17/02/2021 07:08 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Năm hết dĩ nhiên là Tết phải đến thôi, theo lịch ta hay lịch Tây đều thế cả. Hết năm, theo lịch Tây thì có Tết Dương lịch, theo lịch ta thì có Tết Nguyên đán. Tết nào cũng mới lạ, cũng vui và nhiều điều hứng khởi.
Nhưng câu thành ngữ “Năm hết Tết đến” đã có từ xa xưa. Hẳn là “Tết” được nói trong thành ngữ này là Tết Nguyên đán - một cái tết cổ truyền vô cùng đặc biệt, gần gũi và thiêng liêng của dân tộc ta.
Câu nói đó không chỉ là một thông tin về chỉ giới thời gian (chỉ những ngày cuối cùng của tháng Chạp, cũng là ngày cuối cùng của một năm). Nó còn là một thông điệp mang nhiều ý nghĩa.
Trước hết, đó là một lời nhắc nhở chúng ta. Rằng, thời gian cuối cùng của 1 năm đã hết. Con người chúng ta, phải trải qua quãng thời gian dài của đời người. Quãng thời gian đó được lặp đi lặp lại theo các chu kỳ "ngày", "tháng", "năm", trong đó năm (khoảng thời gian trái đất di chuyển hết một vòng quanh mặt trời, bằng 365 ngày, tương đương 12 tháng) là quan trọng hơn cả (tuổi thọ tính theo năm mà).
Với mỗi người, đó là quãng thời gian phải thực hiện những công việc cần thiết, liên quan tới học hành, lao động, mưu cầu hạnh phúc. 12 tháng với 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bao nhiêu kế hoạch, dự định phải thực hiện. Nếu không biết thu xếp một cách hợp lý và nếu không biết huy động sức lực, khả năng, chúng ta không thể đạt được yêu cầu "hoàn thành nhiệm vụ". Xa hơn là ước mơ, hoài bão cho cả cuộc đời mình.
"Năm hết Tết đến rồi đó, con phải quyết việc riêng của mình đi. Sang năm là thêm tuổi mới..." - bà mẹ tâm sự với cô con gái như vậy.
Nhưng câu thành ngữ “Năm hết Tết đến” còn mang một hàm ý khác. Rằng, thời gian 1 năm qua đã được ghi nhận. Đó là một dấu mốc và chúng ta hãy bằng lòng với hiện tại để hướng tới một ngày mai mới mẻ, tốt đẹp. Nhiều khi mải mê công việc, chúng ta giật mình: "Chao, mải việc mà thấy thời gian nhanh quá! Năm hết Tết đến rồi. Dù sao thì mình cũng viết xong quyển sách để sắp tới nghỉ hưu cũng yên tâm".
Nhưng chúng ta đón Tết còn có câu thành ngữ tiếp theo: “Tết đến Xuân về”.
Thật thú vị là Tết Nguyên đán (ngày đầu năm Âm lịch) lại gần như trùng với ngày lập Xuân (tên gọi 1 trong 24 tiết trong năm, thường vào ngày 3, 4 hoặc 5 tháng 2 Dương lịch). Đây là ngày bắt đầu của mùa Xuân - cũng là mùa khởi đầu trong 4 mùa trong năm.
Qua Đông lạnh giá, mùa này là mùa thời tiết bắt đầu ấm áp, mưa gió thuận hòa. "Mưa rơi cho cây tốt tươi/ Búp chen lá trên cành/ Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió, bướm tung cánh bay vờn/ Bên nương ríu rít tiếng cười bao trai gái đang nô đùa" (Lời bài hát "Mưa rơi" của Dân tộc Xá). Mùa Xuân rõ ràng là mùa của chồi non lộc biếc, hoa nở khắp nơi. Đó là dấu hiệu của sự sống với sinh lực tràn đầy.
"Tết đến Xuân về" là một câu nói mang theo tín hiệu lạc quan của con người Việt Nam trong cuộc sống. Cuộc sống, như chúng ta đã biết, có thuận lợi, có khó khăn và thử thách. Đó là lẽ thường ở đời. Nhưng chúng ta biết nhận ra chân giá trị ngàn đời đó, chúng ta sẽ có quyết tâm và nghị lực vượt lên, dám chấp nhận những trở ngại để làm chủ cuộc sống.
Một mùa Xuân mới - Xuân Tân Sửu 2021 đã đến trên đất nước ta. Mỗi người chúng ta hãy đón nhận sự đổi thay này của tạo hóa để quyết phấn đấu cho sự đổi thay của chính mình. Có chí thì nên! Nào, chúng ta cùng nhau tiến bước, quyết chinh phục những chân trời mới.
“Xuân sang, ngửa mặt nhìn trời
Thấy sông đang chảy, thấy người đang yêu”.
(Đồng Đức Bốn)
PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất