18/12/2017 19:23 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Xung quanh vấn đề “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, bên cạnh đề xuất xây dựng Luật Ngôn ngữ Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng đưa ra ý kiến cần phải có chính sách chặt chẽ cho ngôn ngữ (trong đó bao gồm tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài). Nhưng hiện thực hóa như thế nào không phải chuyện dễ.
Thực ra, việc xây dựng những chính sách dành cho ngôn ngữ không phải đến bây giờ mới được các chuyên gia hay toàn xã hội quan tâm. Từ cách đây hơn nửa thế kỷ, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm đưa đến hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Đưa tiếng Việt từ vị trí “bị trị” sang vị trí mới
Tiếng Việt bắt đầu bước lên vị trí ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức kể từ sau Cách mạng tháng Tám. Nhìn chung, chính sách ngôn ngữ đó đến nay "gói gọn" và chia làm 3 phạm vi: tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và tiếng ngoại ngữ.
Những chính sách đối với tiếng Việt tập trung vào mục tiêu cụ thể như sau: khẳng định vị thế của tiếng Việt với vai trò ngôn ngữ chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; phát triển tiếng Việt. Vị thế ngôn ngữ quốc gia của tiếng Việt được thể hiện rõ qua nội dung quy định trong các bản Hiến pháp từ năm 1945 đến nay, các sắc lệnh, quyết định của Đảng và Nhà nước với những chỉ thị đảm bảo tính bắt buộc và thuận tiện cho người dân học chữ quốc ngữ. Năm 1991, Luật Phổ cập Giáo dục lần đầu tiên quy định “Giáo dục tiểu học được thực hiện bằng tiếng Việt”.
Ngay khi cuộc chiến thống nhất đất nước đang diễn ra ác liệt, Nhà nước tổ chức 2 cuộc vận động nhằm phát triển tiếng Việt là Cải tiến chữ quốc ngữ (1960) và Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (1966). Năm 1979, Cuộc vận động chuẩn hóa tiếng Việt đã đưa đến kết quả là những quy định của Bộ Giáo dục về chính tả và thuật ngữ tiếng Việt.
Ngoài ra, để bảo vệ và uốn nắn cách sử dụng tiếng Việt, Chính phủ đã quy định cách sử dụng ngôn ngữ trong hoạt động quảng cáo, phim, băng đĩa, các hoạt động văn hóa trong những nghị định hướng dẫn chi tiết. Việc dạy tiếng Việt cho người dân tộc, người nước ngoài cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư thông qua thành lập các Khoa tiếng Việt và chương trình dạy tiếng Việt mang tính đại chúng.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đạt, phó Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ học (ĐHQG HN) cho rằng, Đảng và Nhà nước đã thành công khi đưa tiếng Việt từ vị trí “bị trị” sang vị trí mới với những chủ trương, đường lối đúng đắn và ngày càng cụ thể hóa hơn.
"Đáp án" nào cho "bài toán" chính sách ngôn ngữ?
Tuy nhiên, cũng theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đạt, hạn chế của chính sách ngôn ngữ của nước ta là thiếu đi một Luật Ngôn ngữ, đồng thời có một số chủ trương chưa thật sự đúng với tinh thần chuẩn hóa, đề cao vai trò của tiếng Việt. “Chẳng hạn, khi phong chức danh PGS hay GS, chúng ta quá nhấn mạnh đến việc kiểm tra ngoại ngữ nhưng lại không hề có mục nào kiểm tra tiếng Việt. Thành thử, có những vị đạt danh hiệu PGS hay GS nhưng tiếng Việt lại rất yếu” - PGS-TS Nguyễn Hữu Đạt dẫn chứng.
Vấn đề “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, kéo theo những ý kiến đa chiều về chính sách ngôn ngữ. Được quan tâm nhất là chính sách đối với cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ, bộ phận đang được quy kết nhiều nhất trong vấn đề ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Theo PGS-TS Phạm Văn Hảo (Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống), “biệt ngữ” của giới trẻ có mặt tích cực và cả tiêu cực, phụ thuộc vào mức độ sử dụng và môi trường sử dụng, không thể ngăn cấm việc sử dụng nó. Tuy nhiên theo ông, khó có thể làm chính sách riêng cho ngôn ngữ giới trẻ mà thay vào đó, nên tập trung vào các phương pháp tuyên truyền, giảng dạy, định hướng. Ví dụ như việc biên tập ngôn ngữ cẩn thận ở các báo, tạp chí dành cho giới trẻ.
Đồng quan điểm đánh giá về “biệt ngữ” giới trẻ, PGS-TS Nguyễn Lân Trung (Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) cho rằng ngôn ngữ cũng phải phát triển để phù hợp với xu thế tiến bộ của xã hội.
“Đúng là trên thực tế có những tầng lớp công chúng nhất định sử dụng ngôn ngữ không chuẩn mực, phóng tác, làm mất đi một phần sự chính xác, bản sắc tiếng Việt và phải ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng có những ngôn ngữ do giới trẻ sử dụng dần được chấp nhận và trở thành một bộ phận của ngôn ngữ Việt Nam. Sự chấp nhận của xã hội là thước đo lớn nhất”.
Trong xu thế chung ấy, theo PGS-TS Nguyễn Lân Trung các nhà ngôn ngữ học sẽ đóng vai trò kiểm duyệt, tư vấn xã hội về cách sử dụng ngôn ngữ đồng thời quan trọng nhất là phải dự đoán được xu hướng để có biện pháp uốn nắn, phản ứng.
Đóng góp ý kiến về chính sách dành cho ngôn ngữ các dân tộc PGS-TS Đoàn Văn Phúc (Viện Ngôn ngữ học) cho rằng: “Trong hiến pháp đã có quy định đảm bảo quyền tự do sử dụng tiếng mẹ đẻ rồi, thì tới đây chúng ta cần có những biện pháp thống nhất chữ viết mỗi dân tộc và quy định về phạm vi giao tiếp. Cần xây dựng bảng chữ cái, chữ viết cho các dân tộc đáp ứng nhu cầu thực tế, giảng dạy để họ hiểu và viết được tiếng mẹ đẻ của mình. Tránh để tình trạng chữ viết dân tộc lộn xộn, mỗi nơi quy định 1 kiểu như hiện nay. Và chữ viết các dân tộc nên có sự gần gũi để người dân tộc này dễ học tiếng dân tộc kia. Ngoài ra, cũng cần quy định phạm vi giao tiếp tiếng dân tộc cho phù hợp, căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử và cảnh huống ngôn ngữ".
Kỳ 10 &hết: Đôi điều đọng lại
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất