03/06/2019 08:41 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Hội thảo quốc tế “Chiến lược đào tạo và nghiên cứu nhằm bảo tồn phức hợp khảo cổ tiểu vùng sông Mekong” vừa tổ chức tại Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) đã mở ra những hướng tiếp cận mới và nhiều kỳ vọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hóa.
Hội thảo do Đại sứ quán Ý, Cơ quan Hợp tác phát triển Ý (AICS), Trường Đại học Bách khoa Milan (Ý) phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu, khảo cổ từ Quỹ Lerici - Trường Đại học Bách khoa Milan, các nhà bảo tồn đại diện các quốc gia của tiểu vùng sông Mekong (Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia...).
Đây cũng là dịp để đánh giá lại những kết quả giai đoạn 1 dự án “Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam” (gọi tắt dự án TT đào tạo nghề trùng tu).
Hiệu quả mô hình đào tạo nghề trùng tu di tích
Giai đoạn 1 dự án TT đào tạo nghề trùng tu do Đại sứ quán Ý, Cơ quan Hợp tác phát triển Ý (AICS), Trường Đại học Bách khoa Milan phối hợp cùng UBND tỉnh, Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam triển khai từ năm 2017- 2019. Chương trình mang tính đào tạo chuyên sâu, chủ yếu tập trung vào công nghệ khảo cổ học, phục chế hiện vật, trùng tu và quản lý kiến trúc. Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn nhận định, giai đoạn 1 dự án đã đạt được những kết quả hơn mong đợi, trong đó nổi bật là đã đào tạo chuyên sâu nguồn giảng viên, cán bộ kỹ thuật và công nhân trên lĩnh vực trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa cho Quảng Nam. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đào tạo trùng tu di sản, đóng góp những kiến thức quý giá trong công tác quản lý bảo tồn kiến trúc Chăm Mỹ Sơn.
Hai di tích tại khu đền tháp Mỹ Sơn được chọn thực hành thực địa là nhóm tháp L (cho chương trình khai quật khảo cổ) và tháp G4 (cho chương trình trùng tu kiến trúc). Sau gần 6 tháng thực địa những nhiệm vụ thực hành kỹ thuật trong công tác khảo cổ, bảo tồn, thuyết trình trong dự án về trùng tu tháp G4 và khai quật nhóm tháp L đã thật sự đóng góp những kiến thức quý giá trong công tác quản lý di sản kiến trúc Chăm, thực địa về lĩnh vực trùng tu và khảo cổ tại Mỹ Sơn.
Theo ông Hộ, những kết quả của chương trình trùng tu kiến trúc tại tháp G4 là sự kế thừa, định hình và khẳng định lại những ưu việt của dự án trùng tu nhóm tháp G mà các chuyên gia Ý triển khai từ 10 năm trước (2003 - 2013). Đối với nhóm tháp L, chương trình khai quật khảo cổ đã mở ra nhiều điều mới mẻ về giá trị bí ẩn trong lòng đất của khu di tích Mỹ Sơn. Đặc biệt, những kiến thức chuyên sâu về các chính sách quản lý, bảo vệ và bảo tồn các di sản mà các khóa đào tạo của dự án mang lại đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn của di sản văn hóa Mỹ Sơn sau này.
Ông Mauro Cucarzi, Giám đốc Quỹ Lerici chia sẻ, việc đào tạo nguồn lực bảo tồn đóng vai trò rất quan trọng và luôn nằm trong các dự án xây dựng năng lực của UNESCO. Trong đó, dự án TT đào tạo nghề trùng tu di tích đã đạt được nhiều hiệu ứng tích cực, như đưa việc học đi đôi với hành, sử dụng các di sản làm nơi giảng dạy… Đặc biệt, Quỹ Lerici đã hình thành hệ thống “cơ sở dữ liệu quản lý di tích” nhằm đánh giá rủi ro các khu vực khảo cổ và cung cấp công cụ cho các nhà quản lý di tích không chỉ ở Việt Nam mà cả một số nước Đông Nam Á.
Bảo tồn di sản là con đường đòi hỏi sự bền bỉ
Việc nhìn nhận, đánh giá các kết quả tích cực đã đạt được trong 2 năm thực hiện dự án TT đào tạo nghề trùng tu đặt tại Quảng Nam cũng góp phần khẳng định trong tương lai, mô hình này sẽ là hình mẫu đào tạo về trùng tu di tích cho các quốc gia tiểu vùng sông Mekong. Tại hội thảo, các ý kiến cũng đánh giá đây là mô hình thành công đầu tiên của khu vực về chiến lược đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa. Theo GS.TS Mariacristina Giamnruno, Trưởng khoa Kiến trúc và phát triển đô thị (Đại học Bách khoa Milan), dự án này chính là sự khởi đầu nhằm xây dựng năng lực ở các cấp độ khác nhau và đào tạo những chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực bảo tồn. Công tác bảo tồn luôn là một chủ đề phức tạp, là con đường dài lâu, liên tục, đòi hỏi sự bền bỉ để chuyển đổi những giá trị, tạo ra những giá trị tốt nhất cho cộng đồng: “Di sản văn hóa của một quốc gia thể hiện bộ mặt của quốc gia. Do vậy, để giữ bản sắc riêng cần có sự tham gia của các chuyên gia nhằm mục tiêu đảm bảo mỗi quốc gia có khả năng tự quản lý di sản của mình theo những tiêu chuẩn quốc tế”.
Ông Maritino Melli, Giám đốc AICS cho biết, từ năm 1997, AICS đã bắt tay thực hiện các ý tưởng và hỗ trợ, hợp tác nhiều dự án, sự kiện trên lĩnh vực bảo tồn văn hóa tại nhiều quốc gia. Dự án TT đào tạo nghề trùng tu là một trong những mục tiêu cơ bản trong phát triển và bảo tồn văn hóa, tương quan với sự phát triển bền vững của quốc tế, thúc đẩy việc học tập suốt đời và tăng cường phát triển bền vững, tạo ra công ăn việc làm cho tất cả mọi người dân.
Khánh Chi - Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất