14/04/2018 07:21 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Xã hội đã bắt đầu coi ảnh khoả thân là một phần của nghệ thuật đương đại, sau rất nhiều nỗ lực tự “cởi trói” cho chính mình của những người làm nghệ thuật.
Cọ xát với ảnh khỏa thân bằng môi trường quốc tế, là nơi cái nhìn của người xem đã cởi mở hơn, bằng việc tham gia các cuộc thi chính thống của thế giới như FIAF (mà các hội chuyên ngành về nhiếp ảnh của Việt Nam là thành viên) đã làm cho ảnh khỏa thân của Dương Quốc Định trở nên quen thuộc với người thưởng thức hơn và dù sao cũng đã được khẳng định bằng các giải thưởng quốc tế, nên khi “quay về” với người xem Việt Nam cũng có “trọng lượng” hơn.
“Vượt khó” trong quan niệm về ảnh khỏa thân
Nhưng ngay kể cả như thế, Dương Quốc Định cũng thú nhận là: “Tôi không dại mà đi xin cấp phép triển lãm ảnh khỏa thân như anh Thái Phiên vì biết chắc sẽ bị từ chối. Tôi chọn cách “triển lãm” đưa tác phẩm tới người xem của mình bằng cách công bố các tác phẩm đã đoạt giải trên các trang web hoặc các diễn đàn chính thống về ảnh khỏa thân nghệ thuật”.
“Ngay cả những nước châu Á có quan niệm khắt khe như Trung Quốc cũng đã chấp nhận ảnh khỏa thân từ lâu” -nhiếp ảnh gia Thái Phiên nói. “Còn với môi trường Việt Nam, nếu không có những nhiếp ảnh gia có tâm như chúng tôi thì ảnh khoả thân trên mạng xã hội toàn là… “lộ hàng”, “show hàng”… chứ không phải ảnh khỏa thân nghệ thuật. Đó là những người chụp nghiệp dư, còn người làm nghệ thuật thực sự phải có lòng tự trọng” -nhiếp ảnh gia Thái Phiên nói.
Xã hội Á Đông với quan niệm khắt khe lâu đời về sự cởi bỏ áo quần, nên bản thân người phụ nữ rất ngại khoả thân. Nhưng thời nay, thì nhiều người phụ nữ đã sẵn sàng cởi bỏ áo quần để lưu giữ lại những bức ảnh nghệ thuật về vẻ đẹp cơ thể.
Thời hiện đại nhiều khi những người phản ứng với ảnh khỏa thân chủ yếu lại là vì mang tâm lý ích kỷ và sở hữu của những người đàn ông không muốn người phụ nữ “của mình” phơi bày da thịt trước công chúng, đám đông chứ không phải bản thân người phụ nữ.
Nhưng bất luận thế nào, thì những người chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật trong xã hội Việt Nam đã phải chờ khá lâu mới đến lúc bắt đầu “cởi mở” như bây giờ, coi ảnh khỏa thân là một môn nghệ thuật bình thường như những nghệ thuật khác.
“Tôi không cần thanh minh nhiều, lời nói của người cầm máy có thể là nói dối, nhưng cứ nhìn vào bức ảnh đi, tác phẩm không biết nói dối” -nhiếp ảnh gia Thái Phiên khẳng định. “Ngay cả khi xã hội vẫn còn “lời ra tiếng vào” khó nghe, đã làm nghệ thuật thì phải có chính kiến, chấp nhận dấn thân và nghiêm túc” - nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định nói.
Những bức xúc của nghệ sĩ
“Một người sáng tác chắc chắn phải đi bằng nhiều con đường chứ không thể đi mãi một cách, nên sau triển lãm đầu tiên về ảnh khỏa thân, tôi cũng có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mới. Tất nhiên việc cơ quan quản lý không cho phép treo một số ảnh khỏa thân thì cũng khiến người sáng tác bị vấp phải rào cản đáng kể trong ý tưởng sáng tạo nhưng tôi vẫn cho rằng ngay cả thế thì hàng rào cũng có tác dụng để hạn chế những cách làm quá phóng khoáng, không phản ánh được nét đẹp nghệ thuật thực sự. Vì ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục thật sự là rất mong manh” -nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên nói.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định khẳng định: “Một tấm ảnh phải có ngôn ngữ. Ảnh khỏa thân là vẻ đẹp hoàn hảo của người phụ nữ. Công nghệ và thế giới phẳng thời hiện đại giúp cho người chụp ảnh khỏa thân khá dễ dàng với máy móc hiện đại và người mẫu khỏa thân cũng khá dễ dàng để chấp nhận cởi bỏ áo quần. Nhưng rất dễ nhầm lẫn giữa ảnh khỏa thân nghệ thuật và ảnh khoả thân bình thường, thiếu cẩn trọng, không chuyên nghiệp”.
Nhiếp ảnh gia Dũng Art gay gắt và thẳng thắn cho rằng: “Tôi đã xem hết cả ba cuốn sách ảnh nude, một cuốn của Hạo Nhiên và hai cuốn của Thái Phiên. Xem hết cả Miền cổ tích mới nhất vừa xuất bản, tôi cũng chưa thể hài lòng. Ảnh như thế chưa phải là khỏa thân thực sự và cũng chưa đẹp hoàn hảo. Cũng có thể là vì còn phải qua khâu biên tập nên chỉ làm được đến thế. Nhưng tôi vẫn cho rằng nếu chỉ như thế thì chưa phải ảnh khỏa thân”.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên “đau khổ” trình bày: “Tất nhiên BTV của NXB không có chuyên môn thẩm định ảnh khỏa thân, nên tôi đã phải làm một động tác là có đơn đề nghị đưa lên Hội Nhiếp ảnh. Hội đã đứng ra thành lập một hội đồng nghệ thuật để thẩm định toàn bộ các bức ảnh đưa vào sách, rồi gửi văn bản xác nhận về tính nghệ thuật của các tác phẩm này tới NXB. Thế mà phía NXB đã phải nâng lên đặt xuống trong suốt bốn tháng, BTV trao đổi quá nhiều. Ngay cả những bức ảnh của tôi đã đoạt giải quốc tế nhưng cũng bị bỏ ra khỏi cuốn sách khiến tôi thực sự mệt mỏi”.
“Trong trường hợp các tác phẩm của tôi, tôi cũng chẳng đi xin cấp phép triển lãm làm gì. Ngay cả làm sách, nếu vì lý do biên tập mà cắt lại những bức ảnh khỏa thân thật sự thì tôi thậm chí còn chẳng cần ra sách. Tôi chọn cách chỉ bày ra trong một không gian hẹp cho bạn bè mình thưởng thức, với một số lượng rất hạn chế những người đủ tầm, đủ chiều sâu, đủ kiến thức để ngắm ảnh khỏa thân” -nhiếp ảnh gia Dũng Art bày tỏ.
Tối 10/4, nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên tham gia bán đấu giá bức ảnh khỏa thân Phía sau bầu trời đã từng đoạt giải quốc tế, có in trong sách và đã triển lãm ở nước ngoài, tại một sự kiện của các doanh nhân ở phía Nam. Đây cũng là một trong những hoạt động đưa ảnh khỏa thân đến gần hơn với công chúng thưởng thức.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Thạch Vân - Phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM thừa nhận: “Ta tránh né quá lâu cho một bộ môn nghệ thuật đã được thế giới công nhận từ lâu! Hãy khẳng định cái đẹp mang tính nghệ thuật về đường nét, bố cục, ánh sáng… của ảnh khỏa thân. Hãy đánh phá sự kỳ thị cũ, những quan niệm lỗi thời và lệch lạc về ảnh khỏa thân”.
* KỲ 3 & HẾT: Đã đến lúc ảnh khỏa thân được “cởi trói”?
Hòa Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất