28/09/2020 07:48 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn chính thức được phát động từ ngày 27/5. Đến hết ngày 7/9, Ban tổ chức đã nhận được 110 sáng tác, trình diễn nghệ thuật của/vì thiếu nhi ra đời trong khoảng thời gian từ 1/1/2019 đến ngày 7/9/2020, qua 2 "kênh": Một là do các thành viên trong Ban sơ khảo tìm kiếm và đề cử; hai là do chính các tác giả gửi trực tiếp tới tòa soạn hoặc gửi vào hòm thư điện tử [email protected]. Qua 2 “kênh” đó, có thể khẳng định, kết quả giải thưởng đã phán ánh được phần nào bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật thiếu nhi trong thời gian qua.
Từ hơn 110 tác phẩm, Ban sơ khảo đã chọn được gần 40 tác phẩm nổi bật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, truyện tranh... Sau khi Hội đồng giám khảo cho nhận xét, đánh giá sơ bộ, các thành viên Ban sơ khảo tiếp tục chắt lọc, chấm chọn 12 tác phẩm để gửi vào vòng trong.
Hội đồng giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Chủ tịch, cùng các thành viên: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Lê Linh, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh và nhà báo Lê Xuân Thành.
Do giám khảo ở cả 2 địa bàn Hà Nội và TP.HCM, nên 2 phiên chấm giải đã được tổ chức trực tuyến vào ngày 8/9 và 16/9 từ “đầu cầu” số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội và “đầu cầu” 116-118 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM. Tại 2 đầu cầu, Hội đồng giám khảo đã làm việc nghiêm túc, công tâm và khẩn trương để chọn những tác phẩm - tác giả trao Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn và các giải Khát vọng Dế Mèn cho mùa giải đầu tiên năm 2020.
Dễ nhận thấy trong 110 tác phẩm gửi tới dự thi hoặc được Ban sơ khảo đề cử xét Giải thưởng Dế Mèn 2020 có sự phong phú về đề tài và đủ các lĩnh vực: Văn học, hội họa, âm nhạc, sân khấu... Tuy nhiên, Hội đồng giám khảo có chung nhận định rằng, mảng văn học cho thiếu nhi vẫn có sự nổi trội so với các mảng nghệ thuật khác.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét: "Tôi dành thời gian rất nhiều để xem phim, kịch, truyện tranh, hội họa, âm nhạc… để thử loại mình ra khỏi thói quen chọn văn chương, sau đó mới đọc dần các tác phẩm văn học. Và tôi mới giải đáp được tại sao các thành viên Ban sơ khảo và Ban giám khảo lại đề cử những cây viết văn chương gạo cội...
Bởi tôi nhận thấy, có nhiều tác phẩm khá hấp dẫn nhưng nếu đặt chúng độc lập mà trao Hiệp sĩ thì quả thật là khó khăn... Để trao giải Hiệp sĩ hay Khát vọng Dế Mèn ngoài yếu tố văn chương, nghệ thuật trong sáng thì người lớn phải mượn nó như một cách đi vào giáo dục con cháu. Các truyện thiếu nhi nổi tiếng trên thế giới mà chúng ta từng đọc cũng vậy, đọc xong người ta phải trăn trở, phải thay đổi, phải nghĩ về một điều gì đó lớn lao... Tôi hy vọng giải Dế Mèn cũng có được điều đó".
Trong kết quả Giải thưởng Dế Mèn năm nay (với 1 Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn và 4 giải Khát vọng Dế Mèn) có 3 trên 5 tác phẩm là thuộc lĩnh vực văn học. Điều đó phản ánh đúng cơ cấu và chất lượng các loại hình tác phẩm dự giải.
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất