01/03/2021 07:53 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cộng thêm quãng thời gian gần 2 tuần phải học online do dịch Covid-19, kể từ ngày hôm nay, học sinh các cấp học trên nhiều tỉnh, thành cả nước bắt đầu quay trở lại trường, tiếp tục học kỳ thứ 2 của năm học 2020 - 2021. Riêng học sinh ở thủ đô Hà Nội, ngày trở lại trường bắt đầu từ ngày mai, 2/3/2021.
Quyết định cho các em quay trở lại trường học từ đầu tháng 3 này khiến cho nhiều gia đình “vỡ òa” niềm vui. Các em học sinh chắc hẳn cũng rất sung sướng vì lại được gặp mặt bạn bè, thầy cô trên lớp, được tham gia các hoạt động vui chơi bên ngoài, thay vì phải học online như trong thời gian qua.
Mừng thì mừng thật, nhưng không phải là không còn những băn khoăn, lo lắng. Bởi nói gì thì nói, cho dù chúng ta đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh thì cũng không thể nói rằng học sinh đã đi học trở lại tức là mọi việc đã được an toàn. Vẫn còn rất nhiều việc phải bắt tay vào làm.
Cho dù là các phương tiện truyền thông hàng ngày vẫn liên tục nhắc nhở việc thực hiện “thông điệp 5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) nhưng đối với các em học sinh - nhất là bậc tiểu học, để làm đúng cũng không hề đơn giản.
Chúng ta đều biết rằng, lứa tuổi của các em đang là “tuổi ăn, tuổi chơi”, việc phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, khi học trên lớp… không dễ chịu chút nào cả. Ở vào lứa tuổi này, chuyện nhiều khi ham vui, nhớ nhớ quên quên, mải chơi để khẩu trang bị tuột hoặc bị rơi mất là chuyện rất bình thường.
Tôi nhớ con trai tôi những năm học tiểu học cũng không ít lần đeo khăn quàng đỏ đi học, vậy mà mải chơi rơi mất lúc nào cũng không hay. Huống hồ là khẩu trang. Chưa vội bàn đến việc sử dụng khẩu trang đúng cách, việc tạo cho các em thói quen luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, kể cả những khi không có dịch bệnh cũng là nên làm. Tất nhiên để có thói quen tốt này không thể ngày một ngày hai, rất cần sự bảo ban, nhắc nhở hàng ngày từ phía gia đình và các thầy cô giáo.
Điều khiến cho nhiều người lo lắng, đó chính là việc đưa, đón học sinh tại các điểm trường, nhất là trên địa bàn các khu vực đông dân cư, trên các tuyến phố chính trong các thành phố. Tình trạng người đưa, người đón, các loại phương tiện giao thông chật cứng trước cổng trường, khi chưa có dịch bệnh xảy ra đã là một vấn đề nan giải, nay lại đang dịch bệnh thế này thì quả thật khó có thể chấp nhận, vừa không đảm bảo việc phòng chống dịch, vừa ảnh hưởng đến giao thông trên địa bàn.
Với các gia đình không có điều kiện đưa, đón con đi học, các em học sinh tự đi đến trường thì lại có nỗi lo khác. Quãng đường từ trường về nhà nhiều khi gặp chuyện gì đó là các cháu lại tụ tập, tụm 5 túm 3, xúm vào xem, nhiều lần như thế thành ra cái tật tụ tập, la cà. Để tránh những chuyện này, có lẽ các gia đình cần phải hướng dẫn cho các cháu học thêm những kỹ năng sống cần thiết, hiểu được thế nào là “đi đến nơi, về đến chốn”. Đó cũng là tuân thủ “thông điệp 5K” (Khoảng cách - Không tập trung).
Nếu chúng ta so sánh với những gì đã diễn ra trong năm “Covid thứ nhất”, cùng thời điểm học sinh quay trở lại trường sau quãng thời gian học trực tuyến thì sẽ nhận thấy những thay đổi. Nhìn diễn biến của dịch bệnh năm “Covid thứ hai”, chúng ta thấy virus đã biến đổi, tốc độ lây lan nhanh hơn. Thêm vào đó, trong khoảng thời gian gần đây trong nước vẫn xuất hiện những ca mắc mới mà phần lớn là tại Hải Dương.
Chính vì vậy, việc trở lại “bình thường mới” lần này cũng không thể chủ quan, nhất là với các trường học. Vẫn cần phải có sự cẩn thận hơn, chu đáo hơn và tuyệt đối không được coi thường, lơ là.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất