28/12/2019 08:19 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Năm 2019 với nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi, có nhiều “điển hình” để chúng ta tiếp tục phát huy trong tương lai; nhưng cũng có những điều cần suy ngẫm để rút ra những kinh nghiệm. Chúng tôi giới thiệu 10 sự kiện - vấn đề văn hóa nổi bật năm 2019 do Thể thao & Văn hóa (TTXVN) chọn.
1. Văn hóa Việt Nam tiếp tục được UNESCO “vinh danh”. Ngày 30/10/2019, UNESCO đã ký quyết định công nhận Hà Nội là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của thế giới. Tiếp đó, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 12/12. Trước đó, ngày 16/4, Hội đồng chấp hành UNESCO đã thông qua danh sách các hồ sơ để đề nghị Đại hội đồng UNESCO ra Nghị quyết cùng kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất, trong đó có hồ sơ Kỷ niệm 650 năm ngày mất Chu Văn An (tổ chức vào năm 2020) do Việt Nam đề xuất.
Những việc làm nói trên có ý nghĩa thiết thực đối với việc bảo vệ, phát huy và tôn vinh các giá trị của Việt Nam trên bình diện quốc tế cũng như ngay trong chính cộng đồng chúng ta.
2. Vấn đề khai thác di sản, danh thắng vào mục đích phát triển du lịch và tâm linh. Việc lạm dụng khai thác di sản thiên nhiên vào mục đích phục vụ du lịch trở thành vấn đề được dư luận quan tâm trong năm 2019. Trong đó, đáng chú ý là các sai phạm tại Hà Giang trong việc xây dựng tòa nhà Panorama ở đèo Mã Pì Lèng, khu du lịch tâm linh gần Cột cờ Lũng Cú hay thang máy lên đỉnh Đồn Cao ở phố cổ Đồng Văn.
Ở mức độ thấp hơn, UNESCO cũng khuyến nghị khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) cần kiểm soát lượng du khách cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của di sản.
Tất cả những điều này cho thấy: Đã đến lúc, các di sản thiên nhiên tại Việt Nam cần được khai thác và bảo tồn với tư duy bền vững, khoa học để phát huy hết giá trị của mình, thay vì quá chú trọng tới lượng khách ghé thăm.
3. Xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến việc để lọt hình ảnh “Đường lưỡi bò” phi pháp trong một số sản phẩm. Bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ (Abominale), do Mỹ và Trung Quốc hợp tác sản xuất năm 2019 do Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam phát hành, công chiếu từ 4/10/2019. Sau khi phim công chiếu, công luận phản ánh về hình ảnh liên quan đến “Đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện trong bộ phim. Bộ VH,TT&DL đã yêu cầu đơn vị phát hành rút toàn bộ thông tin trên các phương tiện truyền thông và ngừng chiếu phim này từ 13/10/2019; phạt Công ty phát hành 170 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Bộ đã kỷ luật hàng loạt cán bộ Cục Điện ảnh; kiện toàn nhân sự và nâng cao năng lực của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim.
Thời gian qua, nhiều ấn phẩm quảng cáo, tờ rơi, sách, ảnh hướng dẫn du lịch, ứng dụng định vị dẫn đường trên ô tô nhập khẩu xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp… cũng bị tiêu hủy, xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. “Truyện Kiều” được tôn vinh qua hàng loạt các tác phẩm giàu tính đương đại. Trước hết là dự án Nàng K… do Viện Goethe Hà Nội khởi xướng, gồm chuỗi 5 sự kiện mang tính quốc tế, trong đó nổi bật là Sân khấu thử nghiệm Nàng Kiều, với 4 vở diễn là những cuộc “đối thoại” giữa con người hôm nay với nàng Kiều. Dự án không chỉ là một hình thức tôn vinh đầy sáng tạo đối với Truyện Kiều, mà còn là một cách tiếp cận mới đối với một di sản văn hóa.
Tiếp theo, cuộc đời nàng Kiều còn được lên sân khấu “rối-người” qua một vở giàu tính thể nghiệm - Thân phận nàng Kiều - của Nhà hát múa rối Việt Nam. Bên cạnh đó còn có một nàng Kiều "đa quốc tịch" trong vở nhạc kịch Kim Vân Kiều của Pháp lần đầu tiên được biểu diễn tại Hà Nội và TP.HCM.
Những sáng tác nói trên là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều trong đời sống đương đại. Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi năm 2020 tới đây là kỷ niệm 200 năm mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020).
5. Xu hướng khai thác các tác phẩm kinh điển, truyền thống trong văn hóa - giải trí đương đại. Không chỉ khai thác Truyện Kiều, năm 2019 còn chứng kiến một số tác phẩm âm nhạc, sân khấu, điện ảnh lấy cảm hứng từ “Tấm Cám”, “Bắc kim thang”, “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Chị Dậu”… để chuyển tải những những nội dung mới mẻ. Trong đó nổi bật là MV Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh đã làm sống dậy Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
Ngoài ra, cũng phải kể đến những video clip giải trí của kênh 1977 Vlog đã khai thác các nhân vật quen thuộc của nhà văn Nam Cao để tạo thành những “câu key” của cả cộng đồng.
Xét ở một góc độ nào đó, xu hướng nêu trên cũng có ý nghĩa tích cực trong việc làm sống dậy những giá trị dân gian hoặc kinh điển, tạo hứng thú cho giới trẻ.
6. LHP Việt Nam lần thứ 21 tại TP Vũng Tàu. LH đã trao giải thưởng danh giá nhất: giải Bông sen Vàng hạng mục Phim truyện điện ảnh cho Song lang (Ngô Thanh Vân sản xuất, Leon Quang Lê đạo diễn). Điều đó cho thấy tiêu chí nghệ thuật đã được đưa lên hàng đầu.
Song lang được ví như “một bài thơ” đẹp được dệt nên từ tình yêu với nghệ thuật cải lương. Bộ phim cũng mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhấtcho đạo diễn Leon Quang Lê, cùng 3 giải cá nhân khác cho các thành viên đoàn phim. Còn Bông Sen Bạc được trao cho phim Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Truyền thuyết về quán Tiên.
LHP Việt Nam do Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL) tổ chức định kỳ 2 năm/lần, nhằm ghi nhận những tác phẩm nổi trội, có dấu ấn sáng tạo của điện ảnh Việt. Khi đời sống điện ảnh năm qua có nhiều mảng màu tối thì LHP Việt Nam là một điểm sáng, khích lệ sự sáng tạo và lòng yêu nghề của những người làm điện ảnh nước nhà.
7. Tranh cãi về việc đặt tên đường AlexandreDe Rhodes, người có công sáng tạo Chữ Quốc ngữ. Nhiều tranh cãi gay gắt đã xảy ra khi một nhóm trí thức gửi kiến nghị tới TP Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đườngAlexandre de Rhodes và Francisco De Pina - 2 vị giáo sĩ được cho là có công lớn trong việc phát triển Chữ Quốc ngữ tại Việt Nam. Từ những ý kiến đa chiều của các chuyên gia về văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ, cuộc tranh luận đã lan rộng và thu hút sự chú ý của dư luận.
Hiện tại, việc đặt tên này đang được thành phố Đà Nẵng tạm dừng. Tuy nhiên, cuộc tranh luận này đã đem lại một hiệu ứng khá tích cực về sự quan tâm của cộng đồng với một vấn đề lịch sử mang tính học thuật cao. Ở một góc độ khác, nó cũng mở ra những gợi ý về việc cần có tư duy nghiêm túc, toàn diện và logic khi phân tích các vấn đề thuộc lĩnh vực sử học.
8. Hai lễ hội âm nhạc lớn được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM nhằm xây dựng “thương hiệu văn hóa” cho hai thành phố này. Đó là “Monsoon Music Festival” tại Hà Nội và “Hò dô” tại TP.HCM, hai lễ hội âm nhạc đúng nghĩa. Monsoon đã thể hiện là chương trình đẳng cấp, chất lượng nhiều năm qua. Sau 1 năm gián đoạn, năm nay, Monsoon đã được UBND TP Hà Nội cho phép tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long trong 4 năm liên tiếp, nhằm góp phần tạo điểm nhấn cho không gian sáng tạo tại Hà Nội. Còn lễ hội Hò dô mới trình làng năm nay và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của công chúng. Chương trình được TP.HCM phấn đấu xây dựng thành một lễ hội âm nhạc mang thương hiệu văn hóa - du lịch đặc sắc của thành phố. Lễ hội Hò dô cũng là 1 trong 13 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội được TP.HCM lấy ý kiến nhân dân để đầu tư tổ chức thường niên.
9. Hiện tượng Khá “Bảnh” và sự báo động về văn hóa mạng. “Hiện tượng Khá Bảnh” là câu chuyện được nhiều người nhắc tới quanh phiên tòa xử Ngô Bá Khá - một thanh niên giang hồ từng sử dụng ma túy và tổ chức đánh bạc. Đáng nói, trong một thời gian dài trước đó, Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) là cái tên nổi bật trên mạng xã hội với hàng loạt clip “triệu view” xoay quanh các vấn đề về giang hồ thanh toán lẫn nhau, có những yếu tố xã hội đen, sử dụng lời lẽ tục tĩu, hình ảnh bạo lực. Thậm chí, cùng với một số gương mặt có phong cách tương tự, Khá Bảnh được rất nhiều bạn trẻ theo dõi, tung hô và coi là thần tượng.
Việc một bộ phận giới trẻ tung hô, cổ vũ cho những trường hợp như Khá Bảnh là vấn đề nghiêm trọng. Nó cho thấy khoảng trống trong đời sống văn hóa, tinh thần của giới trẻ - những người quá phụ thuộc vào mạng xã hội.
10. “Về nhà đi con” - phim gia đình bom tấn.“Cơn sốt” phim truyền hình đề tài gia đình với loạt phim phủ sóng màn ảnh nhỏ năm qua như: Về nhà đi con, Tiếng sét trong mưa, Hoa hồng trên ngực trái, Bán chồng… Có thể nói, 2019 tiếp tục là năm rực rỡ của phim truyền hình Việt. Các phim không chỉ thu hút người xem, mà còn có nội dung tốt, mang ý nghĩa giáo dục. Đặc biệt, đoàn phim Về nhà đi con còn được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL tặng Bằng khen.
Không chỉ thành công về lượng người xem, sức lan tỏa, Về nhà đi con còn giành hàng loạt giải thưởng lớn của năm như: Diễn viên nam ấn tượng (NSND Trung Anh), Diễn viên nữ ấn tượng (Bảo Thanh), Phim truyền hình ấn tượng của VTV Awards 2019. Bộ phim cũng giành Giải đặc biệt (chưa từng có tiền lệ) ở Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 39, cùng hai giải thưởng: Biên kịch xuất sắc và giải Diễn viên xuất sắc (diễn viên Thu Quỳnh).
Ngoài ra, cũng phần lớn nhờ thành công của các vai diễn trong Về nhà đi con mà 2 diễn viên Bảo Thanh, Quốc Trường được nhận giải Nghệ sĩ Việt Nam xuất sắc tại giải Asia Artist Awards (AAA) 2019 của Hàn Quốc.
Thể thao và Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất