16/05/2016 19:28 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong một buổi trà dư tửu hậu với nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa, anh đố vui: “Sau nghệ sĩ Ái Vân, Kim Cương, Thành Lộc, Thương Tín… thì các nghệ sĩ nào sẽ tiếp tục viết hồi ký nữa?”. Lý do Lê Văn Nghĩa nói vậy, bởi thời gian gần đây, phong trào viết hồi ký, tự truyện của những nghệ sĩ đã hoặc đang nổi luôn gây tò mò trong dư luận.
Chỉ sau nghệ sĩ Ái Vân với cuốn tự truyện Để gió cuốn đi ra mắt chưa đầy một tuần, nghệ sĩ Kim Cương cũng ra mắt hồi ký Sống cho đời - Sống cho mình vào hôm thứ Ba tuần này.“Mỗi số phận là một thế giới”
Cuộc đời của những nghệ sĩ nổi tiếng, nhất là chuyện tình duyên đôi lứa của họ thường là góc khuất so với vai diễn trên sân khấu hay phim, nên luôn được người hâm mộ tìm đọc.
Chẳng thế mà, nhiều bài báo và cả sách viết về đề tài tình duyên của các nghệ sĩ nổi tiếng luôn lôi cuốn người đọc. Ví dụ như, nhà báo Hà Đình Nguyên viết hàng loạt bài báo về chuyện tình của các nghệ sĩ, sau đó anh tập hợp lại chỉnh sửa bổ sung in thành cuốn sách Chuyện tình nghệ sĩ(NXB Trẻ) vẫn đắt hàng tái bản đến lần thứ 5.
Nhà thơ Phan Hoàng có câu: “Mỗi số phận là một thế giới”. Số phận mỗi cá nhân nếu lần giở ra từng ngày tháng cũng sẽ có biết bao nhiêu câu chuyện thú vị, huống gì là số phận của những nghệ sĩ càng thêm lấp lánh bởi ánh hào quang của tên tuổi mà họ tạo dựng được. Ngoài công việc tức các vai diễn hay bài hát họ thể hiện, khi nói đến chuyện tình từng trải qua của họ với những người cũng nổi tiếng không kém, lại càng hấp dẫn sự hiếu kỳ của người xung quanh.
Có thể nói, mỗi số phận của một nghệ sĩ là một thế giới bao hàm thế giới của những người nổi tiếng khác liên đới đến cuộc đời cá nhân của người viết tự truyện, hồi ký. Thêm nữa, nghệ sĩ trong suy nghĩ mọi người thường có lối sống phong tình và đa đoan.
Lâu nay, người ta mặc định thể loại tự truyện, hồi ký phải là những dòng chân thật nhất về bản thân và người liên quan. Nhưng “lời thật mất lòng” hay chí ít cũng để lại những hệ lụy với người được nhắc đến.
Hồi ký của nghệ sĩ Thương Tín – Một đời giông bão đã hứng không ít búa rìu dư luận khi tất cả đều được ông và người chấp bút “bạch thoại” thẳng tưng, khiến người còn sống và con cháu của họ đọc được không khỏi đau lòng. Có ý kiến còn muốn đưa Thương Tín ra tòa, vì những gì trong Một đời giông bão đã tiết lộ và xâm phạm đời tư của người khác.
Trước đó cả chục năm, tự truyện Lê Vân - Yêu và sống cũng hứng chịu không ít gạch đá, vì thuật lại những sự thật mà nhiều người chưa thể chấp nhận. Và, không phải sự thật nào trong hồi ức của các nghệ sĩ cũng đều được người đọc đón chào. Đó như một lẽ thường của quy luật cuộc sống đầy hà khắc.
Với tự truyện của nghệ sĩ Ái Vân thì ngược lại, bà đã bỏ trắng 6 trang sách khi nói về người chồng thứ hai của mình. Được biết, những trang sách xóa trắng đó kể về những tháng ngày đau đớn nhất của Ái Vân khiến bà quyết định trốn khỏi Việt Nam khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp. Hôn nhân có thể là tổ ấm hạnh phúc nhưng cũng có thể là địa ngục. Cuộc “đào tẩu” của Ái Vân khỏi Việt Nam chính là cuộc thoát chạy khỏi mối quan hệ hôn nhân – địa ngục mà bà từng nếm trải với nhiều đớn đau.
Ái Vân có quyền kể lại những tháng ngày buồn tủi của bà với người chồng cũ, nhưng bà chọn cách xóa đi để không vì các trang sách ấy mà tổn hại đến người con trai của mình. Có lẽ, đây là một quyết định đầy trách nhiệm của một người mẹ với giọt máu từng mang nặng đẻ đau.
Xóa sạch một phần ký ức còn thể hiện sự dũng cảm dám đối mặt để rồi nhận ra điều cần làm trong hiện tại nhằm mang lại ý nghĩa tốt đẹp hơn cho người mình yêu thương. Việc in trắng 6 trang sách cũng thể hiện bản lĩnh của người làm xuất bản, khi mà mỗi trang giấy đều được quy ra tiền trong sự cân nhắc lợi nhuận mang về.
Khác với giới nghệ sĩ thuộc lĩnh vực trình diễn, thể loại tự truyện, hồi ký hay hồi ức của các nhà văn đều thông qua lăng kính sáng tạo văn chương. Nhà văn đoạt giải Nobel 1982 Marquez có cuốn Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, đây là tập truyện ngắn được viết dưới dạng hồi ức, nên dù là hồi ức nhưng vẫn thoát ra khỏi cái trần trụi của đời sống nhằm hướng đến một giá trị mỹ cảm khác cho người đọc.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa gắn gần trọn đời với thể loại trào phúng nhưng trong vài năm gần đây, ông đã viết những chuyện “nghiêm túc” gắn với các hồi ức của mình. Hai tập truyện dài Mùa Hè năm Petrus và Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy được Lê Văn Nghĩa tái hiện lại không khí Sài Gòn gắn với tuổi thơ của ông.
Dù cả hai tác phẩm này là truyện, song yếu tố hồi ký vẫn hiện rõ và đặc biệt các hồi ức ấy không làm tổn hại đến bất kỳ ai; hơn thế còn nhắc nhớ người đọc những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ về những năm tháng xa xăm không bao giờ còn nữa.
Chưa thể là sách văn học
Đem một số tác phẩm có tính chất hồi ký, tự truyện của một số nhà văn để nhận thấy: các cuốn tự truyện, hồi ký của các nghệ sĩ ấn hành trong thời gian vừa qua có phải là sách văn học không? Xin thưa là không! Đúng hơn, các cuốn sách của Thành Lộc, Kim Cương, Thương Tín, Ái Vân… và của nhiều nghệ sĩ khác nữa, chỉ có giá trị tư liệu về cuộc đời họ và những sự kiện, con người có liên quan.
Dù cuộc sống mà những người nổi tiếng từng trải nghiệm luôn là chất liệu để thông qua ngòi bút hóa thành một giá trị thẩm mỹ khác. Tuy nhiên, các nghệ sĩ trình diễn hoặc người chấp bút cho họ đã không làm được điều này. Đây cũng chính là điều đáng tiếc khi đọc hồi ký, tự truyện của các nghệ sĩ thuộc loại hình biểu diễn.
Người bình thường đã luôn sợ bị lãng quên sau khi chết, giới nghệ sĩ càng sợ bị lãng quên ngay khi còn sống. Xuân Diệu từng viết: “Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua”. Đang trên đỉnh cao sự nghiệp hay còn le lói chút hào quang quá khứ, giới nghệ sĩ luôn sợ mình bị quên lãng. Phải chăng, viết hồi ký, tự truyện là cách hâm nóng tên tuổi với người mộ điệu?
Phải chăng, các trang hồi ký, tự truyện giúp nghệ sĩ khi không còn đứng trên sâu khấu, khi không còn hiện diện trên phim trong các vai diễn mới, vẫn còn “vang bóng” trong các trang sách?
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng thành danh từ tuổi đôi mươi nhưng đến nay gần 60 tuổi ông vẫn chưa in một tập thơ riêng nào. Nhưng nhắc đến ông, người ta nhớ đến bài Bụi phấn viết từ thời ông đi dạy học và bài thơ từng được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình. Nhắc đến Đoàn Vị Thượng, chợt nhớ ông có câu thơ: “Đem tên đem tuổi ra gồng/ Nào ai biết được ta không là gì”.
Suy cho cùng, nghệ sĩ được biết đến đầu tiên và sau chót là tác phẩm/vai diễn/giọng ca, những chuyện liên quan còn lại như tình duyên giống chút gia vị cho cuộc sống thêm sắc màu.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất