23/01/2018 07:07 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Để ghi dấu 100 năm ra đời của nghệ thuật cải lương (1918 - 2018), đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh đang khởi động một phim chiếu rạp, dự kiến công chiếu trong năm 2018. Đó là phim Gạo chợ nước sông phóng tác từ truyện ngắn Cuối mùa nhan sắc của Nguyễn Ngọc Tư, do Nguyễn Thị Minh Ngọc và Huỳnh Tuấn Anh cùng chắp bút kịch bản.
Theo sách Hồi ký 50 năm mê hát của Vương Hồng Sển thì vở cải lương đầu tiên của chúng ta là Gia Long tẩu quốc, do Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh) và Trương Duy Toản sáng tác. Vở này công diễn ngày ngày 16/11/1918 tại Nhà hát Tây Sài Gòn (tức Nhà hát thành phố ngày nay), tính đến nay đúng 100 năm.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Huỳnh Tuấn Anh về đề tài mà anh đã ấp ủ 4 năm qua.
Không làm phim tài liệu về cải lương
* Sau phim Lô tô khá thành công, anh vừa đóng máy phim Bình tĩnh mà yêu - chưa kịp công chiếu - nay lại khởi động thêm phim về cải lương. Vì sao cải lương lại đột ngột thu hút anh đến như vậy?
- Thật ra dự án kế này đã được tôi và ê-kíp chuẩn bị từ trước đó khá lâu, nhưng thời điểm chưa thích hợp nên phải hoãn lại. Tôi là người tin vào câu chuyện “thiên địa nhân”, vì 2018 là năm đánh dấu nghệ thuật cải lương 100 năm, lại được sự ủng hộ của nhà đầu tư nên đẩy nhanh việc thực hiện.
Dự án được The Ocean Company của diễn viên Phi Ngọc Ánh sản xuất. Ánh là một nghệ sĩ có lòng với cải lương, nên muốn dự án đầu tiên của công ty cũng làm về cải lương. Những người trẻ nặng lòng với nghệ thuật truyền thống như Ánh hiện nay quả thật cũng hiếm thấy. Tôi thật sự cảm ơn sự đồng cảm và đồng hành của Ánh.
* Đề tài về cải lương trong điện ảnh không mới, nhưng Gạo chợ nước sông lại là một câu chuyện làm nhân dịp 100 năm cải lương, nghe rất có tính lịch sử, tài liệu. Anh sẽ làm thế nào?
- Khó có một tác phẩm nào làm hài lòng tất cả công chúng, nên tôi chỉ biết làm hết sức để có được càng nhiều người xem càng tốt. Cải lương là một chất liệu vừa đẹp vừa khó, hơn nữa, Gạo chợ nước sông không phải là phim tài liệu về lịch sử cải lương. Chúng tôi chỉ mượn câu chuyện về thân phận nghề nghiệp của những đào kép và những “kịch giả tình thật” để nói về thân phận người nghệ sĩ khi đi giữa lằn ranh ảo và thực, giữa cơm áo gạo tiền và nghiệp dĩ, giữa lương tri và những yêu ghét thường tình.
* Hiện nay cải lương đang là một điều gì đó vừa quen vừa lạ với khán giả trẻ, anh có tham vọng biến Gạo chợ nước sông thành một cầu nối cho tình yêu với cải lương?
- Chúng tôi làm phim thương mại, nên sứ mệnh cao nhất là làm sao nhiều khán giả hôm nay chịu đến rạp mua vé. Tôi cũng biết rằng để lôi cuốn họ xem những điều đang dần xưa cũ như cải lương là một thử thách lớn. Do vậy, phim không dám nói nhiều về những điều to tát, chỉ mong nhiều khán giả trả đếp rạp và sau khi rời khỏi rạp thì hiểu hơn một chút về nghệ thuật dân tộc. Nói cách khác, phim phải làm sao cho câu chuyện thật gần gũi, để khán giả trẻ thấy được mình trong đó, nhưng sẽ không sa đà vào sự câu khách bằng gây cười rẻ rúng.
Hồi hộp chờ NSƯT Hữu Châu tham gia
* Chuyển thể từ những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư chưa bao giờ dễ dàng cả. Anh gặp khó khăn gì khi chuyển thể và ý kiến của tác giả ra sao?
- Bởi khó như vậy nên tôi chỉ xin phép tác giả được dừng lại ở mức độ phóng tác. Truyện chị Tư nhìn có vẻ nhỏ nhắn nhưng sức khái quát lại rất lớn. Một truyện ngắn thường thiếu rất nhiều dữ kiện cho một phim dài 90 phút, nên tôi và nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã phải tính toán kỹ lưỡng sao cho vừa giữ được hồn cốt tác phẩm gốc, vừa có sự bung phá, bay bổng của điện ảnh.
* Cải lương có một đời sống đặc thù, mà đỉnh cao là những gánh hát ở thập niên 1970 của thế kỷ, bây giờ hầu như không còn nhiều phim tư liệu. Anh sẽ dựa vào đâu để tái hiện lại không khí?
- Ngoài những tư liệu đối chiếu, tôi may mắn được gặp một số chứng nhân đã đi cùng những thăng trầm của cải lương. Tôi cất công đi tìm lại những cô chú trong các gánh hát từ thời điểm đó. Nhặt nhạnh từng mẩu chuyện rất bình thường của chú kéo màn, cô làm đồ hội (trang phục), cô nấu ăn…, nói chung những con người làm những việc không tên phía sau cánh gà. Hậu trường cải lương sẽ là một nét chính của phim này.
* Làm về cải lương sẽ không chỉ có những người trẻ vào vai, mà chắc chắn phải có những gương mặt gạo cội. Ai sẽ được đón chờ nhỉ?
- Tôi có xin phép mời anh Hữu Châu tham gia, vì gia đình anh có truyền thống và bề dày về cải lương. Tôi cũng đã đánh tiếng mời nhiều nghệ sĩ gạo cội khác. Tôi vẫn đang hồi hộp chờ anh Hữu Châu và mọi người hồi âm.
* Chúc anh thành công với dự án mới này.
Từ sân khấu sang phim Huỳnh Tuấn Anh sinh tại Hà Tiên, học sư phạm, tốt nghiệp năm 2004. Trước khi được biết đến với vai trò đạo diễn phim, anh từng là biên kịch và đạo diễn sân khấu. Ở lĩnh vực điện ảnh, Huỳnh Tuấn Anh từng là đạo diễn các phim Đời cho ta bao lần đôi mươi, Lô tô, Bình tĩnh mà yêu... |
Như Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất