29/04/2018 19:42 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ngày 29/4, Festival Huế 2018 tiếp tục có các chương trình hoạt động, khẳng định là nơi hội tụ, giao lưu và tỏa sáng.
Hoành tráng chương trình nghệ thuật Âm vọng Sông Hương
Lần đầu tiên trong suốt 10 kỳ đã và đang diễn ra, Âm vọng sông Hương là chương trình nghệ thuật được đón đợi nhất, bởi thực hiện trên một sân khấu chìm (khoảng 20cm so với mặt nước) trên sông Hương với quy mô lớn nhất và phức tạp nhất. Phần chỉ đạo nội dung do ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; tác giả kịch bản đồng thời là Tổng đạo diễn là nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
Âm vọng sông Hương là câu chuyện kể về một vòng đời của người dân sông nước Huế... Từ khi họ yêu nhau, cưới nhau, sinh con, đến khi con trưởng thành, nối tiếp cha ông làm nghề trên sông nước; đời này kết thúc, lại mở ra một vòng đời khác, thế hệ khác. Cứ thế, vòng đời của người dân nối nhau như dòng chảy dòng sông, ôm lấy Huế, bảo vệ Huế, xây dựng Huế, giữ gìn Huế, che chở và bao bọc Huế.
Chương trình Âm vọng sông Hương có sự tham gia đông đảo của hàng trăm diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên; kết hợp với những làn điệu âm nhạc, dân ca Huế, những hình ảnh chân thật, tự nhiên của cảnh vật trên sông nước, những tiếng mái chèo, hò reo của những lũ trẻ, tiếng chuông vọng từ những ngôi chùa, tiếng ồn ào của những khu chợ đầm phá, tiếng cô đơn trong vắt trên con thuyền thúng chơi vơi của các cô gái đi tìm người tình trong đêm trăng, tiếng sáo day dứt lang thang nối nhịp tim yêu.
Tất cả được dựng lên như bức tranh thủy mặc về cảnh quan sông nước, về chân dung, về một góc làng chài nhỏ, một cây đa, giếng nước, sân đình cùng với tình yêu, cuộc sống, lao động chài lưới của người dân Huế; vừa giản dị và sâu lắng, mượt mà và chân thực, mộc mạc và ấn tượng đi vào trong sâu thẳm của tinh thần Huế. Âm vọng sông Hương gợi mở và níu kéo niềm thương nhớ, chan chứa yêu thương của tình người dân xứ Huế, lấp lánh trong cõi nhớ, trong cõi tâm, trong cõi tình một Huế bản sắc, một Huế chầm chậm đi, chầm chậm nhớ, chầm chậm hát, chầm chậm yêu, chầm chậm theo thời gian trôi…
Đây là chương trình được dàn dựng công phu, mới lạ, mang đậm chất Huế được thực hiện tại Festival Huế 2018 và cũng là chương trình mà người dân xứ Huế tham gia đông đảo nhất bằng chính cuộc sống tình cảm và công việc của họ. Thông qua chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè quốc tế về Thừa Thiên - Huế - một vùng đất không chỉ có chiều dày về những di tích lịch sử, văn hóa mà còn là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên sông, đầm phá, nhiều giá trị, hình ảnh đẹp về cuộc sống chân thật của những người dân sông nước. Âm vọng sông Hương cũng là chương trình để dành tặng cho Huế, cho những ai yêu Huế, cho một vùng đất xứng đáng để tôn vinh, tri ân và tự hào.
Đa "Sắc màu văn hóa" các quốc gia
Tại Festival Huế 2018, Lễ hội đường phố với "Sắc màu văn hóa" vào 16h các ngày từ 28/4-1/5 diễn ra trên các tuyến đường chính của thành phố Huế. Đây là một trong những chương trình chính nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2018, với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài và trong nước như: Thái Lan, Nhật Bản, Ba Lan, Mông Cổ, Slovakia và Liên đoàn xiếc Việt Nam, Đoàn nghệ thuật Ca múa nhạc Việt Bắc, Đoàn nghệ thuật cồng chiêng Đắk Lắk… Đặc biệt, Đoàn cà kheo "De Steltenlopers van Merchtem" của Vương quốc Bỉ mang đến lễ hội không khí rộn ràng, thu hút sự chú ý, theo dõi của công chúng và du khách.
Ngày 29/4, Lễ hội đường phố với "Sắc màu văn hóa" xuất phát từ rạp chiếu bóng Hưng Đạo, qua các phố Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu. Trên lộ trình quảng diễn, các đoàn nghệ thuật có thời gian dừng lại và chọn vị trí rộng nhất thay phiên nhau biểu diễn.
Những màn biểu diễn của các nghệ sỹ đến từ Thái Lan, Nga, nhất là màn biểu diễn cà kheo của các nghệ sỹ đến từ nước Bỉ cùng với màn biểu diễn lân sư rồng của Thái Nghi Đường được công chúng hò reo, cổ vũ nhiệt tình làm cho buổi biểu diễn thêm phần phấn khích. Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2018, các màn trình diễn trên đường phố đã tạo nên một không khí sôi động ở vùng đất Cố đô, với sự đa dạng màu sắc văn hóa, cộng hưởng giữa tài năng trình diễn của các nghệ sĩ, cùng với sự cổ vũ đầy hào hứng, nhiệt tình của người dân và du khách. Đây cũng là sự kiện văn hóa có ý nghĩa lớn, một trong những chương trình chính, đặc sắc của Festival Huế 2018. Lễ hội này góp phần tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung khẳng định đúng như mục đích đặt ra ban đầu: "Festival Huế lần thứ X là sự kế thừa, khẳng định thành công của các kỳ Festival trước đây. Festival là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia, góp phần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế. Đặc biệt, Festival Huế đã góp phần giới thiệu quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế trong tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế".
Hơn 15.000 người nghe nhạc Trịnh Công Sơn dưới trời mưa
Lắng đọng, xúc cảm đêm nhạc Trịnh Công Sơn trên đất Cố đô vào tối 28/4 là có khoảng hơn 15.000 người nghe nhạc Trịnh Công Sơn dưới trời mưa. Đêm nhạc diễn ra trước công viên Phu Văn Lâu (thành phố Huế), là một trong những chương trình chính của Festival Huế 2018; đồng thời là đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đánh dấu 17 năm ngày mất của cố nhạc sĩ.
"Biết đâu nguồn cội" là chủ đề của đêm nhạc - chính là tìm về cội nguồn, trở về với xứ Huế, vùng đất nơi nhạc sĩ đã viết bài hát đầu tiên và rất nhiều ca khúc tuyệt vời khác. Với chủ đề này, đêm nhạc hướng về quê hương, thân phận và tình yêu… Tất cả được gói gọn đầy đủ nhất trong một chữ: "Thiền".
Tính tiếp nối của các thế hệ yêu mến nhạc Trịnh cũng được thể hiện trong chương trình có hơn 20 ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ tài hoa, với phần tham gia biểu diễn của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện như: Hồng Nhung, Lệ Quyên, Ngọc Mai, Đức Tuấn, Lân Nhã, Tấn Sơn, Saxophonists Trần Mạnh Tuấn, An Trần, Phi Phi... Trong chương trình này, nhạc Trịnh không chỉ thể hiện qua lời ca, khí nhạc mà còn được thể hiện qua ngôn ngữ múa.
Lúc sinh thời, cố nhạc sĩ đã có ước mong sao cho người Huế được nghe nhạc miễn phí. Vì vậy, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phát miễn phí vé cho người dân Huế có điều kiện được thưởng thức những lời ca nhạc Trịnh, được cùng sống lại những năm tháng mà cố nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác ra những bài ca bất hủ. Khán giả đã được hòa mình vào những ca từ bất hủ của "Diễm xưa", "Hạ trắng", "Mưa hồng", "Phôi pha", "Một cõi đi về", "Ru ta ngậm ngùi"...
Về cuối chương trình, bầu trời Huế bỗng mưa nặng hạt, nhưng điều đó không giảm được sức hút của đêm nhạc. Mọi người vẫn "đội mưa" theo dõi và sau đó tất cả đã cùng nhau nắm tay hát vang ca khúc "Nối vòng tay lớn"” dưới mưa. Nhiều khác giả dù tuổi đã cao vẫn nhờ con cháu đưa đến đêm nhạc, với tất cả niềm say mê, ngưỡng vọng, dù trời mưa vẫn không thể nào bỏ cuộc chơi.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ: "Gia đình chúng tôi rất cảm ơn Huế đã ưu ái dành cho anh tôi một con đường (tên ông đã được đặt tên cho một con đường ở Huế) và bây giờ, trên con đường đó, những bài ca của anh tôi lại được cất lên. Mong sao khán giả sẽ mãi ủng hộ cố nhạc sĩ..."
Quốc Việt (Tin tức/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất