10/09/2021 10:44 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ứng xử thanh lịch, văn minh luôn được người dân và các cơ quan quản lý ở Hà Nội coi trọng trong bất kỳ giai đoạn nào, nhất là hiện nay, khi thành phố đang tập trung phát triển văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn.
Việc xây dựng, triển khai bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân Thủ đô, từng bước hình thành nếp văn hóa mới. Thành phố cũng đang lan tỏa sâu rộng hai bộ Quy tắc ứng xử đến đông đảo các cơ quan, ban ngành, địa phương trên địa bàn.
Hình thành chuẩn mực văn hóa mới
Là nơi giao thoa văn hóa Thăng Long – Kinh Bắc, huyện Gia Lâm được biết đến là địa bàn có nhiều trầm tích và truyền thống văn hóa. Vốn hiền hòa, cần cù, sáng tạo, do vậy khi triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử, người dân trong huyện dễ dàng thích ứng. Các cấp chính quyền, đoàn thể của huyện cũng đa dạng hóa hình thức triển khai để mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác tuyên truyền, vận động.
Nội dung cơ bản của bộ Quy tắc ứng xử được phát đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Huyện còn in gần 350 bảng nội dung Quy tắc ứng xử gửi tới các phòng, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn để treo, đặt tại các vị trí dễ thấy.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, đối với Quy tắc ứng xử nơi công cộng, huyện đã in ấn tờ gấp tóm tắt nội dung gửi tới các thôn, tổ dân phố, tuyên truyền thông qua các hội nghị, cuộc họp, các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, in và phát 73.000 tờ gấp tới từng tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn. Các thôn, tổ dân phố cũng thực hiện thành công tọa đàm về thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại địa phương…
Còn quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch tăng cường tuyên truyền hai bộ Quy tắc ứng xử thông qua các hội nghị, cuộc họp tại tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, trường học. Quận mở chuyên mục tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các phường, trên cổng thông tin điện tử của quận, phường. Quận Tây Hồ cũng đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan trên các trục đường chính, tại các trụ sở, các địa điểm công cộng.
Theo bà Chu Thị Minh Tân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Tây Hồ, thời gian qua, quận thực hiện có hiệu quả các mô hình: Bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng... Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, trường học, các phường có thể xây dựng thêm các mô hình khác phù hợp với tình hình thực tế.
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thường Tín đã triển khai nhiều mô hình, việc làm ý nghĩa để đưa hai bộ Quy tắc ứng xử của thành phố vào cuộc sống, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Có thể kể tới mô hình: Xây dựng gia đình "5 không – 3 sạch", Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, thực hiện ứng xử văn minh trong gia đình... Huyện Phúc Thọ cũng triển khai thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử thông qua tổ chức mô hình điểm: Thôn, cụm dân cư không tệ nạn xã hội, môi trường xanh sạch đẹp, ứng xử văn minh tại xã Võng Xuyên; Bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp tại xã Phúc Hoà; Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng tại các phòng, ban ngành của huyện...
Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố xác định việc triển khai thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử là việc làm thường xuyên và lâu dài nhằm hình thành, duy trì những chuẩn mực văn hóa ở nơi công sở và nơi công cộng. Qua đó, tạo sự đột phá về lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, phòng chống các hành vi quan liêu, hách dịch, cửa quyền của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan và tạo sự chuyển biến trong ứng xử, giao tiếp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Tạo sự lan tỏa sâu rộng
Với những nỗ lực trong việc tuyên truyền thực hiện, bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thành phố Hà Nội đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm cao, có đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi chức trách, nhiệm vụ; có phong cách ứng xử văn minh; xây dựng nền nếp, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính, tuân thủ các quy định trong hoạt động công vụ. Các cơ quan, đơn vị tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên tạo sự đột phá trong việc chấp hành kỷ cương trong hệ thống chính trị, từ đó lan tỏa tới cộng đồng xã hội.
Còn đối với bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã định hướng nhằm hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, đảm bảo tính thực tiễn. Qua đó, góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội, vừa tạo được sự hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Nhiều phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thủ đô vận động các tổ chức, gia đình trên địa bàn cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, học tập đã thường xuyên tự kiểm tra, giám sát cá nhân tại tổ chức mình trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử.
Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, sau thời gian triển khai, các sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã đã tích cực tuyên truyền, quán triệt hai Bộ Quy tắc ứng xử trong các đối tượng bài bản, rộng khắp, có chiều sâu hơn và hình thức tuyên truyền phong phú hơn.
Đặc biệt, các đoàn thể đã xây dựng được các mô hình tuyên truyền trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng dân cư. Qua đó, tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ của công chức, viên chức có chuyển biến rõ nét; ý thức người dân trong ứng xử nơi công cộng có chuyển biến hơn trước.
Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử là một trong những nội dung của nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 – 2025 đặt ra.
Theo đó, Hà Nội tiếp tục phát động và triển khai phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025” theo Quyết định 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc thực hiện tốt các Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thành phố Hà Nội; xây dựng mô hình mỗi cơ quan, công sở, trường học là một địa chỉ văn hóa. Thành phố cũng triển khai, nhân rộng các mô hình tuyên truyền thực hiện hai quy tắc ứng xử; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hai quy tắc ứng xử phù hợp với thực tế.
Chương trình 06-CTr/TU cũng nhấn mạnh việc đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và đảng viên; đổi mới phương pháp tuyên truyền đối với hai Bộ quy tắc ứng xử. Thành phố cũng tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Quy tắc ứng xử nhằm tạo ra phong trào thi đua rộng khắp có sức lan tỏa trong xã hội.
Đinh Thuận/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất