng với các kịch bản tuồng của mình. Những vở đã diễn, đã có tiếng vang trong cả nước nhưng ông vẫn mang ra sửa lại, như Thị Kính Thị Màu, Nguyễn Duy Hiệu, Vua Duy Tân…; thậm chí vở Nguyễn Duy Hiệu đã từng được giải HCB tại hội diễn năm 1985. Ông bố cục lại nhân vật, tổ chức lại tuyến kịch, nhấn sâu vào nhân vật này hay khác và viết lại để phù hợp với hơi thở thời đại. Điều đó cho thấy Giáo sư Hoàng Châu Ký là người luôn không tự bằng lòng với thành công của mình, luôn cố gắng đạt đến mức hoàn mỹ nhất.

“Lần cuối cùng gặp Giáo sư là trước khi ông mất, khoảng đầu tháng 1/2008 (ông mất ngày 31/1/2008). Khi ấy, sức khỏe ông đã yếu lắm rồi nhưng ông vẫn hỏi nhà hát có hoạt động tốt không, anh em nghệ sĩ thế nào, mọi người có thường xuyên đọc sách không….Đến cuối đời, ông vẫn lo cho nghề.”- NSND Trần Ngọc Tuấn chia sẻ.

Sau khi vinh dự nhận được tủ sách, Nhà hát đã phát động phong trào đọc sách trong cán bộ công nhân viên. Nhà hát mong muốn, trên cơ sở tủ sách của Giáo sư, sẽ huy động thêm nhiều nguồn sách, thành lập một thư viện nhỏ để phục vụ độc giả.

Nhìn tủ sách nhỏ trong nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, hẳn nhiều người còn nhớ Giáo sư Hoàng Châu Ký đã từng nói: “Đất Tuồng còn rộng, còn nhiều chỗ màu mỡ vẫn bị bỏ hoang, việc khôi phục, khai thác phải làm dài lâu, tôi cần có mặt để đóng góp và tin tưởng có một mùa hoa lợi trong tương lai, cho dù lúc ấy tôi không còn nữa”.


Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm