24/11/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Sau 75 năm, kế thừa những tinh hoa từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 được kỳ vọng sẽ nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam: Dân tộc, khoa học, đại chúng
Ngày 24/11/1946, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát Lớn, Thành phố Hà Nội. Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã đến dự.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Người chỉ rõ: Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.
Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 diễn ra chỉ một năm sau khi đất nước độc lập, mặc dù còn bộn bề nhiều công việc trọng đại, nhưng với tầm tư tưởng của một lãnh tụ xuất chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao và đúng vai trò của văn hóa trong việc chấn hưng dân tộc; là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa, cũng như chính vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.
75 năm đã qua đi kể từ lần diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên nhưng những giá trị to lớn từ tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa cũng như những giá trị của hội nghị về văn hóa đã thực sự “soi đường quốc dân đi”.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 và tiếp đến là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (diễn ra từ ngày 16 đến 20/7/1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) được coi là những bước ngoặt lịch sử kế tiếp liên tục, khẳng định vị thế, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, các hội nghị này đã cụ thể hóa và phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan điểm lý luận về cách mạng văn hóa được xác định ngay từ Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), đưa đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
Cùng với chính trị và kinh tế, văn hóa Việt Nam giữ một vai trò và vị trí trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, hiện nay sau hơn ba thập kỷ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước, là văn hóa, trên nền tảng chính trị Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghĩa là văn hóa, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, hiển nhiên là chúng ta cần xây dựng và phát triển một chiến lược về văn hóa của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước mắt với tầm nhìn tới năm 2030 và 2045. Nói một cách khái quát, đó là văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, với khát vọng Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập và hùng cường.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam, là mục tiêu, là động lực phát triển của lịch sử Việt Nam. Cụ thể là, cái nền tảng, cái mục tiêu, cái động lực đối với Việt Nam suốt từ thời cổ đại, đó chính là: Nghĩa đồng bào, vì nước quên mình, tinh thần đoàn kết rộng rãi…
Vũ khí tinh thần ấy, vũ khí văn hóa cơ bản nhất ấy được hun đúc và tiếp tục được lưu truyền và ngày càng trở thành hùng khí quật khởi đặc biệt ở vào những bước ngoặt lịch sử dân tộc, để Việt Nam ta ngày càng có vị trí quan trọng trên trường quốc tế.
Đồng hành với lịch sử dân tộc, sự vận động của văn hóa Việt Nam ngày càng sinh động với sự lan tỏa, thăng hoa rộng lớn, với chiều sâu thẳm tạo dựng nên gương mặt Việt Nam, với trí tuệ, khí phách, cốt cách, phong thái và bản lĩnh Việt Nam không thể trộn lẫn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập toàn cầu.
Như vậy, có thể thấy văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, một mục tiêu phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định những mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ không chỉ cho nhiệm kỳ này mà còn định hướng với tầm nhìn từ nay đến 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao, có vị thế vững mạnh trên trường quốc tế. Muốn thực hiện được khát vọng lớn đó thì phải phát huy tinh thần, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, phát huy truyền thống đại đoàn kết, truyền thống yêu nước của toàn dân tộc.
Đây chính là những giá trị nền tảng, cốt lõi tạo thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh của dân tộc. Trong Văn kiện của Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, nhất là những phẩm chất, ý chí, nghị lực của con người Việt Nam, nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Chính vì vậy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chưa khi nào dân tộc ta đứng trước thời cơ, vận hội lớn, nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua như hiện nay. Hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII về lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.
Tập trung khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chấn hưng văn hóa dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam dựa trên nền tảng là truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường và đại đoàn kết dân tộc; phát huy, phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc kết hợp với tiếp thu giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại, biến thành nguồn lực nội sinh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc Hôm nay (24/11), Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị dự kiến có sự tham dự của 550 đại biểu với hơn 150 tham luận, được kết nối trực tuyến tại các điểm cầu ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045. |
Phương Anh/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất