23/11/2015 13:25 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Mỗi cuốn sách khi ra đời đều có số phận của riêng nó, mà đôi khi tác giả không thể can thiệp được. Câu chuyện tên sách cũng nằm trong chuỗi số phận như thế.
Người đi học ai cũng biết danh tác Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Nhưng trước khi định danh Chí Phèo, tác phẩm này còn có tên Đôi lứa xứng đôi, Cái lò gạch cũ. Nói thế để thấy, một cuốn sách đôi khi phải trải qua nhiều cái tên ngoài chủ ý ban đầu của tác giả.Sách trong nước: 1.001 lý do đổi tên tựa sách
Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh trước khi đoạt giải thưởng năm 1991 của Hội Nhà văn Việt Nam, xuất hiện với cái tên Thân phận tình yêu. Vào thời điểm này, các loại truyện diễm tình xuất hiện khá nhiều trong thị trường sách.
Do vậy, nhiều người tin rằng, Nỗi buồn chiến tranh cũng phải mang cái tên khác để không “lạc nhịp với chị em” trên cùng kệ sách.
Xin nói thêm, những năm cuối 1980, đầu 1990, truyện diễm tình được giới đầu nậu sách đặt hàng các cây bút chế tác khá nhanh để đáp ứng cho người đọc. Một vài tác giả còn viết theo công thức: coi phim tâm lý tình cảm của Đài Loan, Hong Kong rồi viết lại theo truyện phim và những tình tiết trong phim.
Thời đó, phương tiện nghe nhìn còn chưa phổ biết, nên người đọc loại truyện này kể như cũng được xem phim tình cảm lâm ly vậy.
Chính vì yếu tố thị trường có tính quyết định, nên khi nhà văn Đoàn Thạch Biền cho tái bản lại truyện Tình nhỏ làm sao quên, đầu nậu sách đã đổi tên thành một cái tên rất “ướt át”: Long lanh lệ thầm. Kỳ thực, Tình nhỏ làm sao quên không hề có “lệ thầm long lanh” nào hết nhưng tác giả phải chiều theo ý người bỏ tiền làm sách vì theo họ cái tên Long lanh lệ thầm mới bán được sách trong trào lưu tìm đọc truyện diễm tình khi ấy.
Đặt tên sách không chỉ để hút người đọc trong bối cảnh thị trường chung, mà còn để dễ xin giấy phép xuất bản. Khoảng cuối những năm 1980, nhà văn Đ.H có tác phẩm Vượt biên. Mặc dù đất nước vừa đổi mới nhưng hai từ “vượt biên” vẫn còn là điều tế nhị. Để tác phẩm của mình được mau chóng cấp phép xuất bản, nhà văn Đ.H đã chủ động đổi Vượt biên thành Vượt biển, chỉ thêm vào một “dấu hỏi” thì tình thế đổi khác ngay.
Tất nhiên, tên cuốn sách không thể làm cho tác phẩm sống lâu với thời gian nếu nội dung không thuyết phục người đọc, cũng như những cái tên mỹ miều không thể làm cho nhan sắc của người đàn bà đẹp hơn những gì tạo hóa đã ban. Vượt biển đến nay đã chìm vào vô vàn những cuốn sách được viết ra để chỉ đọc một đôi lần.
Sách dịch: tùy dịch giả và ngôn ngữ gốc
Nêu trên là vài mẩu chuyện đặt tên sách của tác giả trong nước, còn với sách dịch sang tiếng Việt, tên sách phụ thuộc rất nhiều vào dịch giả. Chẳng hạn, tác phẩm Bác sĩ Zhivago nổi tiếng của nhà văn Nga từng đoạt giải Nobel Pasternak, đa phần các dịch giả đều dịch như vậy. Thế nhưng, dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu qua bản dịch của ông in tại Sài Gòn 1974 lại có tên Vĩnh biệt tình em. Bộ phim Bác sĩ Zhivago chiếu khi đó tại Sài Gòn cũng có tên Vĩnh biệt tình em như tên của Nguyễn Hữu Hiệu đặt cho sách mình dịch.
Nói thêm, cách đây vài năm, khi phim Johnny English chiếu tại Việt Nam, nhà phát hành phim này đã lấy tên nhân vật Điệp viên không không thấy của nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa đặt cho phim này.
Có lẽ diễn viên chính trong Johnny English là danh hài “Mr. Bean” nên nhà phát hành đã “sáng tạo” biến tên phim thành Điệp viên không không thấy nhưng quên xin ý kiến của cha đẻ cái tên này là Lê Văn Nghĩa.
Tên sách dịch còn phụ thuộc vào ngôn ngữ gốc mà dịch giả tiếp cận. Tiếng chim hót trong bụi mận gai của nữ nhà văn Colleen McCullough được nhiều người Việt tìm đọc, nhưng dịch giả Trung Dũng, tức nhà báo Chánh Trinh, lại dịch thành Những con chim ẩn mình chờ chết. Lý do có hai tên khác nhau này vì ngôn ngữ gốc mà các dịch giả tiếp cận khác nhau.
Nhà báo Trần Trọng Thức với bút danh Yên Mynh, khi biên tập Những con chim ẩn mình chờ chết do NXB Trẻ in năm 1988 được dịch từ tiếng Pháp, cho biết: “Người Pháp vốn có cách ví von giàu tính lãng mạn, vì thế tựa của ấn bản tiếng Pháp rất phù hợp với nội dung tác phẩm này. Bản tiếng Nga có tựa dịch nghĩa là Tiếng chim hót trong bụi mận gai.
Như vậy, cả bản tiếng Nga và bản tiếng Pháp đều không dịch sát tựa nguyên bản The Thorn Birds - nghĩa là loài chim huyền thoại mà nhà thơ Phạm Thiên Thư đã đưa vào bài thơ Đưa em tìm động hoa vàng với hai câu “Chim ơi chết dưới cội hoa, tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà…” - cảm hứng từ bài thơ đó đã khiến dịch giả Trung Dũng và biên tập viên nhất trí chọn tựa Những con chim ẩn mình chờ chết”.
Chuyện đặt tên sách như thế nào là câu chuyện dài nhưng quan trọng nhất vẫn là nội dung để cuốn sách đó “sống lâu” trong lòng người đọc.
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất