Mùng 5 Tết thăm lại di tích Ngọc Hồi - mồ chôn quân Thanh 230 năm trước

09/02/2019 08:26 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Đại phá đồn Ngọc Hồi sáng sớm mùng 5 Tết Kỷ Dậu, anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã mở toang cánh cửa phía Nam, tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long 230 năm trước.

Chân dung vua Quang Trung và... chân dung độc giả

Chân dung vua Quang Trung và... chân dung độc giả

Một tuần trôi qua, kể từ khi một tờ báo đăng tải bài viết “Đã tìm ra chân dung chính xác nhất của vua Quang Trung?"

 

Ngày 8/2 tức mùng 4 Tết Kỷ Hợi, khu di tích Chiến thắng Ngọc Hồi,  xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, (Hà Nội) đã đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố và tổ chức lễ kỷ niệm 230 năm Quang Trung chiến thắng quân Thanh xâm lược.

Chú thích ảnh
Lễ hội kỉ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi.
Chú thích ảnh
Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân Kỷ Dậu.

Khu di tích chiến thắng Ngọc Hồi ghi dấu ấn công lao người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn quật cường đã cùng với nhân dân Ngọc Hồi chiến đấu đánh đuổi quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm 1789, giải phóng đất nước.

Lịch sử ghi lại, vào những ngày Tết năm 1789, trong lúc tướng giặc Tôn Sĩ Nghị cùng quân lính mải mê chuẩn bị ăn Tết thì Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã trịnh trọng làm lễ đăng quang, đặt niên hiệu Quang Trung, rồi thân chinh thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc Hà.

Đồn Ngọc Hồi là cứ điểm quan trọng của quân Thanh, then chốt nhất trên con đường thiên lý Bắc Nam để vào kinh thành, có vai trò quyết định cho toàn bộ cuộc chiến này. Nhận rõ tầm quan trọng của đồn Ngọc Hồi, Vua Quang Trung quyết định chọn vị trí này để tấn công lớn nhằm tiêu diệt phần lớn sinh lực địch để giành thắng lợi cuối cùng.

Chú thích ảnh
Nơi thờ vua Quang Trung trong chùa Ngọc Hồi

Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, đồn Ngọc Hồi là nơi có vị trí then chốt, tập trung nhiều quân tinh nhuệ và tướng giỏi của Tôn Sĩ Nghị. Phía ngoài đồn Ngọc Hồi, quân địch bố trí bãi chướng ngại dày đặc, trong đó có chông sắt và địa lôi, nhằm ngăn cản tượng binh, không cho tiến sát vào chiến lũy.

Sau khi nắm tình hình, biết được thời cơ đã đến, Vua Quang Trung quyết mở cuộc tập kích chiến lược với sự tham gia của quân binh. Chỉ trong rạng sáng ngày 5 Tết, toàn bộ quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi bị tiêu diệt, mở đường cho đoàn quân của Quang Trung tiến vào đánh đồn Khương Thượng - Đống Đa, giải phóng kinh thành Thăng Long.

Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi liên quan chặt chẽ với lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết Âm lịch hàng năm và trở thành ngày lễ hội lớn của nhân dân Thủ đô bao đời nay.

Chú thích ảnh
Tượng đài Chiến thắng Ngọc Hồi với hình ảnh 3 mũi tên đồng hướng thẳng về phía kinh thành

Tượng đài chiến thắng Ngọc Hồi với hình ảnh biểu trưng "Ba mũi tên đồng" tọa lạc gần đường quốc lộ 1A và chùa Ngọc Hồi. Tượng đài được xây dựng năm 1989 nhân dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 1989).

Từ đó đến nay, khu tưởng niệm này mỗi dịp xuân về là nơi nhắc lại truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ con cháu.

Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi được tổ chức năm nay với nhiều hoạt động văn nghệ phong phú, đa dạng thu hút hàng nghìn người trong và ngoài huyện Thanh Trì tham gia.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm