30/04/2014 08:05 GMT+7 | Văn hoá
Cũng như các cư dân nông nghiệp trồng lúa điển hình ở Đông Nam Á gồm Thái, Lào và Myanmar, đồng bào Khmer Nam Bộ có một hệ thống lễ hội gắn chặt với vòng đời cây lúa. Đặc biệt, các lễ tục sinh hoạt lớn của cộng đồng luôn diễn ra vào lúc nông nhàn mà tiêu biểu nhất là Tết Năm mới.
Tết Năm mới của đồng bào Khmer được xác định theo lịch Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng 4 Dương lịch. Đây là tháng thứ 5 (tháng Chet) theo Phật lịch nhưng được dân gian Khmer quan niệm như tháng đầu tiên trong năm. Theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đoạn nông nhàn gần như tuyệt đối, vì là cao điểm của mùa khô, lúa mùa đã thu hoạch xong, mọi hoạt động trồng trọt chăn nuôi đều bị chựng lại để trông chờ vào những cơn mưa đầu mùa.
Do đó, lễ hội này mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới. Do là lễ hội lớn nhất trong năm nên ngày xưa Tết Năm mới của đồng bào Khmer kéo dài từ 10 - 15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này vẫn còn kéo dài tới 3 ngày (chưa kể công việc chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó).
Ngày thứ nhất: Đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều, mọi người dân Khmer đều nô nức tắm gội sạch sẽ, ăn mặc đẹp để tới chùa thỉnh lịch Maha Sangkrang (Đại lịch) để dùng trong suốt một năm. Khi tới chùa, họ tổ chức đi vòng quanh bên ngoài chính điện 3 vòng rồi mới bước vào chính điện lễ Phật.
Ngày thứ hai: Sáng và trưa người dân làm lễ dâng cơm cho các sư, đến chiều họ tiến hành nghi thức đắp núi cát. Đắp núi cát là một nghi thức quan trọng của Tết Năm mới, được tiến hành ở 8 hướng xung quanh ngôi chính điện của chùa. Việc đắp núi cát này có rất nhiều ý nghĩa. Theo nhà nghiên cứu Thạch Voi thì đắp núi cát mang ý nghĩa để ngăn mây lại tạo thành mưa. Đây chính là một nghi thức ma thuật cổ xưa thường thấy ở các cộng đồng cư dân nông nghiệp có lịch sử lâu đời. Ngoài ra, núi cát này còn tượng trưng cho ngọn núi Mê-ru được cho là trục của thế giới trong huyền thoại Ấn Độ. Theo Phật giáo Nam tông Khmer thì núi cát này còn tượng trưng cho ngôi tháp ở tầng trời thứ 3, là nơi cất giữ mớ tóc mà Đức Phật Thích Ca đã cắt bỏ để đi tu. Ngoài ra, truyện dân gian Khmer Nam Bộ còn kể lại sự tích đắp núi cát như sau: Có ông thợ săn về già đau yếu luôn, ông thường xuyên bị ám ảnh nghề nghiệp vì đã sát hại quá nhiều thú và lo sợ chúng đến báo thù. Nhờ có lòng thành dâng cơm cúng dường cho sư, ông được vị sư hướng dẫn đắp núi cát quanh nhà. Khi oan hồn của bầy thú đến đòi nợ, ông bảo chúng rằng: Hãy đếm hết các hạt cát rồi ông sẽ đền mạng cho. Bầy thú đồng ý. Kết quả là chúng đếm mãi vẫn không hết được số hạt cát và chán nản bỏ đi. Nhờ vậy mà ông lão thợ săn thoát nạn.
Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật (mộc dục) và tắm sư. Đây cũng chính là nghi thức thể hiện lòng tôn kính Đức Phật và các vị sư, đồng thời cũng là nghi thức ma thuật gắn chặt với việc cầu mưa để bắt đầu vụ mùa mới. Cùng thời điểm này, ở Thái Lan, Lào và Myanmar có hội té nước đầu năm cũng chính nằm trong ý nghĩa chào đón năm mới và cầu mưa.
Ngoài dấu ấn Phật giáo đậm nét ra, Tết Năm mới của đồng bào Khmer còn cho thấy tàn dư của đạo Bà-la-môn qua việc người dân rất chú trọng cúng dường chư thiên bằng nhiều món hoa quả khác nhau theo từng ngày trong 3 ngày Tết này. Đây cũng là dịp đồng bào tưởng nhớ và cúng bái tổ tiên, cúng dường các sư và thỉnh các nhà sư tụng kinh nơi tháp cốt để cầu siêu cho người thân đã khuất.
Nếu như tiết Thanh minh là dịp người Việt và Hoa hướng về quá khứ để tưởng nhớ tổ tiên và thân nhân đã khuất, chăm sóc sửa sang mồ mả thì đồng bào Khmer tổ chức Tết Năm mới với tâm thức vừa hướng về quá khứ vừa hướng tới tương lai. Trong khi người Việt và Hoa ăn Tết Năm mới vào lúc kết thúc vụ mùa thì đồng bào Khmer lại ăn Tết Năm mới vào lúc chuẩn bị khởi đầu vụ mùa. Điều này thể hiện cá tính chất phác mà phóng khoáng, lạc quan cao độ, luôn hướng tới tương lai của đồng bào Khmer, bất kể cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn.
Do thấm đẫm triết lý vô thường của Phật giáo nên đồng bào Khmer luôn coi nhẹ cuộc sống hiện tại, ngược lại họ rất coi trọng kiếp sau. Đó chính là lý do ngôi chùa Khmer luôn được xây dựng nguy nga trong khi người dân Khmer phần đông còn nghèo khổ, nhà cửa tạm bợ. Họ luôn coi trọng việc “làm phước”, tức làm những việc tốt đẹp để tích lũy phước báo cho kiếp sau. Và các lễ hội lớn như Tết Năm mới chính là dịp thuận tiện nhất để đồng bào Khmer “làm phước”. Do đó phần lớn các lễ hội Khmer đều được gọi là “Bund” (như Bund Chôl Chnăm Thmây), nghĩa là “đám phước” theo tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo. Chính điều này làm nên vẻ đẹp tâm hồn cao quý và tính cách an nhiên, hiếu hòa rất đáng trân trọng của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Lê Công Lý
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất