14/05/2022 08:11 GMT+7
Đây là dịp để những người con Phật ôn lại lịch sử của Đức Phật, là cơ hội để người Phật tử chiêm nghiệm, sống theo lời dạy vàng ngọc của ngài, đi theo con đường giác ngộ của ngài để đưa nhân loại đến hòa bình, an lạc và hạnh phúc.
2646 năm trước, vào ngày trăng tròn tỏ rạng của tháng Vesak thiêng liêng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ấn Độ cổ đại, nay là Nepal. Đức Phật đản sinh đã trở thành một sự kiện hy hữu của toàn nhân loại. Trải qua quá trình tu tập chứng nghiệm tâm linh, cũng vào thời khắc trăng tròn Vesak tại Bồ Đề đạo tràng Ấn Độ, Ngài đã giác ngộ thành Phật. Trong công cuộc hoằng pháp và độ sinh, ngài đã để lại cho nhân loại một kho tàng hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, tinh thần bất bạo động, con đường giải thoát khổ đau, hòa hợp và phát triển.
Ngày nay, Đại lễ Phật đản – Vesak đã trở thành lễ hội tôn giáo vì hòa bình của Liên hợp quốc, là đại lễ thiêng liêng của hàng triệu tín đồ trên toàn thế giới. Trong diễn văn Phật đản Phật lịch 2566, dương lịch 2022, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nhân loại đã trải qua hơn 2 năm dịch COVID-19, cùng với sự đe dọa của biến đổi khí hậu, xung đột và chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người, Phật đản là thời gian để Liên hợp quốc phát đi thông điệp của Đức Phật về hòa bình, lòng khoan dung, về thế giới không chiến tranh mà thay vào đó là tình thương, lòng bi mẫn, phụng sự con người và chúng sinh.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã khẳng định: “Giáo lý của Đức Phật là thông điệp vượt thời gian về sự đoàn kết và phụng sự tha nhân ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhân ngày Phật đản - Vesak, chúng ta hãy cùng nhau tôn vinh trí tuệ của Đức Phật bằng cách hành động vì người khác trên tinh thần từ bi và hòa hợp, cũng như đổi mới cam kết của chúng ta nhằm xây dựng một thế giới hòa bình”.
Mùa Phật đản năm nay trở về trong không khí hân hoan sau hơn 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, các địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau, các hoạt động kính mừng Phật đản vì thế cũng bị ảnh hưởng nhiều, hầu hết tổ chức với phạm vi nhỏ trong nội tự và qua hình thức trực tuyến. Giờ đây, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế - xã hội đang trên đà hồi phục phát triển nhanh và bền vững, đời sống văn hóa, sinh hoạt tâm linh mang lại sự phấn khởi, tươi vui cho tất cả mọi người. Nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm với tha nhân, với nhân sinh, với xã hội, Thông điệp của Đức quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu: Đức Phật dạy, mọi sự vật, hiện tượng đều do duyên sinh. Theo đó, con người có trách nhiệm trong mỗi suy nghĩ, hành động của mình để bảo vệ sự tươi đẹp của hành tinh, và có vai trò quyết định sự phồn vinh, thịnh vượng, tương lai của vũ trụ mà chúng ta đang sống.
Trách nhiệm xã hội là tiêu chuẩn của cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hành động vì hạnh phúc, an lạc của nhân loại. “Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đệ tử Phật cũng phải nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật; đồng thời siêng năng thực hành giáo lý từ, bi, hỷ, xả để nuôi dưỡng thân tâm. Đó chính là nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa bỏ điều ác, hận thù, vô cảm trong xã hội. Đây cũng chính là tiền đề và là động lực để mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”, Thông điệp nhấn mạnh.
Đức quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Trí Quảng cũng nhắc nhở rằng, ngay lúc này, người con Phật càng phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Mỗi tăng, ni cần nêu cao trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình trên tinh thần: Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh, xây dựng Giáo hội vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, truyền thống “gắn bó đồng hành cùng dân tộc”, trong năm qua, các cấp Giáo hội, cơ sở tự viện trong cả nước, đồng bào Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã làm tốt công tác phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo. Hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch; chủ động, kịp thời chỉ đạo dừng, hoãn nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo để đảm bảo an toàn sức khỏe cho tăng, ni, Phật tử và xã hội. Giáo hội đã ủng hộ hàng ngàn tỷ đồng cho Quỹ vaccine và Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ mua trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm…
Riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2021 đã triển khai đa dạng các hoạt động từ thiện xã hội với tổng giá trị trên 1.048 tỷ đồng; đóng góp 1,5 tỷ đồng cho Quỹ vaccine...
Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội đã tích cực vận động ủng hộ tiền và trang thiết bị y tế trị giá trên 10 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và Quỹ vaccine của thành phố; hỗ trợ hàng trăm tấn gạo, hàng trăm ngàn khẩu trang y tế, hàng ngàn bộ quần áo bảo hộ và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết tới lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân ở các khu phong tỏa, cách ly y tế. Thường trực Ban Trị sự đã kêu gọi tăng, ni ủng hộ hai phòng áp lực âm cho Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Phong trào “cởi áo nâu, khoác áo blue” đã thu hút được hàng ngàn tăng, ni, Phật tử cả nước cùng chức sắc, tín đồ của các tôn giáo bạn đăng ký là tình nguyện viên ra tuyến đầu, vào các bệnh viện thu dung, dã chiến giữa tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để góp sức cùng đội ngũ y, bác sỹ chăm sóc người bệnh. Nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo trở thành nơi điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19; tiếp nhận tro cốt của những người qua đời vì dịch bệnh để thờ cúng cho đến khi thân nhân đến nhận. Qua đó, góp phần làm an lòng những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, mất mát người thân trong dịch bệnh, góp phần ổn định tư tưởng xã hội.
Phát biểu tại Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những hành động cao đẹp, đầy tình nhân ái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng, ni, Phật tử thực sự đã làm lay động hàng triệu trái tim đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn dân phòng, chống dịch.
Đánh giá cao những đóng góp tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong Thư chúc mừng đồng bào Phật giáo cả nước nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566, dương lịch 2022, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã viết “Trong năm qua, các cấp Giáo hội và đồng bào Phật giáo luôn sát cánh, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, qua đó góp phần cùng cả nước đẩy lùi, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục, phát triển kinh tế bền vững trong điều kiện mới”.
Đại lễ Phật đản năm nay diễn ra trong bối cảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo các tỉnh, thành phố, hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Để mọi Phật sự được thành tựu, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhắc nhở mỗi tăng, ni cần khắc ghi và thực hành lời dạy của Đức Phật về giáo lý Tứ nhiếp pháp: “Bố thí, là bằng tâm thanh tịnh nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch COVID-19. Ái ngữ là dùng lời từ hòa hướng dẫn mọi người an trú vào pháp thiện. Lợi hành là làm lợi ích cho mọi người và xã hội. Đồng sự là hòa hợp dấn thân phục vụ để khuyến hóa mọi người phát tâm tu tập theo thiện pháp, hướng đến Nhất thiết trí - thành Phật”.
Theo Hòa thượng, đây chính là con đường dẫn đến sự thành công của mọi công tác Phật sự và cũng chính là con đường để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Giáo hội. Đồng thời, là điều kiện quan trọng quyết định sự thanh tịnh, hòa hợp và thành công của Đại hội.
Chu Thanh Vân/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất