25/11/2019 08:59 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Tuần trước, tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Tổng Cục Du lịch đã phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam”. Tới dự và chủ trì tọa đàm có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu.
Ngoài ra, tọa đàm cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo các đơn vị lữ hành trong nước.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động bên lề tại Tuần “Đại đoàn kết dân tộc – Di sản văn hóa 2019”. Tọa đàm cũng là dịp để Ban quản lý Làng tiếp thu nhiều ý kiến từ những đơn vị lữ hành, đưa ra những chương trình hành động nhằm thiết kế những sản phẩm du lịch tại đây đáp ứng được những nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Hà Văn Siêu khẳng định, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để thu hút du khách. “Tài nguyên du lịch của Làng vô cùng đặc sắc. Tại đây, những giá trị tiêu biểu, tinh túy nhất của 54 dân tộc anh em đều được hiện diện. Đặc biệt, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam lại nằm ở Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ của đất nước nên đây là điểm đến rất lý tưởng cho lịch trình của khách du lịch”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch nêu rõ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hà Văn Siêu, mặc dù nhiều tiềm năng là vậy nhưng những lợi thế của Làng vẫn chưa được khai thác hết khi số lượng, chất lượng của các sản phẩm du lịch chưa rõ nét. Trước những khó khăn đang gặp phải, ông Hà Văn Siêu đề xuất “Ngôi nhà chung” phải sớm thiết kế được nhiều hơn sản phẩm du lịch, tăng cường trải nghiệm cho du khách đồng thời tiếp thu ý kiến của các đơn vị lữ hành, sớm biến những ý kiến đó trở thành chương trình hành động để nơi đây đi vào hoạt động hiệu quả.
Sở hữu cảnh quan đẹp mắt nhưng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong hấp dẫn du khách
Thừa nhận những vướng mắc đang phải đối mặt, ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách BQL Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: “Hiện nay, Làng của chúng tôi đang thiếu nguồn nhân lực. Dù rằng, chúng tôi đã và đang tích cực quảng bá sản phẩm nhưng những hạn chế đang xuất hiện nhiều hơn thuận lợi. Các sản phẩm hiện nay không những đang yếu mà còn thiếu, chưa đáp ứng được mong đợi của du khách. Bên cạnh đó, một số hạng mục nhà ở của người dân tộc chưa được tận dụng hết. Chẳng hạn, có Làng có tới ba căn nhà, hai căn được dùng cho mục đích trình diễn còn một căn bỏ trống, như vậy sẽ rất lãng phí”.
Trước những khó khăn đang gặp phải, ông Trịnh Ngọc Chung cũng cho biết, trong thời gian tới, Làng sẽ có định hướng cơ cấu lại các sản phẩm du lịch. Theo đó, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tập trung vào du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng với không gian văn hóa (có thể tính đến đưa những vở diễn thực cảnh như Tinh hoa Bắc Bộ hoặc Ký ức Hội An ra trình diễn), không gian ẩm thực đậm đà bản sắc hơn, hướng tới tăng cường tổ chức tuần văn hóa của các địa phương tại Làng.
Tại tọa đàm, các đơn vị lữ hành cũng đã đưa ra nhiều phương án đề xuất nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như sản phẩm du lịch tại Làng. Có nhiều năm kinh nghiệm trong đón khách du lịch, ông Lương Duy Doanh, đại diện của Five Star Travel cho hay: “Tôi mong muốn Làng sớm xây dựng, liên kết được chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng. Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc có thế mạnh mà ít nơi nào có được là chỉ cần một điểm đến, du khách có thể cảm nhận được hết giá trị văn hóa của một quốc gia. Tuy nhiên, số lượng khách khi đến đây vẫn còn khiêm tốn vì hoạt đông chưa phong phú cũng như ít thông tin quảng bá đưa đến du khách. Qua đây, tôi mong muốn Làng có thể lắp nhiều hơn biển chỉ dẫn để thuận tiện cho du khách tham quan. Đồng thời, trên các xe điện cũng có thể gắn loa tự động phát băng thuyết minh để khách nắm được thông tin”.
Với Đại Việt Travel, đại diện đơn vị này chia sẻ: “Năm nào chúng tôi cũng đưa khách đến đây nhưng không giữ chân ở lại lâu được vì khu lưu trú, không gian ẩm thực cũng chưa có. Nên chăng chúng ta nên có nhà hàng. Cộng đồng mỗi dân tộc sinh sống tại nơi đây cũng cần chủ động tạo thực đơn mang tính đặc sản. BQL cũng nên tính đến phát triển sản phẩm du lịch học đường bởi học sinh, sinh viên là đối tượng rất tiềm năng để khai thác”.
Tại tọa đàm, các đơn vị lữ hành khác cũng mong muốn Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nên mở cửa theo giờ linh hoạt thay vì mở cửa và làm việc theo giờ hành chính như hiện nay. Đội ngũ hướng dẫn viên cũng cần được nâng cao ở cả hai tiêu chí số lượng và chất lượng thay vì chỉ có 5 hướng dẫn viên làm việc với cường độ căng thẳng như hiện nay.
Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất