07/05/2020 20:23 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong những năm tháng gian khổ của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), hàng nghìn bài hát ra đời đã tiếp thêm sức mạnh và niềm hy vọng cho quân và dân Liên Xô vượt qua mọi bom đạn, đau thương, mất mát, hy sinh để đi tới ngày chiến thắng.
Một trong những bài hát nổi tiếng thời kỳ đó - “Cuộc chiến tranh thần thánh” - vang lên từ những ngày đầu tiên sau sự kiện phát xít Đức tấn công Liên Xô, đã làm rơi nước mắt hầu hết những người dân Xô viết khi lần đầu tiên nghe.
Và suốt 75 năm qua, mỗi lần giai điệu hào hùng ấy cất lên, dù là trên sân khấu lớn với dàn đồng ca hoành tráng, hay là lời hát nghẹn ngào, đứt quãng của những cựu chiến binh mà năm mỗi năm lại vắng dần..., “Cuộc chiến tranh thần thánh” vẫn khiến người ta xúc động, tự hào về những năm tháng không thể nào quên.
“Cuộc chiến tranh thần thánh”, nhạc của Alexander V. Alexandrov và lời thơ của Vasily I. Lebedev-Kumach, được xem như “quốc ca” của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Lần đầu tiên vang lên ngày 26/6/1941, tức là chỉ 4 ngày sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, bài hát được ví như một lời hiệu triệu nhân dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.
Tuy nhiên, ít người biết rằng một số đoạn của bài thơ được thai nghén từ năm 1939, khi phát xít Đức tấn công Ba Lan, mở màn cho Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trong những bút tích ghi chép trước chiến tranh của nhà thơ Vasily Lebedev-Kumach còn lưu lại đoạn thơ “Những đôi cánh màu đen, dám cả gan bay trên bầu trời Tổ quốc”.
Ngay khi phát xít Đức tấn công Liên Xô ngày 22/6/1941, nhà thơ Lebedev-Kumach lập tức đã tập trung mọi năng lực cũng như kinh nghiệm của mình để hoàn tất bài thơ. Chỉ hai ngày sau, ngày 24/6/1941 bài thơ với hai khổ thơ đầu nổi tiếng “ Hãy đứng dậy, đất nước rộng lớn; Hãy đứng dậy, bước vào trận quyết tử” xuất hiện trên các báo "Izvestia" (Tin tức) và "Krasnaya Zvezda" (Sao đỏ).
Trong số hàng triệu người đọc bài thơ có Giám đốc Đoàn ca múa "Huân chương Cờ Đỏ" của Hồng quân Liên Xô kiêm nhà soạn nhạc Alexander Alexandrov. Quá ấn tượng với bài thơ cũng như đồng cảm về suy nghĩa, cảm xúc, chỉ sau một đêm, nhạc sĩ Alexandrov đã phổ xong nhạc cho bài thơ.
Ngay ngày hôm sau (25/6), các nghệ sĩ trong dàn nhạc của ông, những người chưa ra mặt trận, đã được luyện tập thể hiện bài hát mới. Họ tập bài hát không phải với các nốt nhạc và lời được chép trên giấy mà học theo lời và nốt nhạc được chép bằng phấn trên một chiếc bảng dạy học thông thường do quá gấp gáp. Khi đó, đoàn ca múa của nhạc sĩ Alexandrov chỉ còn lại 1/4 vì 3 nhóm khác đã được phái đi các mặt trận để phục vụ chiến sĩ.
Ngày 26/6, bài hát lần đầu tiên vang lên tại Nhà ga Belorussky ở Moskva, tiễn những người lính Xô viết lên tàu hỏa tiến ra mặt trận. Mỗi khi có một đoàn quân xuất phát, lời hát "Hãy đứng dậy, đất nước rộng lớn; Hãy đứng dậy, bước vào trận quyết tử; Với phát xít, sức mạnh đen tối; Với bè lũ bị nguyền rủa" lại như giục giã, cổ vũ tinh thần người lính. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng phát xít - 9/5/2005, tại Nhà ga Belorussky ở thủ đô Moskva đã dựng một tấm bảng đá lưu niệm kỷ niệm lần đầu tiên bài hát “Cuộc chiến tranh thần thánh” vang lên tại đây.
Cần lưu ý rằng vào thời điểm năm 1941, bài thơ “Cuộc chiến tranh thần thánh” được ít nhất 3 nhạc sĩ khác phổ nhạc gồm Matvey I. Blanter, Nikolay Chaplygin và Mikhail Polonsky, trong đó Matvey Blanter chính là người đưa ra bản phổ nhạc đầu tiên.
Mỗi người đều có phương án phổ nhạc riêng của mình, song giai điệu nhạc sĩ Alexandrov sáng tác được đánh giá là thể hiện rõ quyết tâm của toàn dân tộc cũng như tinh thần sẵn sàng quyết tử với kẻ thù. Ngày 28/6/1941, “Cuộc chiến tranh thần thánh” được ghi đĩa và đồng hành suốt 4 năm trong cuộc chiến giữ nước vĩ đại của người dân Xô viết.
Tuy nhiên, bài hát "Cuộc chiến tranh thần thánh" chỉ thực sự lan truyền nhanh chóng sau ngày 15/10/1941, khi trận chiến quyết định ở ngoại ô Moskva từng bước định hình. Vào thời điểm đó, phát xít Đức đã chiếm được Kaluga, Rzhev và Kalinin, tiến sát Moskva. Khi đó, ban lãnh đạo Liên Xô hiểu rằng chiến tranh sẽ còn kéo dài với nhiều gian khổ.
Kể từ đó, “Cuộc chiến tranh thần thánh” gần như sáng nào cũng vang lên trên sóng radio ngay sau tiếng chuông đồng hồ Điện Kremlin, thôi thúc mạnh mẽ tinh thần các binh sĩ ngoài tiền tuyến cũng như người dân trong hậu phương. Bài hát là lời kêu gọi tất cả người dân đứng lên tiến hành cuộc chiến tranh sống mái với kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc. Nó cổ vũ tinh thần những người lính không chỉ trong thời gian hành quân dài, mà cả trước những trận chiến khốc liệt.
Bộ phim “Trận chiến bảo vệ Moskva” của đạo diễn Yuri Ozerovt đã tường thuật một câu chuyện huyền thoại về sức truyền cảm của bài hát “Cuộc chiến tranh thần thánh". Trong phim, các chiến sĩ văn công, do không thể ra trước trận tiền hát cho binh sĩ nghe, đã buộc phải hát qua điện thoại.
Thật không ngờ, sức truyền cảm của “Cuộc chiến tranh thần thánh” qua điện thoại cũng không thua kém tiếng hát trên các chiến hào, giúp cho các chỉ huy và chiến sĩ Hồng quân thêm mạnh mẽ để đối đầu với đội quân đông đảo của phát xít Đức.
Sau Ngày Chiến thắng 9/5/1945, bài hát “Cuộc chiến tranh thần thánh” tiếp tục được Đoàn ca múa "Huân chương Cờ Đỏ" của Hồng quân, dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Alexander Alexandrov, trình diễn không chỉ trước người dân Liên Xô, mà cả trước người dân các nước khác trong các chuyến lưu diễn nước ngoài.
Nguyên soái nổi tiếng của Liên Xô Georgy K. Zhukov, vị chỉ huy huyền thoại của Hồng quân trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đã gọi bài hát là "bất tử".
Kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 – 9/5/2020), khi người dân Nga và nhiều nước trên thế giới vẫn đang chiến đấu chống đại dịch COVID-19, trên khắp nước Nga, giai điệu “Cuộc chiến tranh thần thánh” lại vang lên hào hùng, một lần nữa, như một lời cổ vũ, động viên chính người dân Nga vượt qua thử thách mới.
Nhân dịp này, một nhóm cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Liên Xô trước kia đã ghi hình và thể hiện bài hát “Cuộc chiến tranh thần thánh” tại Hà Nội, gửi sang Nga để truyền hình Nga phát chào mừng Ngày Chiến thắng 9/5.
Từng lời, từng lời, “Cuộc chiến tranh thần thánh” đem đến cảm giác tự hào, ghi nhớ về sự hy sinh quên mình, ghi nhớ những ngày cả một dân tộc quyết đứng lên chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc:
... Hãy để cơn thịnh nộ cao cả
Sục sôi lên như cơn sóng
Trong cuộc chiến tranh của nhân dân
Cuộc chiến tranh thần thánh!.
DUY TRINH – Phóng viên TTXVN tại LB Nga
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất