24/06/2019 19:31 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đặt vấn đề xây dựng “bộ tứ” điêu khắc của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại trong những thập niên đầu thế kỷ 20 là một đầu bài khó. Trong nỗ lực đi tìm chân dung những bậc tiền bối đặt nền móng thời kỳ đầu, xin thử đề cử 4 chân dung.
Đáng lý bài này còn đề cập đến Vũ Cao Đàm (1908-2000) trong vai trò điêu khắc, với nhiều tác phẩm nổi bật, nhưng do đã xếp ông vào bộ tứ “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm” bên hội họa, nên tạm thời “vắng mặt” tại đây.
Minao Ishikawa - cha đẻ điêu khắc
Tốt nghiệp khoa công nghệ đúc Trường Mỹ thuật Tokyo năm 1894, thông qua sự giới thiệu của phái bộ Pháp tại Nhật Bản và tiến cử của hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Tokyo, Minao Ishikawa được Phòng thương mại Hà Nội mời sang Đông Dương với hợp đồng làm giáo sư điêu khắc kim loại. Ông kiêm giám đốc xưởng đúc của Trường Nghề Hà Nội, từ 1901-1902.
Các tác phẩm của Minao Ishikawa (chưa rõ năm sinh - năm mất) để lại không nhiều, song ấn tượng về nghệ thuật tạc tượng đồng nhuần nhị của ông luôn hấp dẫn công chúng và những nhà sưu tầm ngày hôm nay. Một trong những pho tượng của Minao Ishikawa được nhiều người biết đến là tượng Ông quan An Nam - tạc một vị đại quan đội mũ cánh chuồn đang bước xuống các bậc thang của cung điện - gợi hình ảnh bậc thang điện Kính Thiên tại Hoàng thành, Hà Nội.
Pho tượng được tạc chi tiết, tinh tế và chuẩn xác về tỷ lệ giải phẫu, sinh động trong tư thế của nhân vật. Độc đáo hơn nữa, thay vì một bệ tượng đơn giản hoặc để trống, tác giả đã tạc dưới chân nhân vật chính một bậc thềm với hai con rồng cuốn hai bên, làm tăng thêm bầu không khí oai nghiêm cho nhân vật và không gian ngự trị.
Năm 1914, trong bài phát biểu về mỹ thuật An Nam, Henri Gourdon (giám đốc Trường Thuộc địa tại Paris) đã đánh giá cao vai trò của Ishikawa: “Nhờ có Trường Hà Nội mà thợ đồng đã biết cái thuật làm cho đồng lên nước (patine), ngày nay làm đã khéo lắm… Trường Kỹ nghệ Hà Nội thời mới đặt mấy cái lò đúc, đã chế được ít đồ xanh dễ coi lắm, trước không ai ngờ được như vậy”.
Rõ ràng, với hàng chục năm dạy học tại Trường Nghề Hà Nội (tên gọi khác của Trường Kỹ nghệ Hà Nội), Minao Ishikawa chính là người thầy đầu tiên dẫn dắt những lứa nghệ sĩ/nghệ nhân điêu khắc đồng của nền điêu khắc Việt Nam hiện đại thời sơ khởi với lối tạo hình chính xác theo tiêu chuẩn châu Âu, song vẫn mang hồn cốt Á Đông.
Một số tác phẩm tượng đồng kích thước nhỏ của các tác giả Vũ Văn Thu, Nguyễn Đức Thục cho thấy có ảnh hưởng phong cách của Minao Ishikawa. Cho nên, không hề quá lời khi nói: Minao Ishikawa là một trong những cha đẻ của nền điêu khắc hiện đại Việt Nam.
Paul Ducuing - bậc thầy chân dung
Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Toulouse và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Paul Ducuing (1867-1949) từng đoạt nhiều giải thưởng tại các kỳ triển lãm Salon (1898, 1901, 1906) và đảm nhiệm chức vụ giám đốc điêu khắc tại xưởng gốm quốc gia Sèvres (1920-1927).
Từ 1921 đến 1924, nhờ tình bạn với gia đình Albert Sarraut, cựu Toàn quyền Đông Dương, Paul Ducuing được cử sang Đông Dương để thực hiện các công trình nghệ thuật quan trọng. Trong chuyến đi này, ông đã làm các tác phẩm điêu khắc chân dung của vua Khải Định (An Nam), vua Sisavang Vong (Lào), vua Sisowath (Campuchia) và nhiều nhân vật có thế lực khác.
Tượng đúc đồng mạ vàng vua Khải Định thể hiện hết sức tinh tế cấu trúc giải phẫu/nhân trắc và các họa tiết trang trí trên y phục áo bào khăn xếp của Việt Nam, toát lên được chất rất Á Đông của một vị vua nước Việt. Những tác phẩm khác cũng được nhiều người ca ngợi, nhất là hai pho tượng chân dung vợ chồng ông Lê Phát An tại nhà thờ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp), phong cách rất Nam bộ, dù cách tạc đậm chất Phục hưng.
Với kỹ thuật tạc tượng tỉ mỉ, khéo léo cùng phong cách điêu khắc vừa chính thống, cổ điển, vừa pha trộn các trào lưu điêu khắc đương thời, Paul Ducuing là điêu khắc gia Pháp thực hiện được nhiều tượng nhất ở Đông Dương thời bấy giờ. Tác phẩm của ông ảnh hưởng tới các điêu khắc gia xứ Đông Dương chuyên về chân dung nửa đầu thế kỷ 20 và cả về sau này.
Évariste Jonchère - phù điêu hoành tráng
Évariste Jonchère (1892-1956) được các học giả phương Tây xem là “một trong những điêu khắc gia cổ điển vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20, một bậc thầy của nghệ thuật phù điêu hoành tráng”. Sinh thời ông sở hữu nhiều giải thưởng nghệ thuật rất cao quý.
Sau khi đoạt Giải thưởng Đông Dương năm 1932, ông đến Đông Dương lần thứ nhất, kéo dài 2 năm. Trong chuyến đi này, vừa tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vừa sáng tác nhiều tác phẩm giá trị, cả điêu khắc và tranh vẽ. Ký ức về quãng thời gian hai năm tươi đẹp ở Đông Dương ám ảnh Jonchère đêm ngày.
Tháng 8/1938 ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Dưới thời hiệu trưởng Jonchère (1938-1944), trường được tổ chức lại và lấy tên là Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật thực hành Đông Dương (l’École supérieure des Beaux-Arts et des Arts appliqués de l’Indochine).
Trường có hai ban chính thuộc hệ cao đẳng/đại học; ba ban thuộc hệ thực hành; ngoài ra còn có một lớp bổ túc (cours complémentaire) về hội họa và nghệ thuật trang trí. Chính ông đã nâng cấp sơn mài từ chỗ môn học thử nghiệm thành môn học chính, ngang hàng với hội họa và điêu khắc.
Hiện nay, bảo tàng Conservatoire d'Art et d’Histoire de Haute-Savoie (Annecy, Pháp) là nơi lưu giữ nhiều nhất các sáng tác của ông, khoảng 120 tác phẩm điêu khắc và 100 tranh vẽ. Tượng tròn và phù điêu của ông “có lối diễn hình kinh điển, nhiều phẩm chất anh hùng ca, song không kém trữ tình và tràn đầy cảm xúc”. Nhiều tên tuổi của nền điêu khắc Việt Nam từng là học trò và chịu ảnh hưởng của ông, trong số đó có thể kể tên Phạm Gia Giang, Trần Văn Lắm, Diệp Minh Châu, Nguyễn Thị Kim…
Georges Khánh - một cái tên sáng chói
Gia đình Georges Khánh, tức Nguyễn Gia Khánh (1906 - chưa rõ năm mất), vốn ở số nhà 34 phố Hàng Cót, Hà Nội. Không rõ ông có học Trường Nghề Hà Nội năm nào không, nhưng theo tờ Nam Phong tạp chí, số 77, ra tháng 11/1923, thì ông đã có tượng trưng bày trong triển lãm đấu xảo năm 1923 của Hội Khai trí Tiến Đức, và đoạt giải thưởng (cùng nhận giải năm đó có nhà điêu khắc Nguyễn Đức Thục, giáo viên Trường Nghề Hà Nội).
Năm 1925, ông thi đỗ và trở thành một trong 10 sinh viên đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1, 1925-1930). Trong những năm học tại đây và thời kỳ sau đó, Georges Khánh luôn là một cái tên sáng chói về điêu khắc.
Ngay sau khi tốt nghiệp, ông được trường giữ lại dạy điêu khắc liên tục từ năm 1931 cho đến khi trường bị giải thể (3/1945). Ông còn là đồng tác giả (cùng Vũ Cao Đàm và Lê Tiến Phúc) của 3 bức phù điêu lớn, từng trưng bày tại Đấu xảo thuộc địa Paris 1931, hiện nay còn 2 phiên bản tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hai phù điêu diễn tả vài phong thái đặc trưng của người Việt thời bấy giờ, với bố cục chặt chẽ, hài hòa, hiện đại.
Trong bài Phòng triển lãm 1935, đăng trên tờ Ngày nay, số 3, ra ngày 20/2/1935, tác phẩm của Georges Khánh trưng bày tại triển lãm của Hội Việt Nam chấn hưng mỹ thuật và kỹ nghệ, được nhắc đến như sau: “… Điêu khắc thật đã tiến bộ một bước dài, nhờ ông Trần Ngọc Quyên và Georges Khánh - mà cũng chỉ có hai ông ấy”.
Trên tờ Ngày nay, số 38, ra ngày 13/12/1936 có bài Phòng triển lãm năm 1936, với những dòng viết trân trọng về các tác phẩm của Georges Khánh: “Về điêu khắc ta vẫn thấy nghệ sĩ Georges Khánh mà phòng triển lãm năm 1935 đã cho chúng ta biết tiếng. Lần này, nghệ sĩ có trưng bày pho tượng một thiếu nữ ưỡn ngực (Eve au Pommier) và một tượng nửa người đàn bà uốn mình theo những đường cong khá mềm mại, thêm mấy tượng bán thân có tinh thần. Nhiều tượng bán thân khác của các nhà điêu khắc, chứng tỏ cái bước đầu nhiệt thành của các nghệ sĩ trong một nghệ thuật rất khó khăn và rất xa lạ với người mình”.
(Còn nữa)
Hàm Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất