Các dòng tranh dân gian trứ danh hội tụ đón Xuân ở phố cổ Hà Nội

29/01/2016 22:48 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Chiều ngày 29/1, tại Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ) đã khai mạc triển lãm tranh dân gian “Nét xuân – di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam”.

Đây là sự kiện do Bảo tàng gốm sứ tư nhân Hà Nội phối hợp cùng Ban quản lý phố cổ tổ chức để đón xuân Bính Thân 2016. Triển lãm diễn ra từ 29/1 tới 16/2 (mùng 7 tết Nguyên đán), với hơn 200 tranh dân gian và hiện vật thuộc các dòng tranh dân gian nổi tiếng của nước ta trải khắp ba miền Bắc – Trung – Nam: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, làng Sình, tranh Kiếng Nam Bộ….


Lễ cắt băng khai mạc triển lãm

Tranh dân gian Đông Hồ là dòng tranh dân gian quen thuộc với người dân Bắc Bộ mang tính biểu trưng, trang trí nhưng vẫn giữ được những nét mộc mạc gần gũi. Các bức tranh ghi lại tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống đời thường cũng như các mối quan hệ xã hội ở nông thôn Bắc Bộ. Đây là một trong những dạng tư liệu lưu giữ lại những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Chọi trâu (tranh Đông Hồ)

Thày đồ Cóc (tranh Đông Hồ)

Các bức tranh Đông Hồ như Mẹ con lợn, Đám cưới chuột, Thày đồ Cóc, Chọi trâu… vốn đã vô cùng quen thuộc với khán giả. Ra đời từ khoảng thế kỷ 16, 17, dòng tranh này là nghề truyền thống của làng Đông Hồ (Bắc Ninh) và được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào năm 2012.


Một số bức tranh Đông Hồ trưng bày ở triển lãm.

Tranh Hàng Trống xưa kia được làm ra chủ yếu để phục vụ thị hiếu nghệ thuật của tầng lớp thị dân, quý tộc Thăng Long. Tranh hàng Trống có hai loại tranh chính đó là: tranh thờ và tranh Tết. Tranh thờ dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng phục vụ đền phủ của Đạo giáo, Đạo Mẫu. Tranh Tết có nhiều đề tài như chúc phúc, tứ quý... 

Tranh Hàng Trống là dòng tranh dân gian nổi bật tại Hà Nội và có thời kỳ phát triển cực thịnh vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đây là dòng tranh sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, dùng màu thuốc nước và tô bằng bút lông. Hiện tại, dòng tranh này chỉ còn một xưởng vẽ của dòng họ nghệ nhân Lê Đình Liệu ở phố Cửa Đông, với trên 50 khuôn ván in còn giữ được.

Nghệ nhân tranh hàng Trống – Lê Đình Nghiên chia sẻ “Khác với tranh Đông Hồ, tranh hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ. Nếu như các bức tranh Đông Hồ được in từ các bản khắc gỗ thì tranh hàng Trống có những tác phẩm phải vẽ tay từ những nét đầu tiên”.

Mẹ con (tranh Hàng Trống)

Ngũ hổ (tranh Hàng Trống)


"Cô Bơ"


"Đức thánh Trần Hưng Đạo"


Có rất nhiều tác phẩm tranh hàng Trống khác được trung bày ở triển lãm.

Tranh dân gian làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, thành phố Huế, là dòng tranh thờ theo các tín ngưỡng cổ. Tranh Sình chỉ có một ván in nét lấy hình và các máng đen, in đen và đôi khi có điểm xuyết những vạch màu. 

Điểm khác biệt của tranh làng Sình với các dòng tranh Đông Hồ, hàng Trống, Kim Hoàng đó là tranh làng Sình được dùng để thờ cúng, cúng xong sẽ đốt. Duy nhất chỉ có bức tranh “Tượng Bà” là được thờ suốt một năm, sang năm sau mới thay tranh mới.

Tranh lợn Kim Hoàng (được phục chế từ bản khắc còn lưu giữ)

Một số bức tranh Kim Hoàng được phục chế theo tranh tư liệu của Pháp



Tố nữ (tranh làng Sình)

Táo quân (tranh làng Sình)

Tranh Đồ Thế Nam Bộ xuất hiện ở nhiều nơi thuộc miền Trung và Nam bộ cũng là tranh thờ cúng giống như tranh làng Sình nhưng thường là những bức tranh nhỏ, chỉ tin trên nền giấy đỏ với những đường nét mộc mạc, tạo hình đơn giản. Hình in trên tranh chủ yếu là hình các vị thần, đồ dùng của thần 12 con giáp. Tranh chủ yếu được người dân mua về để cúng giải hạn, cúng cho người bệnh, sau khi cúng sẽ đốt.

Tại triển lãm có trưng bày khá nhiều các bản khắc gỗ của tranh làng Sình và tranh Đồ Thế Nam Bộ. Tuy nhiên, dưới các bản khắc gỗ có ký hiệu khuyến nghị khách tham quan không chụp ảnh nên chúng tôi xin phép không đưa hình ảnh.

Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (Hoài Đức – Hà Nội) được hình thành vào nửa sau thế kỷ 18. Thời đó, người dân nơi đây nhận thấy rằng tranh Đông Hồ và tranh hàng Trống không phù hợp lắm về gu thẩm mỹ và túi tiền. Bởi vậy, tranh Kim Hoàng được ra đời từ đây. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy sau đó sẽ tùy ý sáng tạo, tự do chấm phá tạo nên những tác phẩm khác nhau. Mỗi bức tranh lại có những nét đẹp rất riêng. Đây là một trong những điểm được yêu thích nhất của tranh Kim Hoàng.

Hiện nay, tranh Kim Hoàng chỉ còn lại một vài bức tranh, trong đó có những bức in trong tài liệu xuất bản của người Pháp.


Tranh Kim Hoàng “Gà” , “Lợn”phục chế theo mẫu của Pháp

Tranh kiếng Nam Bộ có mặt ở cung đình Huế từ thời Nguyễn, đó là các sản phẩm mỹ nghệ ký kiểu đặt hàng, nhập khẩu. Phải đến thế kỷ 20, dòng tranh kiếng Nam bộ - dòng tranh kiếng chợ lớn mới ra đời. 

Tranh kiếng khá đa dạng: Tranh thờ tổ tiên, tranh Thần, Phật, tranh cảnh vật trang trí nội thất, tranh chúc tụng... đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và mĩ thuật của công chúng khắp vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, tranh kiếng ngày nay đang mất dần sự quan tâm của đông đảo người dân, cần có những biện pháp để bảo tồn.

Một bức tranh Kiếng tại Gò Công, vẽ cách đây gần 100 năm

Một bức tranh Kiếng của đồng bào Khơ me, vẽ các ngôi chùa.


Tranh kiếng Bát Tiên


Tranh kiếng Bao Công – Ngũ hổ tướng quân – Thiên cửu nương nương


Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem.

Triển lãm “Nét xuân – di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam” sẽ kết thúc vào ngày 16/2/2016.

Sơn Tùng - Mỹ Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm