19/12/2019 07:38 GMT+7 | Dạo quanh nước Đức
(giaidauscholar.com) - Năm 2020 tới sẽ tròn 250 năm ngày sinh Ludwig van Beethoven (17/12/1770 – 26/3/1827). Và, cả thế giới đang lên kế hoạch tôn vinh nhà soạn nhạc thiên tài người Đức với hàng loạt dự án lớn nhỏ.
Nếu có ai đi vòng quanh thế giới vào năm 2020, hẳn họ sẽ có thể nghe toàn bộ sáng tác của Ludwig van Beethoven. Từ New York đến Thượng Hải, từ Sao Paulo đến Cape Town, từ Moskva tới Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Ấn Độ, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn các tác phẩm tứ tấu đàn dây, các bản soạn cho piano, violin và đặc biệt là 9 bản giao hưởng của ông.
Từ Đông sang Tây
Ludwig van Beethoven sinh ra ở Bonn (Đức) và sống ở đây 22 năm trước khi chuyển sang Vienna (Áo) sống phần đời còn lại. Và, tại 2 quốc gia này, nhiều cuộc triển lãm đặc biệt được sẽ được tổ chức để vinh danh ông.
Tại thành phố quê hương Bonn của Beethoven, Hiệp hội Beethoven Jubilee đã khởi xướng một số dự án lớn và đang tài trợ cho khoảng 300 người sống tại đây tham gia chơi nhạc Beethoven.
“Chúng tôi hợp tác với nhiều tổ chức và nghệ sĩ quốc tế” - Giám đốc nghệ thuật Malte Broecker của Hiệp hội nói - "Với Hiệp hội Philharmonic Hoàng gia Anh và Liên hoan Nghệ thuật Trình diễn Thượng Hải, chúng tôi đã ủy quyền cho nhà soạn nhạc Tan Dun của Trung Quốc sáng tác một tác phẩm từ Bản giao hưởng số 9”.
Tan Dun dự kiến sẽ biểu diễn tại Beethovenfest ở Bonn vào mùa Thu năm 2020, trong đó ông trình diễn Bản giao hưởng số 9 của Beethoven và tác phẩm của riêng mình mang tên The Nine.
Bên cạnh đó, các bảo tàng về Beethoven ở Bonn và Vienna, cũng như nhiều kho lưu trữ và thư viện quốc gia ở châu Âu và Mỹ, đang lên kế hoạch đưa các bản thảo viết tay và thư của nhà soạn nhạc đến với công chúng. Trong khi đó, nhiều đài phát thanh và truyền hình bao gồm BBC, Radio France, Arte và Westdeutscher Rundfunk của Đức có kế hoạch phát các bản audio và video từ kho lưu trữ của mình.
Biểu diễn tất cả 9 bản giao hưởng…
Điểm qua màn trình diễn của các dàn nhạc hàng đầu, có thể thấy Bản giao hưởng số 9 là tác phẩm được trình diễn thường xuyên nhất trong năm kỷ niệm của Beethoven. Bản nhạc này được sáng tác khi Beethoven đã hoàn toàn bị điếc và được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Ngoài bản nhạc này, các dàn nhạc nổi tiếng ở Paris, Chicago, Tokyo, Sao Paulo và Hong Kong (Trung Quốc) đã có kế hoạch biểu diễn tất cả 9 bản giao hưởng của Beethoven. Nhạc trưởng ngôi sao người Hy Lạp, Teodor Currentzis, và dàn nhạc Musica Aeterna từ thành phố Perm của Nga cũng sẽ có chuyến lưu diễn, biểu diễn các sáng tác của Beethoven ở Vienna, Salzburg và tại Bonn.
Tại Mỹ, dàn nhạc Giao hưởng Chicago với nhạc trưởng Riccardo Muti cũng có kế hoạch trình diễn các bản sonata soạn cho piano của Beethoven cũng như các bản giao hưởng của ông.
Tại Paris những người yêu thích âm nhạc có thể thưởng thức toàn bộ các bản nhạc thính phòng và bản concerto độc tấu của Beethoven với các nhạc trưởng nổi tiếng thế giới, bao gồm Daniel Barenboim, Philippe Jordan và Vienna Philharmonic và Sir Simon Rattle với Dàn nhạc Giao hưởng London. Tại San Francisco, Bắc Kinh, London và Hamburg, khán giả có thể chờ đón Anne-Sophie Mutter và Lambert Orkis trình diễn những bản sonata soạn cho violin nổi tiếng nhất của ông.
Chưa kể, Moskva đã tổ chức một liên hoan dành riêng cho cả Beethoven và Pyotr Tchaikovsky, nhà soạn nhạc người Nga (sẽ tròn 180 năm ngày sinh vào năm 2020). Liên hoan bắt đầu vào ngày 22/2/2020 tại thính phòng hòa nhạc Zaryadye mới của Moskva.
Trong khi đó, liên hoan dàn nhạc “Ladies versus Beethoven” được tổ chức tại Thính phòng Stockholm Konserthuset (Thụy Điển), trình diễn 9 bản giao hưởng của Beethoven cùng những tác phẩm của các nhà soạn nữ nổi tiếng.
“Tất cả đàn ông đều trở thành anh em"
Một “ điểm sáng” trong các chương trình này là dự án của nghệ sĩ Mỹ Marin Alsop, Giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Baltimore và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Sao Paulo. Bà sẽ tới 5 châu lục để chỉ huy màn diễn Bản giao hưởng số 9 cùng các dàn nhạc ở New Zeeland, Mỹ, Brazil, Anh, Áo, Australia và Nam Phi.
Đáng nói, trong dự án, ở mỗi màn trình diễn, đoạn điệp khúc cuối cùng, khúc Ode to Joy, sẽ được hát bằng ngôn ngữ địa phương tương ứng. Riêng tại Sydney, người dân bản địa sẽ trình bày âm nhạc truyền thống của họ như một phần của buổi biểu diễn. Loạt hòa nhạc này được kết thúc bằng màn diễn tại Thính phòng Carnegie ở New York vào tháng 12/2020, với sự tham gia của 250 ca sĩ từ khắp thành phố và các nghệ sĩ khách mời thuộc nhiều thể loại khác nhau.
Chưa hết, mạng lưới viện văn hóa toàn cầu của Đức, Viện Goethe, đang khảo sát những yếu tố phi châu Âu trong các tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức. Thực tế, Beethoven được cho là đã rất quan tâm đến những âm thanh “kỳ lạ” từ châu Á và phương Đông được đưa đến châu Âu trong thời kỳ cai trị thuộc địa.
Theo dự án, các Viện Goethe ở Ấn Độ và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ tổ chức để trình diễn Bản giao hưởng số 7 của Beethoven với các nhạc cụ truyền thống của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Như nhiều người nhận xét, các dự án triển khai khắp thế giới sẽ quy tụ những người yêu thích âm nhạc của Beethoven, cũng như những người chia sẻ các giá trị tự do và tình anh em – điều mà nhà soạn nhạc này đã đưa vào bản Ode to Joy (Khải hoàn ca) trong chương cuối của Bản giao hưởng số 9: “Tất cả đàn ông đều trở thành anh em".
Tại Iran, nhạc sĩ Mahdis Kashani đã sáng tác các bài hát cho giọng ca và piano theo phong cách âm nhạc của tập liên khúc An die ferne Geliebte (Gửi người yêu phương xa) của Beethoven. Thêm nữa, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Iraq sẽ chơi đều đặn bản anh hùng ca vĩ đại Egmont Overture của Beethoven trong năm 2020, theo một dự án hợp tác với Đức.
Beethoven với môi trường Ngoài ra, vì Beethoven yêu thiên nhiên và cuộc sống nông thôn, Hiệp hội Beethoven Jubilee Bonn cũng khởi xướng Dự án Mục vụ (Pastoral Project) cùng Ban Thư ký về khí hậu của Liên hiệp quốc (có trụ sở tại Bonn.) “Trong Bản giao hưởng số 6, còn được gọi là Bản giao hưởng Mục vụ, Beethoven phản ánh mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Trong thời kì của biến đổi khí hậu ngày nay, chúng ta cần xem xét mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Đó là một vấn đề ảnh hưởng đến toàn thế giới” - Elvin Ruic, Giám đốc dự án cho biết. Tại dự án, nhiều chuyên gia quốc tế được mời khảo sát các tư tưởng này trong âm nhạc của Beethoven. Trong khi đó, mạng lưới truyền thông Deutsche Welle chuẩn bị trình chiếu một bộ phim tài liệu về dự án này nhân Ngày môi trường thế giới, ngày 5/6/2020. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất