Bí ẩn pho tượng lạ về Đức Thánh Trần

07/01/2010 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Pho tượng đồng chúng tôi được chiêm ngưỡng quả là một phát hiện hiếm có. Tượng mô tả một người ngồi trên bệ ngai hai cổ tay đeo tràng hạt nắm vào nhau theo tư thế bắt quyết, mặt hơi ngẩng thể hiện dung nhan đầy đặn, sáng sủa, tươi tắn, khoan dung với cặp môi cười mỉm và đôi mắt mở to.

Điều mới mẻ của pho tượng là phong cách thể hiện phối trộn những yếu tố nghệ thuật trang trí đồ đồng truyền thống ở Tây Nguyên, nghệ thuật Chăm Pa và nghệ thuật làm tượng Đại Việt.


Gần như chúng ta chưa bao giờ phát hiện tượng đồng Trần Hưng Đạo trong thời Phong kiến.
* Pha trộn phong cách nghệ thuật 3 vùng miền

1. Pho tượng ở tư thế ngồi với tổng chiều cao khoảng hơn 60cm. Phần thân người được khoác bộ trang phục nhà quan với chiếc áo khoác ngoài có phần cổ cánh sen trang trí hoa văn, trước ngực sẻ hình chữ T ngược thường thấy trong các tượng làm bằng gỗ hay đất thời Lê. Nếu chỉ nhìn bức tượng từ phần cổ trở xuống, ta dễ dàng nhận ra sự quen thuộc với các tượng trong các đền chùa miền Bắc nước ta ở thời Lê, Trịnh. Tuy nhiên, cách trang trí bệ ngồi và nhất là cung cách thể hiện nét mặt và chiếc mũ cánh chuồn phản ánh tính địa phương rõ nét của nghệ nhân làm tượng.

Bức tượng thể hiện một người đàn ông không có râu, không lông mày, mắt rộng hơi nhếch cười nhưng không có con ngươi và nếp mí, mang phong cách chân dung tượng Chăm rất điển hình. Trên đầu bức tượng đội mũ cánh chuồn, nhưng không giống các mũ cánh chuồn miền Bắc mà được tạo một bản hình tròn ở trên và hai cánh cong như lá cây ở hai bên. Chính giữa bản tròn phía trên là đồ án trang trí gồm hai hình chữ C xoắn hai đầu úp lưng vào nhau tương tự đồ án điển hình của những chiếc “hộ tâm phiến” bằng đồng trong văn hóa Đông Sơn. Phía dưới là một bông hoa đào bốn cánh ở giữa có gắn một viên đá quý màu xanh đen. Viền trang trí trên mũ cánh chuồn thống nhất chung với mọi băng viền trang trí trên bệ ngai tượng, đó là viền băng hình quấn thừng đối xứng giống như các nhánh đôi của bông lúa mạch. Băng trước trán cũng được trang trí tương tự, nhưng được bổ sung thêm một băng phía trên tạo bởi những hình chữ C xoắn hai đầu nằm ngửa. Cách trang trí hình xoắn thừng (hay hình bông lúa) và hình sợi dây cuốn chữ C và chư S xoắn hai đầu là phong cách điển hình của nghệ thuật Tây Nguyên.

Trên cổ bức tượng là một vòng hạt chuỗi gần giống tràng hạt của tăng lữ. Tràng hạt như vậy còn thấy được đeo trên hai cổ tay bức tượng tôn thêm vẻ thánh thiện mộ đạo của nhân vật.

Bức tượng được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên khi xem xét kỹ chúng tôi nhận thấy hai bàn tay bắt quyết trước ngực dường như cầm nâng một vật gì đó đã bị gẫy từ trước. Có thể đó là một thanh kiếm. Như vậy, xét trang phục, mũ đai có thể nhận ra tư thế của một vị quan, nhưng cách thể hiện khuôn nét mặt lại như một vị thánh. Điều này đã được giải mã nhờ những dòng chữ khắc chìm sau lưng bức tượng.

* Vì sao Trần Hưng Đạo viết thành Trần Hương Đạo?

Phía sau bức tượng, nghệ nhân đã khắc chữ thành 4 dòng với tổng số 9 chữ. Dòng trên cùng có 4 chữ Đại Vương Thượng Thần khắc ở phía trên tấm đỡ lưng hình chữ nhật. Điều đáng lưu ý là chữ Đại sai chính tả. Đó là chữ Đại mang nghĩa Đời, Thời Đại chứ không phải chữ Đại to lớn, vĩ đại trong nghĩa đúng của chữ Đại Vương. Dòng thứ hai gồm ba chữ Trần Hương Đạo được khắc ở chính giữa tấm đỡ lưng, ngay trên đai thắt lưng. Lưu ý là Hương chứ không phải là Hưng. Dòng thứ ba có một chữ Trần khắc ở bên dưới đai thắt lưng. Dòng thứ tư có một chữ không đủ nét, có thể là chữ Thần (?) khắc ở chính giữa phía dưới bên ngoài tấm đỡ lưng.


Phía sau bức tượng
Nhờ những chữ này mà việc giám định và định danh bức tượng được dễ dàng hơn rất nhiều. Rõ ràng đây là một bức tượng Trần Hưng Đạo. Theo chủ nhân bức tượng thì người dân ở một vùng Miền Trung đã đào được báu vật này trong một am gạch. Nghiên cứu cách phát âm của nhiều địa phương miền trung (kể từ Hà Tĩnh trở vào) cho thấy chữ Hưng thường đọc là Hương. Việc khắc chữ Trần Hương Đạo thay cho Hưng Đạo phản ánh rõ vùng đất đã đúc ra bức tượng này là vùng miền Trung ở thời điểm còn mang đậm phong cách nghệ thuật Chăm Pa và Tây Nguyên. Nét chữ khắc chân phương nhưng không nhà nghề lại sai chính tả đã chứng tỏ tính dân dã của thợ tạo tượng. Vậy nguồn gốc và niên đại bức tượng này thế nào?

* Hé mở những vấn đề lịch sử

Kích thước tượng chỉ phù hợp với những điện thờ dòng họ. Và điều đó gợi ý hướng tìm tòi nguồn gốc bức tượng từ những quan lại họ Trần đã theo chúa Nguyễn vào khai khẩn xứ Đàng Trong ở thế kỷ 16-17.

Theo sách Ô Châu Cận lục của Dương Văn An, người sống ở thế kỷ 16, thì từ cuối đời Trần, đặc biệt dưới thời khuynh loát của Hồ Quý Ly cuối TK 14 đầu TK 15, vùng Thuận Quảng đã có nhiều dòng tộc người Việt vùng Hoan Diễn (Nghệ An, Hà Tĩnh) vào khai khẩn cùng người địa phương. Trong đó, họ Hồ và họ Trần chiếm số đông và thuộc vào những danh gia vọng tộc trong vùng. Trong Ô Châu Cận lục Dương Văn An đã liệt kê tới hàng chục nhân sĩ họ Trần, nhiều người khi đó đã được lập đền thờ.

Vào thời bắt đầu xưng vương của chúa Nguyễn ở Thuận Quảng nổi lên vai trò của một viên quan họ Trần làm Khám lý cai quản Phủ Hoài Nhân (vùng đất Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), đó là Trần Đức Hòa. Chính vị quan này đã có công lớn chiêu nạp Đào Duy Từ dưới trướng vào năm 1625 rồi hai năm sau (1627) giới thiệu Đào Duy Từ với chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Tương truyền, Trần Đức Hòa thuộc dòng dõi nhà Trần, làm quan và theo chúa Nguyễn vào trấn thủ Thuận Hóa.

Phân bố đền thờ Trần Hưng Đạo dày đặc ở miền Bắc nước ta. Tuy nhiên khá vắng bóng ở vùng châu Ô Châu Lý. Việc đưa tượng Trần Hưng Đạo vào thờ ở vùng Chăm Pa cũ như một Thượng đẳng thần rõ ràng gắn liền với những quan lại họ Trần trong vùng mà một trong những nhân vật họ Trần có nhiều uy tín và thế lực nhất ở vùng đất Thuận Quảng ở thế kỷ 17 là Trần Đức Hòa. Vì thế có cơ sở để nghĩ rằng Trần Đức Hòa đã cho thợ địa phương đúc tượng này để thờ vọng Đức Thánh Trần như cung cách người Việt ở Đàng Ngoài.

Đây là một phát hiện rất có giá trị cả về lịch sử lẫn mỹ thuật. Gần như chúng ta chưa bao giờ phát hiện tượng đồng Trần Hưng Đạo trong thời Phong kiến. Đây lại là pho tượng phân bố ở một vùng cách xa khu vực tập trung đền thờ Trần Hưng Đạo, được tạo tác ở niên đại khá cổ xưa.

Hy vọng trong một thời gian gần đây chủ nhân bức tượng sẽ tạo điều kiện để đông đảo nhân dân cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật có thể chiêm ngưỡng kiệt tác vô giá này.

TS Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm