Đạo diễn, nhà quay phim Phạm Việt Thanh, cũng là người bạn đời của NSND Lê Khanh cho rằng, trong một xã hội phát triển, hội nhập, đàn ông thời nay phải nên rửa bát, quét nhà, nấu ăn cùng vợ.
“Ở nhà tôi được phong là người rửa bát xuất sắc nhất đấy. Bát tôi rửa thường rất sạch và kĩ”, Phạm Việt Thanh tếu táo nói.
Sợ gì mà không đi chợ…
Đàn ông làm việc nhà không chỉ là đỡ đần sức lao động cho vợ mà còn là cách giữ lửa cho tình yêu. Vợ chồng nếu không biết dựa vào nhau, chung lưng đấu cật từ những công việc nhỏ nhặt hàng ngày thì hôn nhân sẽ rất nhạt.
Tôi có một người bạn, cả hai vợ chồng họ đều rất thành đạt, giàu có. Cả ngày đi làm vật vã, tối về họ gần như chỉ chạm tay vào nhau để ngủ. Ngày tháng trôi đi, họ lao đầu vào xã hội sôi động khiến tình yêu chỉ như trong tiềm thức.
Một cặp khác khá thân với vợ chồng tôi, cũng rất thành đạt, ở biệt thự lớn, nhà có hẳn 2 người giúp việc. Sau đêm Giao thừa vừa rồi, ông chồng gọi điện cho tôi than thở, vợ ốm, mẹ già đi ngủ sớm, cúng Giao thừa xong không biết hóa vàng ở đâu. Hết lang thang trong sân, ngoài vườn anh không thể tìm được chỗ để hóa vàng. Tôi bảo, anh cứ ra sân, tìm chỗ nào sạch, thoáng mà hóa.
Đốt xong vàng mã, anh ta nói rất cô đơn. Hóa ra một việc làm cỏn con như thế mà người đàn ông tài giỏi, xông xáo ngoài đời kia cũng lúng túng, mới thấm thía nhận ra vai trò quan trọng của vợ.
Cũng Tết vừa rồi, một người bạn gọi cho tôi khóc nức nở vì quá cảm động. Bình thường chồng chị - chủ tịch hội đồng quản trị một công ty lớn, rất hiếm khi quan tâm đến cái “xó bếp”. Nhưng sáng mùng một Tết, vợ xuống nhà bếp, phát hiện thấy chồng đã đi chợ mua thực phẩm bày sẵn ở đó, rất đầy đủ, y như lúc vợ đi chợ vậy. Cách quan tâm bất ngờ này khiến chị bật khóc.
Thế đó, một niềm vui nho nhỏ mà người đang ông mang lại cho vợ, đôi khi chỉ là một lần xách làn ra chợ cũng làm thi vị thêm cuộc sống gia đình.
Trong gia đình, chồng làm việc vợ, vợ làm việc chồng cũng có cái hay của nó. Đàn ông và đàn bà phải biết sống dựa vào nhau. Dù đàn ông là trụ cột trong nhà thì đàn bà cũng phải là nơi để đàn ông tựa vào.
Sướng, khổ lúc vợ vắng nhà…
Những ngày vợ vắng nhà là khoảng thời gian tôi cực kì thoải mái, tự do một cách hoàn toàn. Lúc đó những sinh hoạt riêng của mình không bị ai can thiệp, tự do đọc sách, tự do xem phim, tự do lôi bạn bè đến nhà nhậu…
Bình thường có vợ ở nhà, người tôi lúc nào cũng sạch sẽ thơm tho, vắng vợ gọi bạn đến nhà nhậu, tôi hay nói vui là đến nhậu cho bớt mùi thơm.
Bố con tôi hay gọi đùa Khanh là “ngài đại tá” hay “cảnh sát trưởng”. Giờ giấc sinh hoạt của bố con được mẹ định vị rất chuẩn. Giờ thì không ai quản lý mình, thấy sướng cái đã, nhưng rồi cũng chỉ được trong chốc lát.
Tôi sợ nhất là thời gian 1 tiếng đồng hồ trước khi ngủ dậy và thời gian 1 tiếng đồ hồ trước khi đi ngủ.
Bình thường, buổi sáng vợ tôi dậy rất sớm, cho cá ăn, dọn dẹp, chuẩn bị cho con đi học… đến 7h có khi mới quay vào giường với chồng.
Buổi tối, sau bữa cơm, bố con tôi mỗi người một việc. Đền giờ đi ngủ, vợ vào phòng, nói một câu nhẹ nhàng, con đi ngủ rồi anh ạ!
Bao nhiêu năm tôi chỉ biết có thế. Tôi nghĩ việc nhà có gì đâu mà phức tạp.
Khanh đi công tác, bữa đầu tiên, theo thói quen tôi dậy… đúng giờ. Điều này khiến con đi học muộn, đồng phục mặc không đúng, rối tinh rối mù.
Buổi tối, bố con tôi vẫn có thói quen có người “đôn đốc, nhắc nhở”, giờ tự do thì ngoài 12h đêm vẫn chưa ai ngủ, sinh hoạt cứ loạn cào cào cả lên.
Lúc đó tôi mới nhận thấy, hóa ra 1 giờ trước khi dậy và 1 giờ sau khi ăn tối không đơn giản như mình vẫn nghĩ. Chỉ khi vắng vợ mới thấy nó quan trọng như thế nào. Nó là sự nền nếp trong gia đình mà vai trò của người vợ rất quan trọng.
Lấy được người vợ đảm đang, người đàn ông cảm thấy một cuộc đời đáng sống…
Theo Gia đình và Xã hội