08/02/2022 09:51 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Vào dịp giỗ lần thứ tư của Nhạc sĩ Hoàng Vân, hai cuốn sách về cuộc đời và âm nhạc của ông đã được giới thiệu tới độc giả.
Cuốn thứ nhất Nhạc và Đời (Viện Âm nhạc) bao gồm mười lăm bài lý luận phân tích về các ca khúc và tác phẩm khí nhạc tiêu biểu do các nhà lý luận âm nhạc, nhạc sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng viết và tuyển chọn một số các bài nổi bật của nhiều nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ… viết về con người, cuộc đời của ông được tổng hợp từ nhiều năm. Phần phụ lục bao gồm danh sách tổng tập tác phẩm của ông hiện đã tìm được cũng như thư mục báo chí, sách, luận văn xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Cuốn thứ hai Cho muôn đời sau (Nhà xuất bản Kim Đồng) là một cuốn hồi ký-tiểu sử về cha mình thông qua các tác phẩm để đời của ông do con gái Lê Y linh, Tiến sĩ âm nhạc – chấp bút.
Bìa của hai cuốn sách dựa trên bức chân dung tự hoạ của chính nhạc sĩ Hoàng Vân và được thiết kế bởi người cháu họ của ông, họa sĩ nổi tiếng Lê Thiết Cương.
Trong vòng hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại khoảng hơn 700 tác phẩm trong gần như tất cả các thể loại và các hình thức âm nhạc. Sau ngày ông rời xa cõi tạm, gia đình đã dày công thống kê, lưu trữ và bảo tồn di cảo của nhạc sĩ. Hai cuốn sách này là kết quả đánh dấu một giai đoạn của công việc bảo tồn và nghiên cứu khối lượng tác phẩm đồ sộ do ông để lại. Yêu nhạc của ông, chúng ta sẽ càng hiểu hơn thêm về các tác phẩm khi sẽ đọc những cuốn sách này.
Gọi đây là bản Song tấu trên chủ đề cái đẹp bởi vì dù tác phẩm ở thể loại nào, dù được viết dưới hình thức nào, dù là đề tài nào, Âm nhạc của Hoàng Vân luôn lấy Chân – Thiện – Mỹ làm phương châm và Nghệ thuật là tiêu chuẩn tối thượng.
Việc ra đời cùng một lúc của hai cuốn sách viết về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của nhạc sĩ không thể làm chúng tôi không liên tưởng đến một câu trong truyện Kiều, áng văn chương cổ điển của Việt Nam mà NS Hoàng Vân vô cùng trân trọng khi còn sống
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
"Đầu lòng" bởi đây là hai cuốn đầu tiên được xuất bản dành trọn cho cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nhạc sĩ Hoàng Vân. "Mỗi cuốn một vẻ" bởi Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau (NXBKĐ) là một cuốn thiên về tiểu sử và tác phẩm do con gái ông, TS Âm nhạc học Lê Y Linh, chấp bút; và cuốn Hoàng Vân - Nhạc và Đời (Viện Âm nhạc) mang tính chất khảo cứu khoa học tập hợp những bài khảo cứu và phân tích chuyên sâu các tác phẩm của một số nhà nghiên cứu, lý luận phê bình và chuyên môn trong lĩnh vực âm nhạc. Như một bản song tấu mà nội dung bổ xung cho nhau, Cho muôn đời sau sẽ hé lộ cho chúng ta thấy hoàn cảnh đã kiến tạo nên phong cách âm nhạc Hoàng Vân, Nhạc và Đời đưa cho chúng ta một vài chìa khóa « vừng ơi mở ra » để hiểu tại sao những tác phẩm ấy lại hay và đẹp.
Kỳ vọng của các tác giả cũng như của ban biên tập là làm sao để cho nội dung của cả hai cuốn có được cái "Mai cốt cách tuyết tinh thần" ấy. Liệu đã đạt được "mười phân vẹn mười" hay không, cái đó bạn đọc sẽ là người phán xét. Nhưng đó đã là đích của các tác giả và của toàn bộ hai ê-kíp đã đồng lòng sát cánh vượt qua nhiều thử thách trong đại dịch để hai cuốn được "về chung một nhà", cùng ra mắt trong dịp Tết Nhâm Dần vào đầu tháng 2 năm 2022, kỷ niệm bốn năm ngày ra đi của Nhạc sĩ.
Trích ngang giới thiệu về Nhạc sĩ Hoàng Vân Nhạc sĩ Hoàng Vân (Lê Văn Ngọ, 1930-2018) thuộc về thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được may mắn đồng hành với cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Song song với việc sưu tầm và bảo tồn nền âm nhạc dân tộc truyền thống, đây cũng chính là giai đoạn mà Việt Nam đặt nền móng sự phát triển trong tương lai cho một nền âm nhạc chuyên nghiệp hòa nhập với ngôn ngữ âm nhạc quốc tế. Đông đảo quần chúng biết đến Nhạc sĩ Hoàng Vân qua hàng loạt ca khúc để lại dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Kể từ Hò kéo pháo (1954), nửa thế kỷ sáng tác ca khúc của ông có thể chia làm ba giai đoạn lớn: cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc (1954-1973), hòa bình về (1974-1990), và những năm cuối đời (1990-2010). Các ca khúc của ông mang nhiều hình thức và đề tài đa dạng, từ ca khúc nghệ thuật đến ca khúc thời sự, từ tráng ca đến ngợi ca, từ ngành ca đến tỉnh ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu, từ người thợ mỏ đến người nông dân, từ thanh niên tới thiếu nhi, tất cả những đề tài tưởng như rất xa rời nghệ thuật đã được hát lên với những cung bậc xúc cảm nhất…. Những tác phẩm mà tôn chỉ của nhạc sĩ là sáng tạo, là sự hướng thượng, là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, và bao trùm lên tất cả là tình yêu Tổ quốc! Tuy nhiên, trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, nhà soạn nhạc Hoàng Vân dành một vị trí quan trọng cho âm nhạc hàn lâm. Nếu như bản thơ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc (một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam viết vào năm 1960), đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Hồi tưởng (1961-1962) và hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Điện Biên Phủ (2004) là ba mốc đánh dấu những tác phẩm được phổ biến rộng rãi, thì vở ballet Chị Sứ (1968), tổ khúc giao hưởng bốn chương số II Tưởng niệm (1991), bản thơ giao hưởng số II (1994) và số III Tuổi trẻ của tôi (2000) là những mốc cho những tác phẩm hàn lâm mà khán thính giả ít được biết đến hơn. Dàn nhạc giao hưởng không chỉ hiện diện trong những tác phẩm viết cho nó mà được thể hiện và sử dụng rộng rãi từ nhạc cho phim đến cho sân khấu, từ phần phối khí các tác phẩm thanh nhạc, cho đến tư duy viết ca khúc. Và khi không có dịp sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng, ông đã dùng những thể loại thanh nhạc lớn như hợp xướng, trường ca… những tác phẩm mẫu mực trong nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam nhưng cũng vô cùng gần gũi với công chúng. |
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất