20/06/2019 18:58 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Dù được viết bởi những học giả của “mẫu quốc”, với góc nhìn tất yếu chịu sự chi phối của tư tưởng thuộc địa, vậy nhưng hai cuốn sách này vẫn không thể phủ nhận bản sắc, cũng như nhân phẩm của người Việt trong giai đoạn Pháp thuộc.
Cuối tuần trước, bản dịch hai tác phẩm Hội kín xứ An Nam (NXB Hội Nhà văn, 2019) của Georges Coulet và Tâm lý dân tộc An Nam (NXB Hội Nhà văn, 2019) của Paul Giran đã chính thức ra mắt. Đây là lần đầu tiên hai cuốn sách độc đáo này được xuất bản và phát hành tại Việt Nam.
Lạ lùng “tâm lý dân tộc An Nam”
Sách Psychologie du Peuple Annamite xuất bản năm 1904, mà mục đích chính là viết để phục vụ công cuộc thực dân của họ trên đất An Nam. Bản tiếng Việt có tên Tâm lý dân tộc An Nam, do Phan Tín Dụng dịch.
Paul Giran cho rằng: “Để cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi tìm hiểu, phải biết rõ, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ”. Thế nhưng sau 115 năm (1904-2019), giờ đọc lại sách này, người Việt hiện tại lại có thêm một công cụ để hiểu về quá khứ của dân tộc mình từ một góc nhìn khác biệt.
Các nguyên lý tiếp cận của Paul Giran là: 1) Để khám phá những sức mạnh sâu kín của đời sống cộng đồng hoặc riêng tư; 2) Rút ra các nguyên tắc tối thượng chi phối việc thành lập các thiết chế xã hội hoặc chính trị; 3) phân tích mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đã định hình nên lịch sử và sự tiến hóa của nó. Trong sách, Paul Giran khảo nhiều vấn đề, trong đó có ngôn ngữ, chữ viết, văn chương, kịch nghệ…, trong tương quan với nền tảng chủng tộc và môi trường, để qua đó chỉ ra tâm lý một dân tộc.
Ví dụ một nhận xét về trí tuệ dân gian: “Một thể loại mà sự súc tích có vẻ phù hợp nhất với thiên khiếu ngôn ngữ của họ, hơn nữa đó còn là loại đã cào bằng thiên hướng tự nhiên ở người An Nam, để tối đa hóa hành vi và tình yêu của họ bằng các khuôn khổ định sẵn, ban phát cho suy nghĩ và mong muốn: đó là tục ngữ. Những câu tục ngữ xuất hiện rất nhiều ở An Nam, chúng ở nơi cửa miệng, được treo trên cửa và tường nhà”.
Sau khi nghiên cứu tâm lý dân tộc An Nam, Paul Giran đưa ta khuyến cáo: “Phải tôn trọng tính toàn vẹn của tổ chức xã hội; không được chạm vào cả niềm tin cũng như luật pháp, kể cả bộ máy hành chánh, hay phong tục bản xứ”. Tất nhiên, độc giả đều hiểu thực tế đã không diễn ra như vậy.
Những anh hùng theo khuynh hướng lãng mạn
Hội kín xứ An Nam là cuốn sách khởi nguồn từ các cuộc khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp ở khắp Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong số đó, phải kể tới sự kiện 1913 ở Chợ Lớn của Phan Xích Long và vụ Khám Lớn Sài Gòn năm 1916. Người Pháp không tin sự đồng bộ khởi nghĩa này là do tự phát, nên nhờ tiến sĩ Georges Coulet (dạy ở Trường Pétrus Ký, Sài Gòn) tìm hiểu lý do thật sự.
Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, Georges Coulet cho biết các cuộc khởi nghĩa của người An Nam có sự sắp xếp và tổ chức rất tinh vi của các hội kín. Một phần kết quả tìm hiểu này được viết thành cuốn Les Sociétés secrètes en terre d'Annam, xuất bản lần đầu năm 1926. Bản tiếng Việt có tên Hội kín xứ An Nam, do Nguyễn Thanh Xuân và Phan Tín Dụng dịch. Bản tiếng Việt này không phải là bản dịch đầu tiên, nhưng là bản lần đầu tiên xuất bản và phát hành rộng rãi tại Việt Nam.
Sách có những chương đặc biệt như Thầy phủ thủy trong hội kín, Những biểu tượng tĩnh, Vai trò của phép thuật trong hội kín, Lý tưởng đạo đức, Các nhà sư và chùa của họ, Vai trò của tôn giáo trong hội kín, Tính liên đới vật chất, Tương trợ giáo dục… Khảo công phu, khách quan những điều này để cắt nghĩa cho thấy vì sao người An Nam có sự lạc quan về chiến thắng khi đối diện với các kẻ thù xâm lược. Mặt khác, đó là câu trả lời hợp lý cho một câu hỏi: vì sao giai đoạn đầu chống Pháp tại An Nam có nhiều anh hùng theo khuynh hướng lãng mạn cách mạng - mà Phan Xích Long là một trong những ví dụ tiêu biểu.
Trong phần dẫn nhập, Georges Coulet nhận định: “Nói tóm lại, luôn có sự khởi nghĩa trong xã hội An Nam, vì ở đó luôn có các hội kín, cả dưới sự cai trị của chính phủ bản địa, lẫn chính quyền Pháp. […] Tất cả hội kín trên đất An Nam đều bao hàm yếu tố: 1) Phép thuật qua các biểu tượng; 2) Tín ngưỡng qua các nghi lễ và điều lệ; 3) Đời thường bởi tổ chức thực tế. Sự kết hợp mật thiết của ba yếu tố này tạo nên một tổng thể hài hòa và một thực thể xã hội mạnh mẽ, sống động”.
Hai cuốn sách thuộc Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn Sử Việt do Omega Plus thực hiện, với nỗ lực dịch, chú giải các tác phẩm tiêu biểu nghiên cứu về Việt Nam được viết bằng tiếng Pháp của các học giả Pháp hoặc Việt Nam. Giai đoạn 1 tủ sách này đã xuất bản gần 15 tác phẩm. |
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất