10/10/2017 07:11 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Dù có 3/39 tác phẩm không bán, nhưng theo chúng tôi tìm hiểu, các tác phẩm còn lại trong triển lãm của Lê Kinh Tài có tổng giá bán vào khoảng 4,5 triệu USD, tức hơn 100 tỷ đồng. Dù giá này có... bán được hay không, nhưng có lẽ đây là lần đầu Việt Nam xuất hiện một triển lãm cá nhân với giá “khủng” như vậy.
Triển lãm có tên Nhìn lại của Lê Kinh Tài sẽ khai mạc lúc 18h ngày 14/10/2017 tại VCCA (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Thị phi từ giá tranh
Triển lãm này có 2 tác phẩm ghi giá bán lên đến 400.000 USD, chỉ có 13 tác phẩm ghi giá dưới 100.000 USD. Trong 10 năm qua, xét ở khía cạnh giá, có thể nói Lê Kinh Tài là họa sĩ chịu nhiều thị phi nhất từ giới làm nghề tại Việt Nam. Đa số nói Lê Kinh Tài “nổ”, “hét giá”, “làm giá”, còn thiểu số nói “ảo tưởng”, “ngông cuồng”, “điên”.
Triển lãm Nhìn lại kết tập những tác phẩm tiêu biểu trong khoảng 2007 - 2017. Đây cũng là giai đoạn mà họa sĩ này có những tác phẩm thành công, với bán giá cao tại quốc tế và Việt Nam, đồng thời cũng nhận về lời thị phi nhiều hơn là chúc mừng, chia sẻ.
Hơn 10 năm trước, có một tiên đoán trên báo rằng giá tranh Lê Kinh Tài sẽ sớm chạm đến mức trung bình vào khoảng 5-7 ngàn USD trên 1 mét vuông, đa số chửi nhận định này hồ đồ. Từ giao dịch thực tế và từ giá ghi tại triển lãm Nhìn lại chẳng hạn, tiên đoán kia đã là lạc hậu.
Đã có nhiều người đặt câu hỏi: Đề giá cao như vậy thì có bán được với giá đó hay không? Lê Kinh Tài không bao giờ muốn trả lời hoặc đôi co với câu hỏi này. Thực tế cho thấy nhiều người mua đã tìm cách trả giá, nhưng bất thành.
Giá bán này có phải do Lê Kinh Tài tự nghĩ ra? Chắc chắn là không. Trên thị trường quốc tế anh có 5-6 nhà sưu tập cỡ bự, họ âm thầm “liên minh” với nhau để làm giá, giữ giá. Trước mỗi triển lãm, Lê Kinh Tài đều hỏi giá sàn của họ để thống nhất. Có lẽ nhờ sự thống nhất đó, anh mới có được giá cao như hôm nay.
Trong một bài phỏng vấn 6 -7 năm về trước, một tờ báo hỏi nếu sau này không có người mua nữa thì sao? Lê Kinh Tài trả lời: “Tôi đã không và sẽ không nghĩ mình sẽ vẽ để nịnh mắt người mua. Tôi làm việc vì lý tưởng của mình. Những gì may mắn có được tôi luôn nghĩ đó là nhất thời, chính vậy tôi không nghĩ điều gì khác và an tâm để tiếp tục sự nghiệp”.
Thị phi đến cách vẽ
Nhiều người trong giới cho rằng vẽ như Lê Kinh Tài thì ai mà vẽ không được, người nhẹ nhàng hơn thì nói vẽ “tào lao mía lao”, vẽ như con nít. Nhìn bề mặt tranh, từ bố cục, hình tượng, đường nét, cho tới tư duy, cộng với quan niệm trường quy rằng phải vẽ thế này thế kia mới đúng, cách vẽ của Lê Kinh Tài quả là tự do một cách phóng túng.
Những người nhiều thông tin hơn thì cho rằng Lê Kinh Tài chịu ảnh hưởng của nghệ sĩ Jean Michel Basquiat (1960 - 1988) người Mỹ. Nhưng thực ra, lối vẽ ý niệm - biểu hiện mới nhìn tưởng giống nhau, nhưng câu chuyện, tâm cảnh, hoàn cảnh mỗi người lại khá khác nhau. Chính vì vậy, dù thần tượng Jean Dubuffet (1901 - 1985) người Pháp, vẽ rất giống họa sĩ này, nhưng ít ai quy kết tội “đạo họa” của Jean-Michel Basquiat.
Song hành với những thị phi về cách vẽ và cả giá bán, hiện nay tại Việt Nam lại có khoảng 5 - 6 họa sĩ đang vẽ theo lối của Lê Kinh Tài, ví dụ Mai Đại Lưu, Phạm Thắng… Hỏi Lê Kinh Tài nghĩ sao về cách vẽ của họ? Anh cho biết: “Vui thôi mà! Tôi đã bớt đơn độc. Còn vật liệu, chất liệu, ngôn ngữ, trường phái… cũng chỉ có vậy, cái riêng của mỗi người phụ thuộc vào ý niệm và sự tư duy của từng người, ai đủ bản lĩnh sẽ thành công”.
Với khu vực trưng bày rộng khoảng 2.000 mét vuông, triển lãm giới thiệu 9 tác phẩm điêu khắc có tên là tò he, và 30 tranh khổ lớn, có bức dài tới 6 mét. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 12/11/2017. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất