24/12/2019 08:32 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ngày 23.12, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Quang Tùng cùng lãnh đạo Tổng cục TDTT, Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL và TCDL đã tham dự Hội nghị.
Theo Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh: “Năm 2019 là một năm có nhiều bước phát triển đột phá của toàn ngành Du lịch, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Trong đó, đáng chú ý là Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu danh giá cho Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (WTA) trao tặng: Điểm đến Golf tốt nhất thế giới; Điểm đến Di sản thàng đầu thế giới; Điểm đến hàng đầu châu Á năm thứ 2 liên tiếp… Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Trong 3 lần xếp hạng (2 năm/ lần), Du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế (năm 2015) lên vị trí 63/140 (năm 2019)”.
Việc tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế và khu vực được tổ chức thành công ở Việt Nam như Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần thứ 2, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 là cơ hội rất thuận lợi để quảng bá du lịch Việt Nam.
Có được những thành tựu này, ngay từ đầu năm 2019, ngành Du lịch đã tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các hoạt động du lịch, quản lý du lịch trên phạm vi cả nước. Đồng thời, chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ cho Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Ngành Du lịch cũng đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thu hút khách quốc tế. Nhờ đó, các chỉ tiêu về lượng khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội đại và tổng thu từ khách du lịch đều đạt mục tiêu, ngành Du lịch hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao.
Ước tính, năm 2019, Du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%) và tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 720.000 tỉ đồng (tăng trên 16%). Tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm liên tiếp của Du lịch Việt Nam đạt 22%/ năm. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Có thể nói, đây là những kết quả phải trải qua rất nhiều khó khăn ngành Du lịch mới đạt được trong hoàn cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều thách thức và các yếu tố không thuận lợi; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, thị trường Trung Quốc liên tục suy giảm. Bù lại, ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tình hình kinh tế- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Ngoài những thành tựu cụ thể trên, công tác quản lý nhà nước, xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật cũng được triển khai đúng tiến độ. Năm 2019, TCDL đã xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 văn bản, đề án: Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương biên giới phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số; Kế hoạch phát triển du lịch khu vực ta giác phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam; Khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch; Rà soát, đề xuất chính sách liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch….
TCDL cũng đã xây dựng 5 kế hoạch triển khai các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt: Kế hoạch thực hiện đề án tổng thể Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch thực hiện đề án Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch thực hiện đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam; phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hoàn thiện thủ tục để đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đi vào hoạt động năm 2020; hoàn thiện Kế hoạch của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt qua Indonesia vươn lên vị trí thứ tư về lượng khách quốc tế đến. Chất lượng dịch vụ du lịch ở Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể. Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tiếp tục làm thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, góp phần hình thành nhiều khu du lịch khép kín, đẳng cấp quốc tế. Tính đến 15.12.2019, cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng, trong đó có 171 cơ sở lưu trú 5 sao với 57.751 phòng và 295 khách sạn 4 sao với 39.347 phòng. Hiện nay, một số doanh nghiệp du lịch bước đầu thành lập các hãng hàng không, tạo sự liên kết, phát triển mạnh mẽ giữa hàng không và du lịch.
Nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, ngành Du lịch cho rằng thời gian tới cần tập trung khắc phục việc chưa tạo được sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, môi trường du lịch còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; môi trường tự nhiên bị ô nhiễm tại một số thành phố lớn; vấn đề xử lý rác thải tại một số khu du lịch biển; an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập; công tác quảng bá xúc tiến thiếu bài bản; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy…, cần được cải thiện.
Năm 2020, Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỉ đồng. Ngành cũng chỉ rõ 12 nhiệm vụ cụ thể để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Trong đó có việc phổ biến và triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 sau khi được Chính phủ phê duyệt; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 69 năm thành lập ngành Du lịch; triển khai và đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhân các sự kiện Năm chủ tịch ASEAN 2020, Giải đua công thức F1 tại Hà Nội; tổ chức điều tra tài nguyên và nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam….
Thứ trưởng Lê Quang Tùng đánh giá cao các thành tựu mà toàn ngành Du lịch đạt được trong năm qua dù gặp rất nhiều khó khăn. Ông cho rằng, TCDL đang thực hiện nhiều vai: cả quản lý nhà nước và xúc tiến du lịch quốc gia, trong khi trên thế giới, những việc này phải có 2 cơ quan thực hiện. Hằng năm, đầu việc của TCDL rất nhiều tuy nhiên cả ngành vẫn cần nỗ lực để đạt mục tiêu, hoàn thành đúng tiến độ và hiệu quả cao. Thứ trưởng lưu ý TCDL: “Trong số 12 nhiệm vụ đã chỉ ra phải nêu rõ đâu là nhiệm vụ ưu tiên và tập trung thực hiện. Đồng thời công tác quản lý nhà nước cũng cần đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và dự báo được tình hình phát triển mới; xây dựng cơ chế quản lý liên kết vùng về phát triển du lịch; phát triển du lịch thông minh; tập trung được sức mạnh tổng hợp của khối nhà nước và tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là ở các “vùng trũng”; đánh giá lại các quy hoạch du lịch… để đưa ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. Tiếp tục phân cấp trong lĩnh vực du lịch, chỉ rõ việc nào của Trung ương, việc nào của địa phương và những việc gì thuộc về Du lịch phải do TCDL chủ trì, làm đầu mối thực hiện”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng và cảm ơn sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đóng góp của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của TCDL thời gian vừa qua. Để có được “trái ngọt” hôm nay, toàn ngành Du lịch đã phải vượt qua những khó khăn, thăng trầm không thể đong đếm. Bộ trưởng cho rằng, những tháng cuối năm 2019 cực kỳ căng thẳng vì mục tiêu đạt 18 triệu lượt khách quốc tế. Việc đạt được 1,8 triệu lượt khách quốc tế mỗi tháng trong 2 tháng liên tiếp là con số khủng khiếp. Đến hết tháng 9.2019 tôi vẫn không dám mong đạt được 18 triệu lượt mà chỉ nghĩ tới con số 17,5 triệu lượt khách quốc tế cả năm 2019.
Phân tích tốc độ tăng trưởng của Du lịch Việt Nam thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá đó là Câu chuyện thần kỳ. Chỉ trong 3 năm (từ 2016- 2018) Việt Nam tăng gấp đôi lượng khách quốc tế, từ 8 triệu lên gần 16 triệu. Nếu năm 2020, Du lịch Việt Nam đạt 20,5 triệu lượt khách quốc tế, có nghĩa là chúng ta đã đạt hơn cả mục tiêu cao nhất đã đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (đón 17- 20 triệu lượt khách quốc tế năm 2020). Có được những thành tựu này, ngoài sự phấn đấu của ngành Du lịch còn có sự đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương; của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và toàn thể xã hội. Quan trọng nhất là sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ. Và tất cả những gì chúng ta làm thời gian qua là làm vì đất nước này, với một cái tâm trong sáng.
Bộ trưởng cũng đề nghị toàn ngành Du lịch có những nỗ lực lớn hơn nữa để đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2020, hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ giao và sớm đón 20 triệu lượt khách quốc tế đến.
Theo Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất