03/12/2018 12:06 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - “Bảo tàng không phải là “tháp ngà”, bảo tàng phải là nơi phản biện xã hội và kể được những câu chuyện của đời sống đương đại.
Thế nhưng đến nay rất ít bảo tàng ở nước ta làm được điều đó. Vì sao vậy, vì cách thức trưng bày thiếu tính hấp dẫn với kiểu tư duy cũ...”.
Ý kiến này đã nhận được nhiều chia sẻ tại buổi tọa đàm “Một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại” diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Hiện tại và tương lai của bảo tàng phụ thuộc vào chính công chúng và phải đáp ứng nhu cầu của công chúng và nhu cầu xã hội đặt ra. Do đó, bảo tàng phải tự nâng cấp, tự phát triển, tự đổi mới để thích nghi với những điều kiện mới hay nói cách khác bảo tàng phải mang tính hiện đại.
Thực tế cho thấy, cách làm bảo tàng hiện nay giống như triển lãm kiểu tuyên truyền. Chỗ nào thiếu hiện vật thì “copy”, phục chế, tái tạo, trích dẫn sách vở, lập bảng biểu thống kê hay thay thế bằng sáng tác các loại phù điêu. Chỗ nào sẵn hiện vật thì bày la liệt, thiếu trọng tâm trọng điểm, thiếu bố cục, tổ chức, thiếu thông tin dẫn dắt và cách kể chuyện. Không chỉ có vậy, một trong những “căn bệnh” của nhiều công trình bảo tàng trong những năm gần đây là xu hướng thích hoành tráng. Ở những tỉnh, thành phố bảo tàng lớn “mọc” lên rất nhiều song chỉ là có cái “vỏ” mà không có “ruột”. Nguyên nhân của tình trạng này là cứ xây dựng và khánh thành trước sau vài năm mới chuẩn bị trưng bày dẫn đến ít hiện vật và quá đơn điệu, không thu hút được khách tham quan.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, đa phần các bảo tàng của Việt Nam đều rất ít khách, dù có bảo tàng được xây dựng với quy mô lớn. Nếu bảo tàng chỉ được xây dựng đẹp nhưng không có khách sẽ làm giảm vị trí của nó trong mắt công chúng và gây lãng phí lớn. Có bảo tàng nhưng không có khách tham quan còn là bi kịch. Ở nhiều nước, bảo tàng là bộ mặt của quốc gia, của thành phố, của ngành, nhưng hiện nay ở Việt Nam chưa làm được điều đó.
“Bảo tàng là nghệ thuật. Không phải mang các hiện vật sắp xếp “gò đống” là xong, mà cần phải có sự cập nhật từ bố cục, không gian, màu sắc… Và công nghệ là điều không thiếu trong trưng bày bảo tàng hiện đại, nhưng hiện nay nhiều bảo tàng đang rơi vào bẫy sử dụng công nghệ”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) là bảo tàng hiếm hoi của VN thu hút rất đông khách tham quan. Bảo tàng này có một lợi thế đặc biệt khiến nội dung trưng bày không trùng lặp với các bảo tàng khác, có sức hấp dẫn thuyết phục cao, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách tham quan Việt Nam cũng như quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Bảo tàng cũng đã trải qua nhiều khó khăn, phải tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo để có được kịch bản trưng bày hấp dẫn và từ đó lựa chọn những giải pháp trưng bày độc đáo, phù hợp với từng chuyên đề. Đó chính là yếu tố quyết định thu hút công chúng đến với Bảo tàng.
“Phải xây dựng đề cương, kịch bản với sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các nhà làm bảo tàng, họa sĩ. Cụ thể, trước tiên, chúng tôi chọn kịch bản chung cho toàn bảo tàng, sau đó kịch bản cho từng chuyên đề, tìm cách mở đầu sao cho thật cuốn hút, có cao trào đỉnh điểm, có kết thúc để người xem không thể quên được thông điệp mà trưng bày muốn gửi đến”, bà Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho hay.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam Triệu Hiển cũng cho rằng, bảo tàng không chỉ là nơi lưu trữ các hiện vật của quá khứ, mà còn phải nhằm giải quyết các vấn đề hiện tại. Thực tế, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam có nhiều tư liệu được nghiên cứu, góp phần làm rõ các vấn đề lịch sử liên quan tới an sinh xã hội... “Các trưng bày cố gắng tạo ra nhiều tương tác cho khách. Đừng nghĩ bảo tàng là tháp ngà, là cái gì đó hàn lâm, mà cần thiết phải tìm ra những giải pháp để công việc, hoạt động của bảo tàng phải gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Bảo tàng phải là nơi phản biện xã hội, giống như báo chí, thậm chí cơ hội của bảo tàng còn mạnh hơn báo chí ở chỗ có thể sử dụng tổng hợp các loại hình nghe, nói, viết. Do đó, bảo tàng phải kể được câu chuyện của đời sống đương đại”, ông Triệu Hiển nói.
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng trước đây, trung tâm hoạt động của bảo tàng chủ yếu là hiện vật, nhưng nay chuyển từ hiện vật sang con người làm trung tâm. Tuy nhiên, để lôi kéo được khách tham quan, thì hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay đang rất chủ quan trong việc đánh giá nhu cầu của khách. Việc làm này là vô cùng quan trọng, đánh giá sự thành công hay không thành công của mỗi bảo tàng. Phải biết khách tham quan thích xem cái gì, thỏa mãn nhu cầu của khách. Ở các bảo tàng nước ngoài khi lựa chọn một chủ đề trưng bày đều có các chuyên gia đánh giá nhu cầu của khách là gì. Từ đó họ sẽ hướng đến những nhu cầu cụ thể.
Theo Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất