16/07/2015 10:57 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Dương Tú Anh giành ngôi vị Á hậu 1 - cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 khi mới 19 tuổi. Nếu nhìn vào Tú Anh của năm 2015, ít người nhận ra cô bé nhút nhát ngày nào. Cô nói rằng, những người trẻ phải dấn thân, phải thử sức thì mới biết thành công hay không…
Ba năm sau khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012, trước hấp lực của ánh hào quang showbiz, Tú Anh vẫn nguyên mơ ước giản dị: trở thành biên tập viên truyền hình.
* Chị từng chia sẻ là cô bé rụt rè. Vậy vì sao “dám” đăng ký thi Hoa hậu Việt Nam?
- Xin nói thật, lúc đó bố mẹ hoàn toàn ủng hộ tôi mới “dám” đăng ký thi Hoa hậu Việt Nam. Tôi còn nhớ, mẹ đã nói chuyện rất nhiều, mẹ khuyên tôi còn trẻ thì nên dấn thân, nên thử sức mới biết được có thành công hay không chứ. Nếu chưa làm mà đã lo thất bại thì không bao giờ có thể đi đến thành công được.
* Nhìn vào cuộc sống của một á hậu, nhiều người chỉ thấy những hình ảnh lộng lẫy, những buổi chụp hình, những sự kiện, những buổi tiệc sang trọng… Và đó thực sự là những điều hấp dẫn người trẻ…
- Những gì chị nói có lẽ chỉ đúng một nửa. Nhưng có thực sự tham gia các công việc này họ mới thấu hiểu nỗi vất vả của người làm nghề. Đơn cử như việc làm mẫu cho một bộ sưu tập, có thể bạn sẽ phải dậy từ 4-5h sáng, thậm chí không kịp ăn sáng mà vẫn phải diễn thật tươi, thật cảm xúc. Bạn còn phải liên tục di chuyển tất bật từ rừng sâu núi thẳm, đến đồng bằng biển cả. Đấy là chưa kể đến việc phải cân bằng và thu xếp hợp lý giữa công việc và gia đình khi một ngày chỉ có 24 giờ (cười).
* Được biết, Dương Tú Anh vừa tốt nghiệp Cử nhân Báo chí và lọt vào Top 5 sinh viên tiêu biểu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Một Cử nhân – Á hậu khởi nghiệp chắc hẳn sẽ nhiều thuận lợi hơn rất nhiều cử nhân khác, chị có nghĩ vậy?
- Tôi nhớ trong một cuốn sách có viết đại ý rằng: Thành tựu hôm nay chính là kết quả hành động trong quá khứ. Tôi chỉ biết, mỗi ngày qua, mình đều cố gắng hoàn thành mục tiêu mà mình đã đề ra.
Từ lâu, tôi đã mơ ước trở thành một biên tập viên truyền hình. Vì thế, tôi luôn cố gắng thực hiện mơ ước ấy. Trong bốn năm học, tôi cũng được nhà trường tạo điều kiện về thời gian rất nhiều, nhất là khi tôi phải tham gia các hoạt động xã hội.
Quả thực, danh hiệu Á hậu mang tới cho tôi nhiều cơ hội. Nhưng “tấm huy chương nào cũng có hai mặt”, nên ở một mặt khác, đó cũng chính là áp lực với tôi (cười). Tôi cũng đã tìm ra cách "sống chung với lũ" là những áp lực kể từ khi giành danh hiệu Á hậu. Nhiều người bảo, tôi cứ hồn nhiên đúng lứa tuổi, mọi người lại thấy đáng yêu hơn. Vì thế, tôi cũng nhận ra rằng, mình cần bỏ bớt những áp lực, thoải mái một chút mình sẽ “dễ thở” và tươi tắn hơn rất nhiều.
* Là một người tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Chị nghĩ sao khi thời gian qua dư luận rộ lên câu chuyện tặng “con cá” hay tặng “cần câu” để giúp những hoàn cảnh khó khăn?
- Vừa qua tôi có đọc báo, nên biết câu chuyện về Hào Anh. Hào Anh từng được tặng rất nhiều tiền từ thiện… Nhưng kết cục thật buồn. “Con cá” chỉ giúp người ta ngay tức thời, còn về lâu dài, “cần câu” mới là phương tiện hữu ích. Ai cũng biết điều đó, song để thực hiện lại là một câu chuyện khác. Tôi nghĩ, tư duy về làm từ thiện cũng nên thay đổi thì mới có kết quả tốt đẹp được.
* Chị nghĩ sao về việc tặng sách những người trẻ?
- Với chính tôi, nhiều cuốn sách mang ý nghĩ rất tích cực. Hiện nay, dù thời gian biểu cực kỳ bận rộn, tôi vẫn dành thời gian đọc sách. Tôi rất thích đọc cuốn Đắc nhân tâm của Dale Carnegie. Điều tôi khá tâm đắc trong cuốn sách này là khi Dale Carnegie viết về nụ cười, đại ý rằng: Kẻ phú qúy tới bực nào mà không có nụ cười thì cũng vẫn còn nghèo; còn kẻ nghèo hèn tới đâu, mà sẵn có nụ cười thì vẫn còn cái vốn vô tận…
Theo tôi, những cuốn sách mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên - lựa chọn để dành tặng bạn đọc đều có ý nghĩa, nhất là với những người trẻ lập nghiệp. Tôi và rất nhiều người khác tham gia tặng sách cũng nhằm khuyến khích các bạn trẻ đọc sách và có thể sẽ giúp họ thay đổi một phần cuộc sống.
Những chuyến đi tặng sách do Tập đoàn Trung Nguyên khởi xướng và tổ chức cũng giúp tôi học hỏi rất nhiều điều trong cuộc sống.
* Xin hỏi chị câu cuối: Khi chị 23 tuổi, chị làm gì để thực hiện ước mơ của mình?
- Bản thân tôi có nhiều lời mời tham gia làng giải trí, đóng phim. Nhưng tôi vẫn xác định mong muốn trở thành biên tập viên nên tôi vẫn kiên trì với ước mơ đó. Để chạm tới ước mơ, tôi nghĩ, mình phải nỗ lực rất nhiều. Tham gia các công tác xã hội, hoàn thiện bản thân, không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh nghề nghiệp… Và quan trọng, không bao giờ bỏ qua bất kỳ cơ hội nào, dù nhỏ. Tôi từng tham gia dẫn S Việt Nam. Chương trình chỉ phát sóng 5 phút, nhưng phải ghi hình cả ngày, rất vất vả và công phu. Nhưng vì yêu thích, tôi hoàn toàn vui vẻ và hài lòng với công việc đó.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất