Lam Kinh - một biểu tượng tinh thần in đậm vào tâm thức dân gian

18/09/2019 12:08 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Thế đất Lam Kinh hội tụ đầy đủ các yếu tố của đất quý. Các công trình kiến trúc được xây dựng trên cơ sở tận dụng, cải biến môi trường tự nhiên, kết hợp với tư duy “phong thủy”, đã tạo cho trung tâm Lam Kinh một không gian bề thế và linh thiêng, in đậm vào tâm thức dân gian.

Thủ tướng dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Thủ tướng dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Thủ tướng dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh và thăm một số công trình kinh tế, xã hội tại Thanh Hóa

Lam Kinh có sự hòa quyện tuyệt vời giữa “khối kiến trúc xanh” tự nhiên là rừng già và sông Ngọc, bao bọc lấy hàng chục công trình kiến trúc - nghệ thuật, vừa đậm nét cung đình vừa mang nét dân gian.

Cảnh quan xanh tươi, rợp mát và tĩnh tại của Lam Kinh dường như có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. Để rồi, vừa đặt chân vào di tích, Gurdal Yaprak, nữ nhà báo người Thổ Nhĩ Kỳ, đã có những cảm nhận thú vị: “Tôi yêu không khí tuyệt vời của di tích này, thật trong lành và yên tĩnh. Lối kiến trúc truyền thống đặc trưng của đất nước các bạn rất thú vị và thật khác biệt so với những nơi tôi từng đến. Đó chính là các giá trị văn hóa đặc sắc rất cần được bảo vệ, làm cơ sở để các bạn thu hút khách du lịch và hấp dẫn họ tìm hiểu, khám phá”.

Thế đất Lam Kinh hội tụ đầy đủ các yếu tố của đất quý, mà không cần sự tác động của con người. Các công trình kiến trúc được xây dựng trên cơ sở tận dụng, cải biến môi trường tự nhiên, kết hợp với tư duy “phong thủy”, đã tạo cho trung tâm Lam Kinh một không gian bề thế và linh thiêng, in đậm vào tâm thức dân gian.

Chú thích ảnh
Lễ hội Lam Kinh năm 2019

Ở vị trí trung tâm là núi Dầu, vừa là điểm tựa vừa là hậu chẩm của khu miếu điện; tả phù là núi Bạch Hổ, hữu bật là núi Thanh Long, phía trước khu trung tâm lại có sông Chu uốn lượn bao bọc. Người xưa chọn mảnh đất “hội sơn tụ thủy” hiếm có này làm nơi an nghỉ nghìn đời, cũng bởi vị trí đắc địa và cảnh quan thiên nhiên phù hợp với không khí u tịch, trang nghiêm của khu đền miếu.

Trong một lần về bái yết Sơn Lăng, tháng 2 năm Bính Tý (1456), vua Lê Nhân tông đã ra lệnh: “Mọi việc ở đền thờ phải thành kính, tinh khiết, cấm việc chặt cây, chặt tre, kiếm củi”. Chính vì lẽ đó, quá trình bảo tồn, tôn tạo Lam Kinh suốt 2 thập kỷ qua, gắn liền với việc gìn giữ, bảo vệ của tán rừng già, những thảm thực vật nguyên sinh, nguồn nước, muông thú bao quanh di tích.

Sự hài hòa của hai yếu tố cung đình - dân gian trong lối kiến trúc và một không gian xanh mướt mát, đã khiến cho Lam Kinh có được sức hấp dẫn riêng, so với các công trình đền đài, miếu mạo, lăng tẩm khác. Không những thế, “cái không gian văn hóa bình dân vẫn bao bọc lấy Lam Kinh, thể hiện bằng cả một kho tàng các lễ tục, lễ hội của đồng bào Mường, Thái, Kinh”, cũng là nét đặc trưng riêng có của di sản đặc biệt này.

Chú thích ảnh
Đại biểu, du khách và con cháu họ Lê dâng hương tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sĩ trong công cuộc dựng nước và giữ nước tại Chính điện Lam Kinh

Lam Kinh suốt mấy trăm năm hoang phế, nhưng không ít trò diễn xướng mang đậm tính cung đình, gắn với các nghi thức tế lễ tại Sơn Lăng, vẫn được gìn giữ trong tâm thức và đời sống dân gian.

Dưới mái đình cổ, lớp lớp nghệ nhân vẫn diễn và truyền lại cho con cháu các tích trò Ai Lao, Chiêm Thành, Ngô Quốc, hay trò múa rối “Lam Sơn khởi nghĩa”, như là cách để tưởng niệm và ngưỡng vọng tiền nhân, tiên tổ. Để rồi, khi Lam Kinh từng bước được phục dựng lại, chính những trò chơi, trò diễn ấy đã góp phần làm nên không gian văn hóa Lam Kinh đậm đà bản sắc.

Lam Kinh vốn được biết đến như là “kinh đô tưởng niệm” của nhà Hậu Lê. Thế nhưng, trải qua sự mài mòn và kiểm chứng của thời gian ngót 600 năm, di sản đặc biệt này đã trở thành cội nguồn tiên tổ - nơi trở về của con dân xứ Thanh và con dân đất Việt. Bởi nó ứng với lời răn hậu thế của Đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi, trước khi về với tiên tổ, rằng “Vật gốc ở trời, người gốc ở tổ (...).

Chú thích ảnh
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây đa lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh hồi cuối năm 2018

Đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”. Đồng thời, cũng bởi yếu tố văn hóa dân tộc chính là tư tưởng chủ đạo của khu miếu điện Lam Kinh. Nói cách khác, Lam Kinh là nơi thể hiện đầy đủ quan niệm hay tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Đó là biểu tượng của văn hóa truyền thống dân tộc Việt, đã vượt lên mọi sự “bức hại” của văn hóa ngoại lai, để tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Đó cũng chính là tinh thần tự hào, tự tôn, tự cường dân tộc, đã được nâng lên thang giá trị mới từ thời Hậu Lê và trao truyền cho lớp lớp thế hệ con dân đất Việt.

Lam Kinh là một quần thể di tích lịch sử, văn hóa - kiến trúc, nghệ thuật đặc biệt quan trọng. Thậm chí, sự tồn tại của nó cho đến tận ngày nay, được ví như một thiên lịch sử sống động của dân tộc Việt Nam.

Dẫu trải qua nhiều lần đổi thay, hưng vong cùng vận nước; song, nhiều bài học từ quá khứ, cùng vô số trầm tích văn hóa đã phát lộ hay còn nằm sâu trong lòng đất, mà Lam Kinh lưu lại cho hậu thế, thì vẫn vẹn nguyên ý nghĩa và giá trị.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm