02/10/2019 09:59 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Sau đúng một thế kỷ từ khi ra đời, bản tình ca bất hủ Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đến giờ vẫn làm rung động hàng triệu con tim người Việt vì chứa đựng những tình cảm, nghĩa phu thê sâu đậm.
Bản nhạc cũng thể hiện phần nào cuộc đời thăng trầm của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và những khó khăn thời đó của người dân, đất nước, nỗi buồn thời đại. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản nhạc này khi ông buộc phải rời xa người vợ đầu ấp tay gối Trần Thị Tấn vì sống cùng nhau 3 năm vợ ông chưa sinh con. Quá buồn đau vì phải chia xa và nhớ nhung người vợ hiền thảo chiều nào ông cũng mang đàn ra bờ ruộng nơi ông và vợ chia tay gảy bản Xuân nữ, Nam ai, Trường tương tư nhưng lòng chẳng vơi thương nhớ.
Tiếng đàn nhớ vợ của ông từ chiều tới canh khuya. Ông luôn nghĩ vợ mình chắc chắn nhớ mình nhiều hơn là mình nhớ vợ nên viết bản Dạ cổ hoài lang (Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) để nói thay nỗi lòng của vợ mình.
Bản nhạc vừa ngọt ngào, vừa sâu lắng, vừa chất chứa tâm tình thời đại nên rất nhiều người thời đó đã thuộc bài hát của ông. Sau này, bản nhạc có nhiều dị bản khác nhau và nó trở thành bản nhạc vua của thể loại cải lương Nam Bộ.
Qua mỗi giai đoạn phát triển bản nhạc càng hay hơn và chuyển dần thành nhiều nhịp. Cứ mỗi lần phát triển, bài Dạ cổ hoài lang không dừng lại ở nguyên bản như các bài nhạc cổ khác, mà dần biến đổi hình thức, làm thay đổi một phần bộ mặt cải lương. Rõ nét nhất là từ thập niên 1960, soạn giả Viễn Châu, đã tạo nên mối lương duyên kỳ lạ, kết hợp Tân nhạc vào Vọng cổ cho ra đời bản Tân cổ giao duyên, thu hút được khán thính giả tân và cổ nhạc. Điều này chỉ có ở vọng cổ, bởi lẽ tiếng nhạc du dương và lời ca bình dị hợp với tấm lòng người Nam Bộ.
GS.TS Trần Văn Khê khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như “Dạ cổ hoài lang” biến thành vọng cổ.
Lại nói về chuyện của vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hơn 1 năm xa cách, Cao Văn Lầu không lúc nào vơi nỗi buồn thương, nhớ vợ. Sau đó ít lâu, ông Sáu Lầu (tên tục của nhạc sỹ Cao Văn Lầu) đã tìm thấy vợ mình đang làm công quả ở một ngôi chùa. Niềm vui ngày gặp lại chưa qua thì thời gian ngắn sau, vợ chồng ông nhận tin mừng khôn tả: vợ ông mang thai. Ông Sáu Lầu nhanh chóng thưa với cha mẹ để đón vợ trở về nhà.
Cuộc đời lắm thăng trầm của ông Sáu Lầu có một kết thúc không thể có hậu hơn. Vợ chồng ông sinh được tất cả 7 người con (5 trai và 2 gái) và sống hạnh phúc đến cuối đời. Trước khi mất, nhạc sĩ còn dặn con: “Khi ba mất nhớ để ba nằm gần má tụi con ở phía mặt trời mọc….”
Ông cũng dạy con mình: “Nghe đờn ca tài tử phải đợi lúc khuya mới mùi, phải có tình yêu đằm thắm với nó mới hay”.
Năm 2013, UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt mở rộng tôn tạo trên diện tích hơn 12ha gồm nhiều hạng mục như: nhà trưng bày, mộ nhạc sỹ, nhà biểu diễn đờn ca tài tử, vườn nhạc cụ, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đài nguyệt cầm- nơi tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Trong khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (thành phố Bạc Liêu) hiện có 4 ngôi mộ: cha mẹ nhạc sĩ và vợ chồng Cao Văn Lầu- Trần Thị Tấn.
Cứ mỗi dịp ngày rằm tháng 8 âm lịch, nơi đây diễn ra lễ hội Dạ cổ hoài lang để nhớ về người nhạc sỹ tài danh và nghệ thuật đờn ca tài tử, môn nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo hồ sơ đệ trình UNESCO, có gần 30.000 người chơi đờn ca tài tử trong vài nghìn câu lạc bộ, nhóm, đội đờn ca tài tử. Thực tế con số này có thể nhiều hơn vì không phải ai cũng đăng ký và cũng không cần đăng ký. Ít nhất có 21 tỉnh/ thành phố ở phía Nam đang rất phát triển đờn ca tài tử. Chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu đã có 68 nhóm, đội, câu lạc bộ đờn ca tài tử. Không gian chơi đờn ca tài tử phổ biến nhất là trong nhà, ngoài vườn và trên sông nước. Đờn ca tài tử gắn kết cộng đồng từ chính bản chất “dân chủ” của mình. Khi đã cùng nhau trong một nhóm, đội, câu lạc bộ đờn ca tài tử, người tham gia không còn chức vụ hay địa vị gì nữa, họ là bạn đờn ca của nhau. “Tinh thần phóng khoáng ấy của người miền Nam đã tạo thành một truyền thống âm nhạc mà suốt xứ Việt Nam không nơi nào có”, GS.TS Trần Quang Hải nhận xét.
Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ra đời của bản Dạ cổ hoài lang và 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà công tử Bạc Liêu, Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019, từ ngày 20- 22.11
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 có các hoạt động chính: Tổ chức không gian các miền Di sản với chủ đề "Hội tụ các miền Di sản"; Chương trình tọa đàm, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tôn vinh bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 và chương trình nghệ thuật "Dạ cổ hoài lang - Với các miền Di sản"; Liên hoan đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau, lần thứ XIV - 2019 mở rộng; Tổ chức đoàn khảo sát một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tổ chức hội thảo "Hợp tác, liên kết, khai thác tiềm năng du lịch Bạc Liêu", lễ ký kết hợp tác phát triển toàn diện giữa Bạc Liêu và một số công ty lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Hội chợ Công nghiệp - Thương mại và Du lịch Bạc Liêu 2019; Chương trình bế mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019...
Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất