19/12/2016 11:20 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Phiên đấu giá Vị nghệ thuật - Treasures of the Arts của Lythi Auction diễn ra tối 17/12 tại TP.HCM một lần nữa chứng kiến giá cao ngất ngưởng của tranh Lê Phổ. Bức Mẫu đơn đỏ đã được bán với giá 40.000 USD, giá bán cao nhất của phiên đấu này. Lý giải về mức giá tranh của ông, cần xét dưới những góc độ và tiêu chí nào?
So với các họa sĩ Việt Nam, Lê Phổ (1907-2001) là người có tranh bán nhiều và cũng thuộc hàng cao giá bậc nhất trên thị trường quốc tế. Về số lượng tranh, có lẽ do ông sống thọ, lại không “mải chơi”, hoặc quá túng bấn phải xoay sở làm nghề khác, mà chỉ chuyên tâm vào việc vẽ một cách cần mẫn, chuyên nghiệp, nên số lượng tranh của ông để lại là rất lớn.
Họa sĩ Lê Phổ
Tranh có “khí chất” Á Đông
Trước hết, phải công nhận một điều chắc chắn là tranh của ông sớm được bán trên hệ thống gallery và các nhà đấu giá quốc tế. Do vậy, ông đã có một thị trường khá ổn định.
Theo thống kê của trang artPRICE dựa trên kết quả của các nhà đấu giá trên toàn thế giới, tính đến tháng 12/2015, Lê Phổ được xếp bậc 532 trong danh sách những người (còn sống hay đã mất) có tranh bán đắt nhất thế giới. Trong tổng số các tranh đã bán ra của ông, có gần 2.000 tranh sơn dầu trên toan, hơn 200 tranh màu nước và mực trên lụa, và gần 100 tranh đồ họa và các chất liệu khác.
Bức “Mẫu đơn đỏ” (sơn dầu trên giấy ép, 92,4cm x 64,8cm) của Lê Phổ đã được nhà Lythi Auction bán với giá 40.000 USD vào tối 17/12 tại TP.HCM
Bỏ qua ngoài cảm tính hay ý thích đột xuất của những cá nhân chơi tranh dị biệt, thì những đặc điểm/ phẩm chất sau đây đã góp phần ổn định và duy trì mức giá cao của tranh Lê Phổ trên thị trường quốc tế.
Tranh Lê Phổ giàu tính biểu cảm, đề tài và lối thể hiện vừa gần gũi, chân thực, nhưng cũng rất đài các, cao sang. Màu tươi sáng, hấp dẫn thị giác nên được phần đông giới thưởng ngoạn yêu thích.
Tranh của Lê Phổ có “khí chất” Á Đông rất rõ, và riêng biệt, không bị trộn lẫn, nên được nhiều khách phương Tây sưu tầm. Ông đã vận dụng rất khéo các chủ đề phổ quát của văn hóa phương Tây - nhất là chủ đề từ kinh thánh, rồi lồng ghép vào khung cảnh Á Đông, hoặc Việt Nam.
Bức “Nhìn từ đỉnh đồi” của Lê Phổ
Đại diện cho mỹ thuật Đông Dương
Dù ông không phải họa sĩ tài năng bậc nhất Việt Nam, song trình độ và tay bút chuyên nghiệp của ông thì… “khỏi phải bàn”. Thầy ông - Victor Tardieu - đã chấm ông là phụ tá sang Paris làm triển lãm đấu xảo, ngay tại trung tâm nghệ thuật thế giới này, nhà phê bình người Pháp Waldermar George ngay từ năm 1970 đã gọi ông là “họa sĩ siêu phàm”. Cho nên, tác giả có đẳng cấp, sản phẩm có uy tín, về mặt lâu dài sẽ không mất giá.
Về tính lịch sử, tranh của ông ra đời trong thời kỳ nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam mới chân ướt chân ráo bước ra thế giới, nhất là mảng tranh trước 1945. Ông học khóa đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiên phong tiếp thu nền hội họa phương Tây để rồi cũng là một trong những người đầu tiên đưa nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại ra thế giới.
Tác phẩm của Lê Phổ đã được đấu giá thường xuyên trên các nhà đấu giá lớn, nên tranh ông đã có thị trường ổn định, rộng khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Á, có một lượng các nhà sưu tập nhất định. Khi ông qua đời, tranh ngày càng hiếm (trừ khi bị nạn nhái tranh, chép tranh phá hỏng), nên giá phải cao lên.
Tranh của ông có thể nói là đại diện cho mỹ thuật Đông Dương nói chung và nhất là của “bộ tứ” tại Pháp, gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu.
Phạm Long
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất