12/04/2017 06:41 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Khi bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội được ban hành, ngành Văn hóa Hà Nội gương mẫu triển khai đầu tiên, góp phần để bộ Quy tắc sớm phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp hạn chế những người ăn mặc phản cảm vào các di tích, trước hết thí điểm tại các di tích do thành phố quản lý.
Cho mượn miễn phí áo choàng
Bắt đầu từ ngày 7/4, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội triển khai cho du khách mặc quần áo không phù hợp mượn miễn phí áo choàng vào tham quan di tích đền Ngọc Sơn.
Áo được thiết kế các cỡ to, vừa và nhỏ với kiểu dáng dành cho nam và nữ riêng biệt. Cũng để tạo cảm giác thoải mái cho khách khi mặc loại áo này, Ban Quản lý Di tích, Danh thắng Hà Nội lựa chọn chất liệu, màu sắc, kiểu dáng phù hợp, hoa văn (đối với nữ) nhẹ nhàng.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội cho biết, bước đầu đơn vị triển khai ở các di tích thuộc quản lý của Ban và phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng triển khai tại di tích này.
Sau khi thử nghiệm ở đền Ngọc Sơn, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm chỉnh sửa các mẫu áo, vấn đề quản lý, hướng dẫn khách mượn và sẽ triển khai ở các di tích khác.
Nữ du khách nước ngoài này từng bị lên án vì ăn mặc phản cảm nơi tôn nghiêm (Ảnh: Thanh Niên)
Có mặt tại đền Ngọc Sơn vào một buổi trưa cuối tuần, phóng viên nhận thấy nhiều du khách khá hồ hởi với cách làm này của Ban Quản lý Di tích. Bởi nhiều người mặc quần áo, váy ngắn, hở vai cho thoải mái trong cả hành trình tham quan nhưng lại bất tiện khi vào tham quan di tích.
Khi được mượn áo, khách trong nước sẽ tự tin hơn khi vào tham quan, khách nước ngoài cũng có trang phục phù hợp với tập quán, tín ngưỡng của Việt Nam.
Chị Trần Thanh Hiền, một du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chị khá bất ngờ và vui khi vào đền Ngọc Sơn được cho mượn áo miễn phí để mặc vào tham quan. Theo chị Hiền, đó là cách làm tốt và du khách sẽ hưởng ứng.
Cuối tháng 3/2017, Ban Quản lý Di tích- Danh thắng Hà Nội đã cắt cử nhân viên trực ngay lối lên cầu Thê Húc để nhắc nhở du khách không nên vào đền khi ăn mặc không phù hợp. Những ngày qua, khi đền được trang bị áo choàng cho khách, họ có thêm nhiệm vụ hướng dẫn cho khách vào mượn áo.
Ông Nguyễn Đức Vượng, Trưởng phòng Quản lý di tích thuộc Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội, hiện đang trực tiếp quản lý di tích đền Ngọc Sơn cho biết, đền mới trang bị được hơn 10 bộ áo và sẽ trang bị thêm khoảng 20 bộ nữa trong những ngày tới.
Chỉ trong buổi sáng đầu tiên triển khai, hơn 100 du khách đã mượn áo choàng vào đền với tinh thần vui vẻ, thoải mái.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Cùng với việc may áo choàng cho du khách mượn, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở du khách thực hiện tốt quy tắc ứng xử tại các điểm tâm linh.
Hiện đơn vị đang làm các biển hướng dẫn du khách ứng xử văn minh khi vào tham quan di tích bằng hai ngôn ngữ Việt – Anh, dự kiến trong tuần này sẽ hoàn thiện, lắp dựng ở các điểm di tích.
Vị trí đặt biển sẽ ở những nơi du khách dễ quan sát nhất. Nội dung các biển chỉ dẫn dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên phần khung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại khu vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Những hình ảnh như thế này sẽ không còn thấy tại các di tích ở Hà Nội
Nhiều di tích chưa có áo choàng cũng đã cắt cử lực lượng bảo vệ đứng gác ngay cổng để nhắc nhở du khách không vào những khu vực nội tự nếu trang phục không phù hợp. Đồng thời, bảo vệ hướng dẫn khách thực hiện tốt văn minh nơi thờ tự, từ cách hành lễ, giữ gìn vệ sinh chung, không xâm phạm cảnh quan, không gian…
Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, đơn vị đang tích cực thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố Hà Nội.
Trong khi chờ may trang phục cho khách mượn để vào tham quan di tích, Trung tâm phân công nhân viên nhắc nhở du khách không vào khu thờ tự nếu trang phục không phù hợp. Trung tâm đề nghị các hãng lữ hành khi đưa khách vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần khuyến cáo du khách mặc trang phục phù hợp ngay từ ban đầu.
“Quan điểm chúng tôi cần giải quyết vấn đề này ngay từ gốc, khi họ đã đến di tích rồi khó có thể ngăn họ không vào được”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết. Cũng tại di tích này, từ khi triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đã hạn chế nhiều người mặc trang phục phản cảm vào khu thờ tự.
Ông Trương Tín Hồi, Phó Ban Quản lý Di tích Phủ Tây Hồ cho biết, dù chưa nhận được thông báo hay kế hoạch triển khai của ngành Văn hóa Hà Nội nhưng ông tin rằng, mọi người sẽ ủng hộ cách làm này. Mặc dù, trước đó, Phủ Tây Hồ vẫn đặt tấm biển khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc những quy định khi vào chiêm bái, hành lễ.
Theo ông Hồi, khi áp dụng bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, việc thực hiện sẽ bài bản hơn.
Sau những triển khai thí điểm, Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng ra các di tích khác trên địa bàn thành phố. Nhiều người làm công tác quản lý di tích đang mong muốn sớm nhân rộng hình thức này, bởi trước hết không chỉ điều chỉnh được hành vi ứng xử cho người dân nói chung mà quan trọng là giữ gìn được văn minh nơi thờ tự của Thủ đô.
TTXVN/Đinh Thị Thuận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất