Cùng nghe khăn đội đầu 'kể chuyện' (kỳ 2): Khăn kể chuyện tình yêu lứa đôi

20/07/2022 20:13 GMT+7 | Văn hoá

Chiếc khăn đội đầu không chỉ là nét điểm xuyết trên gương mặt của người dân mình, mà đằng sau còn ẩn chứa những câu chuyện riêng mà chắc hẳn nhiều người trong chúng ta chưa biết tới.

Cùng nghe khăn đội đầu 'kể chuyện' (kỳ 1): Tại sao lại là 'khăn mỏ quạ'?

Cùng nghe khăn đội đầu 'kể chuyện' (kỳ 1): Tại sao lại là 'khăn mỏ quạ'?

Khăn đội đầu còn ẩn chứa trong nó hàm nghĩa sâu xa và nếp sinh hoạt bình dị, cũng như sự cẩn thận, cầu toàn và ý nhị của người dùng.

Có thể là câu chuyện về mối tình với những lời hẹn ước, là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, là lòng thành kính với gia đình chồng... Chiếc khăn piêu của người Thái, chiếc khăn trắng của người Mường sẽ thay đồng bào mình kể những câu chuyện cho mọi người nghe.

Bên cạnh làm đẹp thêm cho nhan sắc người đội khăn, đằng sau những chiếc khăn đội đầu còn ẩn chứa những niềm tin, ước vọng về tình yêu lứa đôi.

Thêu khăn chuẩn bị lấy chồng

Để tiếp nối những câu chuyện, dòng sông Đà sẽ đưa ta tới thăm 2 trong những dân tộc thiểu số ở phía Bắc, để lắng nghe những đồng bào nơi đây họ mượn chiếc khăn đội đầu, kể về tập tục, tâm sự về mong ước gửi gắm vào đó của dân tộc mình.

Dòng sông Đà chảy qua tỉnh Sơn La, ta bất chợt phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên với vẻ sặc sỡ của chiếc khăn piêu mà những em thiếu nữ người Thái tuổi mới 15, 16 đang tự tay thêu nên. Hỏi người dân ở đây thì được biết các em đang thêu khăn để chuẩn bị đi lấy chồng.

Tập tục ở đây lạ thật đấy, lạ nên mới gợi cho người khách lần đầu ghé xứ sở hoa ban trắng sự tò mò chẳng đứt. Không giống cảnh tượng ta thường thấy - gia đình nhà chồng trao cho con dâu vàng bạc, đồ trang sức trong ngày đại hỷ - ở đây, cảnh các cô gái Thái lại tặng lễ vật - chiếc khăn piêu cho nhà chồng khi mới về làm dâu. Tự tay mình dày công thêu nên một chiếc khăn đẹp mắt cũng thể hiện lòng thành của người con dâu với gia đình mới của mình.

Trước khi nên duyên vợ chồng, khăn còn là tín vật biểu tượng cho tình yêu đôi lứa. Vào những dịp lễ hội, chàng trai ném còn mà cô gái mình thích không bắt được, nếu người con gái cũng rung động trước anh chàng kia, thì phải đem khăn piêu ra tặng cho anh. Khăn piêu lại từ đấy mà trở thành cái cớ cho 2 người làm quen, rồi hẹn hò.

Chú thích ảnh
Cô gái người Thái đang thêu khăn piêu

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người phụ nữ Thái cũng đội khăn, chứ chẳng riêng những dịp đặc biệt, bởi khăn giúp giữ ấm đầu trong những ngày Đông lạnh giá, rồi lại che nắng trong những ngày Hè nóng bức nơi núi cao.

Tôi cũng lấy làm lạ, tại sao một chiếc khăn đội lên đầu trông có vẻ dày sụ như vậy không khiến người đội cảm thấy nóng hay sao, mà họ vẫn có thể đội được vào mùa Hè?

Khăn piêu có thể đội vào cả mùa Đông lẫn mùa Hè là vì nó được cắt từ những sải vải trắng dệt từ sợi bông, có bề mặt mịn màng. Sau đó khăn được nhuộm chàm để tạo nên màu đen. Bước tiếp theo sẽ giúp khăn bền màu và có màu sắc lý tưởng, khăn sẽ được nhúng vào nước vỏ cây hoa ban hoặc nước củ nâu. Sau khi vải được phơi khô, người ta mới bắt đầu thêu lên 2 đầu khăn những hoa văn rực rỡ. Thêu khăn là công đoạn quan trọng nhất, chiếc khăn có đạt đến độ hoàn mỹ hay không, tay nghề của cô gái Thái ấy có tài hoa hay không phụ thuộc chủ yếu ở công đoạn này.

So với những loại khăn khác, ta có thể thấy khăn piêu cầu kỳ hơn cả về màu sắc, hoạt tiết, lẫn các công đoạn. Hoàn thiện một chiếc khăn là quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, tâm huyết từ đôi bàn tay của người phụ nữ Thái. Và quá trình học thêu một chiếc khăn là quá trình mẹ truyền dạy lại cho con gái, người đi trước truyền lại cho người đi sau cách dệt vải làm khăn, cách thêu thùa, nét đẹp, bản sắc của dân tộc mình, để rồi sau này người con gái ấy lại tiếp tục truyền thụ lại cho thế hệ kế tiếp; là quá trình trưởng thành cả về nhận thức lẫn rèn luyện bàn tay khéo léo của người con gái Thái.

Hoàn thành được một chiếc khăn cầu kỳ như vậy cũng phải mất 2 đến 4 tuần. Chỉ thêu trên chiếc khăn là sự kết hợp giữa gam màu nóng với gam màu lạnh, chúng không tương phản, đối chọi lẫn nhau, mà rất bắt mắt, hài hòa với nhau, như thể tái hiện lại bức tranh đầy tính trừu tượng về phong cảnh nhiều màu sắc nơi rẻo cao Tây Bắc. Gam màu nóng thể hiện qua màu đỏ rực của mặt trời chiếu xuống nương lúa chín màu vàng óng phía dưới, gam màu lạnh thể hiện qua màu xanh lá tượng trưng cho núi rừng Tây Bắc bạt ngàn, màu trắng quyện với màu hồng, thoảng đâu đây là hương hoa thơm tỏa khắp không gian này. Cả thiên nhiên như hiện ra trước mắt qua một chiếc khăn với chiều dài khoảng 150cm.

Chiếc khăn trắng của sự trong trắng, thủy chung

Vừa ngắm cảnh thiên nhiên, vừa xuôi dòng Đà Giang theo hướng Đông Nam, chợt nghe đâu đấy vang lên một hồi dài “Pồng pênh pênh, pồng pênh pồng”. Mải ngắm cảnh núi non trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau, ta mới bất ngờ khi nhận ra rằng mình đã về tới tỉnh Hòa Bình rồi. Không lẫn vào đâu được, cái tiếng cồng chiêng như đang đón chào người khách ở xa tới chơi.

Chú thích ảnh
Phụ nữ người Mường đội khăn trắng đánh cồng chiêng

Đến đây, ta đắm mình vào thứ âm thanh đặc trưng nơi trung du Bắc Bộ. Và rồi từ đó mọi giác quan lại đổ dồn vào sự chú ý đếno “Con gái đi sau xách cồng/ Đến Mường đánh lên hồi trống cái/ Cồng bảy cồng mười lên tiếng cho giòn/ Cồng cái cồng con kêu cho rộn” (sử thi Đẻ đất đẻ nước). Những cô gái người Mường ở cái độ xuân sắc bước thành hàng nối nhau, một tay cầm dùi, một tay cầm cồng chiêng, đánh lên thành từng hồi. Âm thanh tiếng cồng chiêng rộn ràng dường như hay hơn, thu hút người ta hơn là nhờ vẻ đẹp tràn đầy thanh xuân của những cô gái người Mường, và cũng nhờ chiếc khăn trắng đội trên đầu tô điểm cho nét duyên dáng của các nàng.

Nhìn ngắm chiếc khăn xinh xinh ấy một hồi, tôi lại thắc mắc, sao chiếc khăn mang một màu trắng muốt trông có vẻ tang thương quá? Đằng sau chiếc khăn ấy ẩn chứa câu chuyện buồn nào thì phải?

Màu trắng trông có vẻ tang thương ấy muốn kể ta nghe câu chuyện tình lãng mạn mà đầy bi ai của một đôi trai tài gái sắc người Mường Dậm yêu nhau nhưng không đến được với nhau, chàng trai cường tráng, mồ côi cha mẹ từ nhỏ tên Khỏe và cô gái xinh đẹp, con nhà Lang giàu có tên Út Dô. Vì cách biệt về thân phận, nhà Lang đã không chấp thuận cho mối tình này. Dẫu bị ngăn cấm, Khỏe vẫn quyết tâm xin được lấy Út Dô làm vợ. Lang vẫn chẳng đành gả con gái cho một kẻ nghèo, nên lão đã ra hẹn, nếu Khỏe bắt được cặp hổ dữ hóa thành tinh trong dãy Hông Đung chuyên đi quấy nhiễu dân lành về làm lễ cưới, thì mới đồng ý gả con gái cho. Khỏe không màng nguy hiểm mà chấp nhận lời thách của lão ta. Trước lúc chia ly, ở bên bờ suối, Khỏe đã xé một mảnh áo để lau nước mắt cho người yêu, rồi vội vã lên đường. Nhưng nào ai biết lần ấy lại chính là lần cuối họ được gặp nhau, chàng Khỏe xấu số đã hy sinh thân mình trong lúc chiến đấu với 2 con hổ tinh dưới vực sâu ở núi Khu Zạng.

Sau khi chàng hy sinh, nàng Út Dô không ngày nào là không ra bờ suối, nơi 2 người chia tay để ngóng trông người tình quay trở về. Út Dô lấy mảnh vải trắng chàng Khỏe trao lại, cứ mỗi lần nàng khỏa mảnh vải xuống dòng suối, hình bóng của Khỏe lại hiện về trước mắt nàng. Vào một đêm trăng sáng nọ, nàng đã ra đi theo tiếng gọi của tình yêu, thân thể nàng hóa thành cây trlăng nở hoa trắng dọc 2 bên suối.

Nếu nói đội trên trán chiếc khăn trắng là tưởng nhớ về một mối tình tuyệt vọng, thì dường như ta đang tự tay nhuốm lên màu trắng tinh khôi, thuần khiết của chiếc khăn ấy nét sầu bi. Mà màu trắng của chiếc khăn cũng như màu trắng của những bông trlăng là biểu tượng cho sự trong trắng, chung thủy, một lòng với người yêu của người con gái Mường. Đồng thời cũng thể hiện những khát vọng hạnh phúc tình yêu lứa đôi trọn vẹn, rất đời thường, giản dị mà lại thật đáng quý của người Mường.

Câu chuyện chiếc khăn này vừa kể gợi trong ta những dòng cảm xúc bồi hồi, xúc động, ta vừa cảm thấy xót xa, lại vừa cảm thấy ngưỡng mộ trước lòng son sắt của nàng Út Dô và lòng quyết tâm, không sợ hiểm nguy để có được người mình yêu của chàng Khỏe. Bởi vậy nên đã bao nhiêu tháng năm trôi qua, chiếc khăn đã cùng biết bao thế hệ người phụ nữ Mường lớn lên, câu chuyện tình lãng mạn đầy cảm động ngày nào vẫn còn vẹn nguyên giá trị, vẫn sáng lên những ước vọng thiêng liêng, cao cả về một tình yêu đôi lứa.

Câu chuyện cũng đã được kể xong rồi, có lẽ phải nói lời tạ từ ở đây để đi tiếp vào miền Trung. Trước lúc rời đi, có cô gái Mường nào đã vô tình khỏa chiếc khăn xuống làn nước Đà Giang thì phải. Sao tôi thấy dòng sông bỗng trữ tình đến lạ, như thể đang muốn níu chân người khách ở lại thêm một chút để ngắm nhìn chiếc khăn trắng tinh khôi ấy thêm một lúc, để thưởng thức âm thanh cồng chiêng nơi núi rừng thêm một lúc.

“Con gái đi sau xách cồng/ Đến Mường đánh lên hồi trống cái/ Cồng bảy cồng mười lên tiếng cho giòn/ Cồng cái cồng con kêu cho rộn” (sử thi Đẻ đất đẻ nước)

(Còn tiếp)

Nguyễn Phúc Nam Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm