17/05/2019 07:42 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Không phải ngẫu nhiên, sau hai vở diễn chào sân: Ngũ biến và Kim Tử, sân khấu Lệ Ngọc (đơn vị sân khấu tư nhân “xã hội hóa” đầu tiên của thủ đô Hà Nội) đã mạnh bạo, quyết đầu tư dàn dựng tiếp hai vở diễn: Thị Nở - Chí Phèo và Tấm Cám, (vừa diễn đêm tổng duyệt 15/5/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội trước đông đảo người xem, cả người lớn lẫn trẻ em), đều bắt nguồn từ hai tác phẩm văn học: truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao và truyện cổ tích Tấm Cám.
Và, khi phóng tác từ văn chương sang kịch bản sân khấu, các tác giả Lê Chí Trung (với Chí Phèo) và Nguyễn Hiếu (với Tấm Cám) đều phải đối đầu với vấn đề chuyển ngữ. Nhất là với một dạng văn bản khó như văn bản Tấm Cám, vốn là một truyện cổ tích “kinh điển” của văn chương dân gian Việt, được lưu hành bằng truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Dù có nhiều dị bản, nhưng về câu chuyện và cốt truyện Tấm Cám, trẻ con Việt nào cũng thuộc làu làu từng chi tiết, từ vui tươi đến hạnh phúc, đến cả dã man tàn bạo, kiểu “ác giả thì ác báo”…
Thách thức ngay từ việc phóng tác truyện cổ tích “Tấm Cám”
Không ngẫu nhiên, tác giả Nguyễn Hiếu từng viết đi viết lại vài lần kịch bản Tấm Cám để chuyển ngữ từ cái phi vật thể của chữ nghĩa văn chương cổ tích, lại vốn phi văn bản, chỉ dành cho cái kể chuyện, cái nghe, đến việc “hữu thể hóa” bằng cái dàn dựng của đạo diễn, cái diễn xuất của diễn viên sân khấu, nhằm cho cái xem của khán giả đến nhà hát.
Càng không ngẫu nhiên, đạo diễn và diễn viên kịch Tấm Cám cùng tâm niệm rằng, phải có cái để diễn thì mới có cái để xem, nhất là cho khán giả là thiếu nhi Việt, chưa có nhiều tác phẩm sân khấu làm thỏa mãn thị hiếu thưởng thức của lứa tuổi thiếu nhi…
Vì thế, trong kịch bản, thể theo yêu cầu của NSND Lệ Ngọc, chỉ đạo nghệ thuật sân khấu mang tên chị, đã phải bàn bạc với tác giả và biên tập kĩ lưỡng những cảnh “chém giết” trong nguyên tác cổ tích Tấm Cám: Tấm đã bốn lần bị mẹ ghẻ và em gái Cám, cùng cha khác mẹ, giết chết: Chết khi về nhà giỗ bố, chết khi hóa thân thành chim vàng anh, thành khung cửi và cuối cùng, chết khi hóa thành hai cây xoan đào.
Bị bức tử nhiều lần chết đi sống lại như thế nên Tấm đã chẳng đặng đừng, báo oán bằng cách dội nước sôi cho Cám chết và muối xác Cám thành mắm gửi cho dì ghẻ là mẹ Cám ăn, đến khi biết mình ăn thịt con, mẹ Cám lăn đùng ra chết.
Những cảnh tàn bạo ấy đều đã được Nguyễn Hiếu hóa giải khi phóng tác thành kịch bản, với thông điệp căn cơ của vở diễn, không phải là “ác giả ác báo” nữa, mà là tình mẫu tử trong quan hệ then chốt của gia đình người Việt truyền thống.
Người mẹ Việt thường lấy lẽ sống là vì con, sống cốt để “lưu phúc” cho con, nên con có phúc là nhờ mẹ, bởi “phúc đức tại mẫu”, “nước mắt chảy xuôi, cá chuối đắm đuối vì con”…Nên, tác giả Nguyễn Hiếu đã thay thế nhân vật ông bụt trong cổ tích Tấm Cám bằng vai người mẹ đã mất của Tấm. Trong những tình huống nan giải nhất, mẹ Tấm hiện ra như một bà tiên để giải cứu và chống đỡ cho Tấm, giúp Tấm được đi trảy hội, gặp hoàng tử, được hoàng tử yêu, lấy làm vợ, và giúp Tấm thoát chết, từ kiếp nạn này sang kiếp nạn khác, và trở về, sống lại, không báo oán mà cùng chồng tha thứ khoan dung cho dì ghẻ và Cám.
Thách thức dẫn đến sáng tạo
Tất cả những cảnh huống kịch ấy đã là cơ sở văn bản hữu hiệu cho ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn Chua Soo Pong - TS nghệ thuật người Singapore - đặng giúp vị đạo diễn (đã trở nên quen thuộc với khán giả Việt, khi ông đã viết kịch bản và dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam và sân khấu Lệ Ngọc hai vở: Hồng Lâu Mộng và Kim Tử của Tào Ngu), tác thành một vở diễn sống động, tươi vui, khá sang trọng và khá hấp dẫn cả hai loại khán giả khá khó tính của hôm nay, đó là khán giả lớn tuổi, các phụ huynh học sinh, các ông bà nội ngoại, và nhất là khán giả thiếu nhi.
Đấy cũng là khát vọng diễn kịch và sáng kiến sân khấu cho tháng 6, có một ngày đặc biệt là ngày Quốc tế thiếu nhi, của sân khấu Lệ Ngọc.
Cho nên, không ngẫu nhiên, tình mẫu tử được tô đậm thành thông điệp xuyên suốt vở diễn. Nhân vật cô Tấm đã vượt qua nhiều cái chết để trở về, sống cạnh chồng là vị hoàng tử chung tình. Cô đáng được thế vì cô là người được người mẹ đã khuất núi dạy dỗ tử tế về lòng hiếu thuận, đức hạnh, thơm thảo, thương người hơn cả thương thân, nên sẵn lòng bao dung với lỗi lầm và cả tội ác nữa, của người dì ghẻ và cô em Cám, chỉ vì cả ba người vốn là một gia đình.
Vở diễn Tấm Cám, vì thế, đã được đạo diễn xử lý thông điệp xuyên qua sự đan xen tình huống bi - hài, gây khá nhiều tiếng cười vui trong khán phòng.
Đặc biệt, vở diễn đã thành công trong việc tương tác với khán giả khi các nhân vật trên sân khấu thi thoảng lại thoát ra khỏi vai kịch, hỏi han những câu hài hước, làm phấn khích khán giả trẻ em, cùng trả lời đồng thanh, gây hiệu ứng lan truyền niềm vui thưởng thức, khiến khán phòng òa vỡ những nụ cười con trẻ…
Và được khán giả trẻ em yêu thích
Có lẽ thành công nhất của vở diễn là đã thiết lập được mối tương tác đầy niềm vui ngay trong khán phòng, với khán giả thiếu nhi. Mà các em vui thì bố mẹ, ông bà cũng vui lây, trong những tràng vỗ tay đồng loạt của cả trẻ lẫn già dành cho vở Tấm Cám, với những sáng tạo mới mẻ về dàn dựng và biểu diễn.
Những vai chính Tấm trẻ con, Cám trẻ con được hai diễn viên nhí Tuệ Lâm và Như Khôi diễn rất hồn nhiên, sinh động và hài hước. Phối hợp với nghệ sĩ Đức Hải, cả ba vai diễn đã gây cười sảng khoái ngay trong màn kịch giáo đầu, cuốn hút ngay người xem trẻ già vào tiết tấu kịch nhanh mạnh của vở diễn.
Các vai chính Tấm - Cám đều được Kim Oanh và Thu Hà diễn tròn vai, song cũng phải thấy rằng các vai ác là hai mẹ con Cám, do cặp diễn viên cứng nghề: Lệ Ngọc và Thu Hà vào vai là sắc sảo, rõ nét và đẹp sân khấu hơn cả. Cặp mẹ con vai thiện là linh hồn mẹ Tấm và Tấm, dù tròn vai nhưng vẫn thiếu sắc nét, vì bị đơn điệu trong diễn xuất, khiến cái thông điệp rất đáng giá của vở diễn về tình mẫu tử chưa được tô đậm và vót sắc như nó phải thế.
Hơn nữa, cảnh bạo lực vẫn chưa được tiết chế: Chim vàng anh vẫn bị giết dã man trên sân khấu. Phục trang rất đẹp, song vẫn có lúc bị lạc khỏi nhân vật và tình huống. Những xử lý về ca hát và một vài chỗ diễn ước lệ theo kiểu sân khấu chèo cũng bị lạc chỗ trong một vở diễn thể loại kịch (nói) vốn là của phương Tây. Nên, đạo diễn Chua Soo Pong khi dàn dựng với diễn viên Việt đã từng thú nhận: Dựng vở này là rất khó, với tôi.
Nhưng, vở diễn đã được công diễn, được khán giả thiếu nhi và không chỉ thiếu nhi, đón đợi và tiếp nhận vui vẻ. Và tiếp nhận, cũng còn là một quá trình tự điều chỉnh để vở diễn hoàn thiện, một khi đã tiếp xúc với khán giả, như cái tên một vở diễn của nhà viết kịch Tất Đạt mà tôi rất thích: Em đẹp dần lên trong mắt anh. Được lọt vào mắt của người xem, lẽ nào vở diễn không…đẹp dần lên?
Vở kịch Tấm Cám sẽ được công diễn từ 17/5 đến 2/6 tại các rạp Đại Nam, Hồng Hà, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô... Vở kịch cũng sẽ được đưa đi tham dự Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thiếu nhi thế giới tại Toyama (Nhật Bản) vào năm 2020. |
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất