19/03/2019 06:49 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Cuốn Hồi ký tiến sĩ Lê Thẩm Dương vừa phát hành hứa hẹn sẽ là một tác phẩm bán chạy mới của làng sách, dù số lượng in bao nhiêu quyển thì không thấy ghi trên bìa. Xét về mặt thể loại, cuốn sách nổi bật ở việc sử dụng văn nói làm chủ đạo - điều hiếm thấy trong nhiều hồi ký thành công trước đây.
Nếu theo dõi nhiều buổi diễn thuyết của Lê Thẩm Dương mới thấy nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - người chấp bút cuốn hồi ký này - khá trung thực với văn phong và “ngôn phong” của diễn giả. Nhiều phần trong cuốn này là góp nhặt, trích lục hoặc in lại các bài phỏng vấn, nên văn nói có thêm cơ hội “lên ngôi”. Chính văn nói làm cho cuốn hồi ký có thêm sự khác biệt, gần gũi, lôi cuốn.
Trong buổi gặp gỡ báo chí gần đây tại TP.HCM, Lê Thẩm Dương cho biết hồi ký được chỉnh sửa nhiều lần theo yêu cầu của bạn đọc. Có những nội dung không mấy phù hợp với thể loại hồi ký, nhưng vì nhiều người hâm mộ cứ yêu cầu, nên vẫn phải đưa vào sách.
Sơn Tùng M-TP và Ngọc Trinh
Trước lời nhận xét rằng Lê Thẩm Dương, Sơn Tùng M-TP và Ngọc Trinh có điểm chung là thường tạo được sự chú ý, tranh luận từ cộng đồng. Lê Thẩm Dương trả lời trong hồi ký: “Tôi thấy những nhân vật kể trên, bao gồm cả Donald Trump nữa, đều có tác dụng gây tranh cãi, nên giữa họ có thừa số chung đó, còn lại mọi sự so sánh đều là khập khiễng’
“Tuy nhiên, sự tranh cãi này cho thấy mâu thuẫn về quan điểm và cách nhìn nhận. Đây chính là động lực của sự phát triển”, ông nói thêm. “Nhắc về hai nhân vật kia, tôi thấy Sơn Tùng M-TP có nhiều đóng góp, Ngọc Trinh xét ở một khía cạnh nào đó cũng phải làm cho người ta suy nghĩ. Trái hay thuận tôi chưa bàn tới, nhưng mọi người phải sắp xếp lại suy nghĩ của mình từ những nhân vật trên để hoàn chỉnh bản thân mình”.
Giúp người đọc “sắp xếp lại suy nghĩ của mình” có lẽ cũng là một đóng góp, nếu có, của cuốn hồi ký này. Lê Thẩm Dương nói rằng có những việc không muốn làm nhưng vẫn phải làm, ví dụ như viết cuốn hồi ký này.
“Nó không phải được viết để đánh bóng tên tuổi bản thân hoặc kiếm tiền, càng không để dạy đời, vì trong đó ngập tràn sự thất bại, sự sai lầm. Tôi viết với hy vọng qua các sai lầm của mình, độc giả trẻ sẽ rút ra được những kinh nghiệm cho tương lai, vì bản thân họ chưa trải qua”, Lê Thẩm Dương chia sẻ bên ngoài. “Giống như, ta nói về chuyện đời Ngọc Trinh cũng vậy thôi. Dù nhìn từ bên ngoài thì khó biết thực hư, nhưng những cô gái trẻ khi bước vào nghề người mẫu sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm từ Ngọc Trinh, giúp họ sắp xếp lại suy nghĩ và hành vi của mình”
Còn trong hồi ký, khi nói về những nhận định rằng diễn thuyết của Lê Thẩm Dương chỉ phù hợp với xe ôm và giới bia hơi, bà tám vỉa hè, ông thẳng thắn: “Anh chạy xe ôm với chị bán bún bò là đồng bào mình, họ có lỗi gì nhỉ? Nếu có một người mà những chia sẻ kiến thức của anh ta có tác dụng với đại đa số quần chúng như vậy thì tốt quá chứ? Cho nên, nếu tôi thích nghi được với những đối tượng khán giả như vậy thì tôi tự hào vô cùng”.
Chủ động sợ vợ
“Bản chất của chủ động sợ vợ là gì, là chủ động thừa nhận vợ đúng, nghe đơn giản vậy thôi nhưng làm khó lắm đấy. Chủ động thừa nhận vợ đúng nói riêng, chủ động thừa nhận người khác đúng nói chúng, hiếm anh làm được lắm” - Lê Thẩm Dương khẳng định.
Anh giải thích: “Thứ nhất, phải biết tôn trọng hệ giá trị cá nhân của vợ mới chủ động thừa nhận vợ đúng được, có những cái không đúng với mình nhưng lại đúng với người ta. Thứ hai, nhiều khi vợ nói đúng, làm đúng thật, trong đầu rõ ràng thấy nó đúng mà không thừa nhận, vì cái chất phong kiến trong mình vẫn còn. Thứ ba, anh nào không có chất đàn ông là không chủ động thừa nhận vợ đúng được đâu”.
“Cuộc sống vợ chồng nhiều khi vợ sai, mình thấy sai, đem một vài chuẩn mực xã hội soi chiếu vào cũng thấy sai. Nhưng mình là đàn ông, nhường đi đã sao nào, không cháy nhà, chết người thì cứ nhường đi”, Lê Thẩm Dương nhắc lại một ý từng viết trong cuốn Người truyền cảm hứng. “ Đấy, cứ chủ động thừa nhận vợ đúng trong trường hợp này đi, hạnh phúc gia đình đã có thì cứ thế duy trì, chưa có thì sẽ tới, có đáng không nào? Bản chất của chủ động sợ vợ là thế đấy”.
Và đáng nói, trong các cột trụ căn bản làm nên một người đàn ông thành công, Lê Thẩm Dương nói rằng từ độ tuổi trung niên trở đi mới nhận thấy rõ gia đình là cái đích sau cùng, nhưng cực kỳ quan trọng. Đàn ông muốn có gia đình vững chắc thì việc đầu tiên phải chủ động sợ vợ, không tin, cứ làm ngược lại sẽ thấy hậu quả.
Vài nét về TS Lê Thẩm Dương TS Lê Thẩm Dương sinh năm 1960, quê gốc Hải Phòng, hiện là giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng, TP. Hồ Chí Minh đồng thời cũng là diễn giả chuyên nghiệp, chuyên gia nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực như Tài chính, Lãnh đạo, Nhân sự. Ông cũng là khách mời thường xuyên của nhiều chương trình trò chuyện về tài chính, quản trị, kinh doanh và nghệ thuật sống. |
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất