07/12/2017 11:34 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam, từ câu chuyện "cải tiến chữ Quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền, có thể thấy tiếng Việt đã được người dân và giới chuyên môn quan tâm trở lại.
Nhưng quan tâm theo kiểu “xoáy sâu những chỉ trích” vào một ý tưởng thiếu tính khả thi sẽ chẳng thể góp phần giữ gìn bản sắc, chuẩn hóa và phát triển tiếng Việt. Hơn bao giờ hết, theo ông, rất cần phải có Luật Ngôn ngữ và văn tự, đồng thời cần phải có cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này
Vừa bảo vệ chủ quyền, vừa giữ gìn bản sắc tiếng Việt
GS Nguyễn Minh Thuyết nhớ lại, năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn rất khốc liệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến dự và phát biểu ý kiến tại hội nghị đầu tiên bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài phát biểu của ông được coi là ý kiến chỉ đạo mở đầu cuộc vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Đến năm 1980, giữa lúc chúng ta đang phải nỗ lực khắc phục những hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại triệu tập Hội nghị thứ ha về vấn đề này.
Cho đến những ngày cuối đời, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa Phạm Văn Đồng vẫn đau đáu về điều ấy. Một năm trước khi mất (1998), ông mời GS.TS Đỗ Hữu Châu (Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), PGS.TSKH Lý Toàn Thắng (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) và GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG HN) tới cùng trao đổi đánh giá kết quả cuộc vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bàn việc tiếp tục cuộc vận động ấy với phương hướng giữ gìn bản sắc, chuẩn hóa và phát triển tiếng Việt. Ông tâm sự: “Đây là mối quan tâm cuối cùng của tôi.” Sau mấy ngày trao đổi với các chuyên gia, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng có bài viết trên báo Nhân dân về vấn đề này. Đó cũng là bài báo cuối cùng của ông.
“Mỗi lần đất nước phải đương đầu với những thử thách vô cùng to lớn để bảo vệ độc lập chủ quyền, vì sao Thủ tướng Chính phủ lại triệu tập một hội nghị bàn về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Và vì sao cho đến những ngày cuối đời, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn quan tâm sâu sắc đến vấn đề này?”, GS Nguyễn Minh Thuyết đặt câu hỏi.
Rồi ông tự trả lời: “Tiếng Việt là của cải vô cùng lâu đời và quý báu mà tổ tiên và các thế hệ cha ông đã vượt qua mọi thách thức nghiệt ngã của lịch sử, giữ gìn, bồi đắp và truyền lại đến ngày nay. Nó là yếu tố hết sức quan trọng và bền vững của văn hóa, thể hiện bản sắc, trình độ phát triển của dân tộc, đồng thời là biểu tượng sức mạnh quật cường của dân tộc Việt Nam ta".
"Thử hỏi, nếu không có một lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh quật cường thì làm sao tổ tiên ta, cha ông ta có thể kháng cự được chính sách đồng hóa của các thế lực hùng mạnh, đầy dã tâm đã đô hộ nước ta trong lịch sử, đặc biệt là trong gần 1000 năm đô hộ của phong kiến Trung Hoa, để giữ gìn, phát triển tiếng Việt, trao lại cho chúng ta?" – GS Thuyết nói – "Bởi vậy, trước mỗi bước ngoặt của lịch sử, chúng ta càng cần dựa chắc vào văn hóa dân tộc làm động lực vượt qua thử thách để phát triển”.
Một đòi hỏi của thực tế
Những năm gần đây, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, vấn đề quan tâm và giữ gìn bản sắc của tiếng Việt xem chừng bị lơi lỏng. Bởi vậy, nhiều hiện tượng lộn xộn xảy ra. Ví dụ, chúng ta có từ ngữ dân tộc nhưng không dùng mà tùy tiện vay mượn từ ngữ nước ngoài. Do vậy, biển quảng cáo thì trái Luật Quảng cáo, để chữ nước ngoài to hơn chữ Việt, thậm chí chỉ có chữ nước ngoài. Lỗi chính tả, ngữ pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều. Trên truyền hình và các diễn đàn quốc gia, mỗi người phát âm các từ viết tắt một kiểu mà thường là không đúng.
"Rất nhiều người vô tư đọc MH370 là “Mờ Hát 370”, đọc “G7” là “Gờ 7”, trong khi GDP lại đọc là “Giê Đê Pê”… Còn trên mạng, các bạn trẻ thả cửa dùng tiếng lóng" – GS nói – "Đành rằng tiếng lóng là một loại biến thể đặc thù có thể chấp nhận được, nhưng với sự lơi lỏng mối quan tâm đến tiếng Việt, tiếng lóng có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Trước đây trong xã hội có những “người thợ ngôn ngữ” tinh xảo, những “người gác đền ngôn ngữ” nghiêm cẩn như nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Xuân Diệu, nhà báo Quang Đạm,… rất chú ý nêu gương viết đúng, viết hay và góp ý, sửa sai những cách diễn đạt chưa chuẩn mực trên báo chí, xuất bản phẩm. Nhưng lâu nay, chẳng còn mấy ai làm công việc này nữa.”
GS Nguyễn Minh Thuyết lưu ý là ở nước ta hiện nay không có cơ quan nào được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về ngôn ngữ và chữ viết. Các quy định của Bộ GD&ĐT về chính tả chỉ liên quan đến chương trình, SGK phổ thông; không nói ngoài xã hội mà ngay ở bậc đại học cũng không ai thực hiện những quy định này.
Theo lời ông, từ ngày còn tham gia Quốc hội, GS Thuyết và nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị xây dựng Luật Ngôn ngữ và văn tự. Luật này, theo ông, không đưa ra những quy định về chính tả, từ vựng hay ngữ pháp mà quy định chính sách của Nhà nước về ngôn ngữ và chữ viết quốc gia, về ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam, về ngoại ngữ và phải chỉ định một cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Những quy định cụ thể về chính tả, từ vựng, ngữ pháp sẽ do các cơ quan được giao nhiệm vụ đảm nhiệm.
GS Thuyết dẫn chứng: “Ở Trung Quốc, người ta giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, cụ thể là Viện Ngôn ngữ học, hằng tháng xuất bản một cuốn sách quy định về phiên âm những từ ngữ tiếng nước ngoài mới xuất hiện để làm mẫu cho các nhà xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng và người dân tuân theo. Ở Việt Nam cũng có đầy đủ các cơ quan tương tự nhưng không cơ quan nào được giao nhiệm vụ quản lý và tham mưu trong lĩnh vực này.".
Đừng mải chạy theo kinh tế mà “bỏ rơi” ngôn ngữ “Việc thay đổi chữ viết quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ. Trước khi các cơ quan quản lý nhà nước cấp cao xem xét thì phải xin ý kiến các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân, tốt nhất là tổ chức trưng cầu ý dân. Giữ gìn bản sắc, chuẩn hóa và phát triển ngôn ngữ dân tộc là công việc rất quan trọng nhưng có lẽ do chúng ta mải lo kinh tế nên chưa coi trọng" – GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét. |
(Kỳ 3: Nhìn từ kinh nghiệm của vài nước châu Á)
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất