Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 18): Thú & Nghề lấy ráy tai

13/12/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Charles-Édouard Hocquard - một bác sĩ quân y đã theo đạo quân viễn chinh Pháp vào Bắc Kỳ và lưu lại tại đây từ tháng 1/1884 đến tháng 5/1886 - trong cuốn ghi chép Một chiến dịch ở Bắc Kỳ tỏ ra rất thú vị khi quan sát một nghề kiếm sống trên đường phố Hà Nội. Ông đã viết: “Thú vị nhất trong các nghề ngoài trời đó là những chú thợ cạo - lấy ráy tai và những người tẩm quất”.

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 17): Xe xích lô ở xứ ta

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 17): Xe xích lô ở xứ ta

Nếu chọn một phương tiện đi lại trên đường phố Hà Nội đến nay vẫn được coi là ấn tượng hơn cả, thì chắc chắn sẽ là chiếc xích lô.

Ông ví những người làm nghề này như nhân vật của nhà văn Pháp Beaumarchais khi mô tả : “Người thợ cạo thành Séville và khách hàng của mình ngồi trên một chiếc ghế dài để 2 chân 2 bên, mỗi người 1 đầu. Họ ngồi đối diện với nhau trong khi dao cạo lướt trên mặt... Anh ta bắt đầu ngoáy tai một cách tỉ mẩn và kết thúc bằng đưa cái hạt tròn bằng thủy tinh cắm đầu que vào tận màng nhĩ rồi xoay tròn một cách nhẹ nhàng; đấy là giai đoạn thú vị nhất, nếu ta nhìn nét mặt của khách hàng, 2 mắt lim dim và bày tỏ khoái cảm tột độ”.

Một nhận xét tinh tế và thú vị về một cái thú mà đến nay dường như vẫn còn ?!

Chú thích ảnh
Lấy ráy tai ngay cửa nhà (1880)

Một người Pháp khác đến Đàng Trong trước vị bác sĩ quân y, từng là cố vấn cho các vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn là J.B.Chaigneau (tên Việt là Thắng) cũng có nói về đám người làm nghề lấy ráy tai ở Kinh đô Huế. Ông còn cho biết, họ hay túm tụm ở Cửa Đông và Đông Nam kinh thành và mô tả một chiêu nghề của họ là lấy tờ giấy mỏng nhỏ vài giọt sáp ong, cuộn tròn hình ống, rồi nhét vào trong tai một phần, đốt đoạn giấy bên ngoài, khói hun vào bên trong, khoái cảm thế nào thì chắc chỉ có người trả tiền thuê lấy ráy tai mới biết (?!).

Đúng là cái trò, hay nghề lấy ráy tai thật lạ lẫm và gây ấn tượng với người phương Tây vốn coi trọng vệ sinh và am hiểu kết cấu phức tạp và nhạy cảm của bên trong cái tai nên chỉ những người có kiến thức y học mới dám động chạm vào. Nhưng cũng vì vậy mà người Tây lại rất thích chụp ảnh miêu tả hiện tượng này để đưa lên bưu ảnh hay báo chí… Thậm chí, tại Đấu xảo Thuộc địa năm 1931 tổ chức rất linh đình ở Paris cũng có áp-phích quảng cáo cho cái thú và cái nghề này ở xứ thuộc địa vùng Viễn Đông.

Ngày nay, ở ta, nghề ấy vẫn còn, thường là "tiết mục phụ" cho quy trình cắt tóc - cạo râu - gội đầu rồi massage mặt. Tiết mục này thường kèm theo một giấc ngủ nhẹ nhàng, tâm trí mơ màng, nhưng vẫn hưởng được cái khoái cảm từ tai truyền ra những thớ thịt rung rung trên nét mặt, nheo nheo nơi khóe mắt. Nó cực kỳ hiệu quả khi khách đến với một cơn say nhè nhẹ…

Chú thích ảnh
Lấy ráy tai trong quán hàng ở Hà Nội (1896)

Nhà khoa học khi nhắc đến cái thú này thường dùng một thuật ngữ viết tắt có phần bí hiểm về cái gọi là "hiệu ứng ASMR" luận ra tiếng Tây là Autonomous Sensory Meridian Response, luận ra nghĩa ta là "hiệu ứng cực khoái" gây nên bởi những động chạm mơn man nơi sâu thẳm sát màng nhĩ cùng những âm thanh lạo xạo mỏng tang khiến ta hình dung được cái nơi không bao giờ tự mình nhìn thấy được…

Không biết cái thú kèm theo cái nghề lấy ráy tai ở xứ ta có tự bao giờ? Cứ thử ngó lên phương Bắc để tìm câu trả lời. Người Trung Quốc chịu khó ghi chép hơn người ta, nên họ đủ chứng cứ khẳng định rằng cái thói quen lấy ráy tai, âm Hán Việt đọc là "đào nhĩ" có từ thời Tây Hán (trước Công nguyên chừng 200 năm) và vùng Tứ Xuyên (trên tỉnh Vân Nam, cũng không quá xa ta) là nơi phát tích.

Thủ phủ của Tứ Xuyên là Thành Đô có lịch sử lâu đời và di sản rất phong phú nay lại là trung tâm du lịch nổi tiếng. Đến nay, nghề lấy ráy tai không những vẫn tồn tại mà ngày một sầm uất cùng du lịch. Ở đây, ngoài những quán kết hợp với làm đẹp râu tóc còn có một đội ngũ thợ lấy ráy tai đi rong.

Chú thích ảnh
Lấy ráy tại ở ngoài trời (Hà Nội, 1896)

Ở Thành Đô, những nơi công cộng như công viên, dân chúng hay tụ họp kết hợp mấy cái thú: Uống trà, đánh mạt chược và… lấy ráy tai. Thành Đô nổi tiếng với câu "cay miệng - khoái tai" để nói đến ẩm thực nhiều món cay và ngoáy tai nhiều chiêu thức… Món này nổi tiếng đến mức xem mấy cái quảng cáo của các công ty du lịch lữ hành, nhắc khách đến Thành Đô ngoài xem thắng cảnh, shopping, thưởng trà… thì đừng quên món "lấy ráy tai".

Đọc mạng thấy có con số: Nghề lấy ráy tai bên Trung Quốc tăng vọt và được coi là nghề "hot" (ra tiền), trên tổng số 19.608 cơ sở kinh doanh nghề này có tới 11.000 mới "khởi nghiệp" trong 2 năm vừa qua… Ở Tứ Xuyên, người ta xếp nghề lấy ráy tai là "thủ công truyền thống" và mới đây 30 vị lão trượng của nghề này đã kiến nghị chính phủ phải công nhận "lấy ráy tai" là di sản văn hóa phi vật thể (!?).

Đọc rộng ra thì, người Nhật Bản cũng thích lấy ráy tai. Hình ảnh đứa con gối đầu lên đùi mẹ để được lấy ráy tai, hay người chồng cũng làm tương tự trên đùi vợ được coi là biểu tượng của tình mẫu tử và tình phu thê…

Ấn Độ thì ít chọc ngoáy mà chỉ dùng dầu thảo mộc rửa làm sạch tai là chính v.v…

Ở ta, chưa có thống kê tăng trưởng trên lĩnh vực kinh doanh này, nhưng trên mạng quảng cáo ngày càng thấy rao bán nhiều bộ dụng cụ lấy ráy tai ngoại chế rất đẹp, lại có cả "máy" lấy ráy tai của Nhật Bản… Và đã xuất hiện ở một địa điểm ở quanh đầu Ô Chợ Dừa cũ của Hà Nội, một spa chuyên dịch vụ cái thú này dành cho các quý ông với bàn tay khéo của các thanh nữ. Các bạn cứ mở mạng kiểm chứng xem có đúng như thế không? Còn trên trang này chỉ giới thiệu một số trong nhiều ảnh '''lấy ráy tai" tạm gọi là "truyền thống" (tức là người làm và người hưởng đều là đàn ông).

Chú thích ảnh
Hà Nội 1884-1885 ảnh của Hocquard, kiến trúc ở góc phải đoàn là của Pháp Quốc, đầu Tràng Tiền bây giờ
Chú thích ảnh
Lấy ráy tai ngoài đường
Chú thích ảnh
Bưu ảnh (1906) người Hoa ở Sài Gòn lấy ráy tai
Chú thích ảnh
Lấy ráy tai ở bất kỳ đâu khi thợ gặp khách
Chú thích ảnh
Cảnh lấy ráy tai ở Huế
Chú thích ảnh
Quảng cáo lấy ráy tai tại Đấu xảo Thuộc địa Paris 1931
Chú thích ảnh
Tranh vẽ kiểu dân gian, cảnh lấy ráy tai
Chú thích ảnh
Nghề lấy ráy tai

(Còn tiếp)

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm